Thực hư chuyện kiếm tiến từ YouTube

Nếu bây giờ bạn gõ vào ô tìm kiếm của Google chuỗi ký tự “kiếm tiền từ YouTube”, trong vòng 0,46 giây, bạn sẽ có được 64,3 triệu kết quả là những trang hướng dẫn kiếm tiền trên YouTube. Nhưng kiếm tiền trên mạng xã hội này có dễ không?

Con số thống kê của Google nói trên cũng cho thấy sức hấp dẫn của cuộc chơi “khởi nghiệp”: làm YouTuber với không ít người. Những năm gần đây, nhiều câu chuyện về các cá nhân, các nhóm trẻ khởi nghiệp bằng việc sản xuất các clip xuất bản trên mạng YouTube thành công và kiếm tiền tỷ đã kích thích không ít bạn trẻ lao vào cuộc.


PewDiePie - diễn viên hài và bình luận viên video game người Thụy Điển, nổi tiếng trên YouTube từ năm 2013. Tính đến tháng 4 năm 2019, kênh YouTube của anh đã có hơn 20 tỷ lượt xem video (Ảnh cắt từ clip của PewDiePie trên Youtube)

Sức hấp dẫn từ những ngôi sao

Giới trẻ Việt Nam không còn xa lạ với chàng trai Thụy Điển Felix Kjellberg với nick name PewDie-Pie. Từ một sinh viên ngành Kinh tế Công nghiệp, Felix bỏ học chạy theo niềm đam mê làm video trên YouTube. Chỉ trong vòng 3 năm, vào 2016, kênh PewDiePie đã có 50,3 triệu lượt đăng ký, tổng lượng theo dõi video lên đến 13,8 tỷ lượt, trong khi thế giới chỉ có 7,5 tỷ người vào thời điểm đó. Thành công mang lại cho anh danh tiếng và tiền bạc, từ tháng 10/2015, PewDiePie đã lọt top "đại gia" YouTube với thu nhập 12 triệu USD thu nhập trong năm đó.

Roman Atwood và Lily Singh kiếm được lần lượt 8 triệu và 7,5 triệu USD trong năm 2016. Nhiều Youtuber ở châu Á cũng có thu nhập khủng nhờ YouTube. Ví dụ: Yaman Agarwal (19 tuổi) ở Ấn Độ với kênh dạy nấu ăn CookingShooking; ngôi sao Trương Phối Phối (26 tuổi) ở Bắc Kinh (Trung Quốc), hoặc Yoon Chang Hyun (Hàn Quốc), vốn là cựu nhân viên hãng Samsung, bỏ tất cả công việc danh giá ở đây để theo đuổi niềm đam mê xây dựng kênh YouTube riêng cho mình.

Một cô gái người Mỹ gốc Việt là Michelle Phan tuổi 8X cũng trở nên nổi tiếng và thành triệu phú đô la nhờ YouTube. Michelle Phan xuất thân từ nghề trang điểm. Năm 2007, chị đăng tải những clip trang điểm đầu tiên lên YouTube, đơn giản là để “cho vui”, nhưng những clip dạy hóa trang cho giống các ngôi sao nổi tiếng ấy không ngờ có sức hấp dẫn công chúng kỳ lạ. Và sau đó, cô nhanh chóng trở thành hot YouTuber có thu nhập khủng. 

Nhiều diễn viên hài hoặc các “game thủ” cũng có thể nhận được hàng ngàn USD mỗi ngày từ YouTube. Và thời gian qua, rất nhiều kênh YouTube được thành lập bởi một nhóm người trẻ, chuyên làm phim ngắn, MV ca nhạc, video quảng cáo sản phẩm… chuyên nghiệp và đăng tải thường xuyên theo lịch cố định. Một số cơ quan báo chí cũng khai thác nền tảng mạng xã hội này cho công tác thông tin và tăng nguồn thu quảng cáo.


Rất nhiều trang web hướng dẫn cách kiếm tiến từ YouTube trên mạng

Kiếm tiền từ YouTube dễ hay khó? 

Có nhiều hình thức kiếm tiền từ mạng xã hội khổng lồ này, nhưng phổ biến nhất là hình thức đăng ký tham gia YouTube Partner. Điều kiện để trở thành thành viên có thể kiếm tiền từ quảng cáo của YouTube đầu tiên là: kênh Youtube của bạn cần phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong một năm và có ít nhất 1.000 người đã nhấn nút theo dõi (subscriber). Số tiền kiếm được tùy thuộc vào số lượt xem quảng cáo do Google chuyển vào các video clip theo cách tính của chính hãng này.

Thực tế kiếm tiền từ YouTube không dễ dàng như nhiều người nghĩ rằng chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc camera để livestream “chém gió” là có thể kiếm được cả trăm triệu đồng một tháng. Tất nhiên, có nhiều hình thức kiếm tiền khác từ YouTube như quảng bá hay đại diện cho một thương hiệu nào đó, nhưng số này không nhiều, đa phần là những người nổi tiếng. 

Những YouTuber bình thường phải sáng tạo nội dung cho các clip và duy trì kênh thường xuyên để giữ chân người xem. Nội dung phải do chính họ tạo ra chứ không được phép copy, dù chỉ là một đoạn nhạc hay video rất ngắn. Vi phạm về bản quyền sẽ bị các robot của YouTube phát hiện và có nhiều giải pháp “kỷ luật”, cao nhất là xóa luôn kênh.

Michelle Phan - cô gái người Mỹ gốc Việt sinh năm 1987 thành công khá sớm nhờ Youtube

Một khán giả bình thường xem clip trên YouTube có thể thấy hiển thị số lượt xem (view) cao thấp nhưng con số đó không liên quan hoàn toàn đến tiền thu được từ quảng cáo của chủ nhân kênh. Bởi YouTube trả tiền theo CPM - viết tắt của “Cost Per Mille”, tức là YouTube trả tiền theo 1.000 lượt người xem cái quảng cáo hiển thị (tự động) trên clip đó. Nói một cách cụ thể: một clip video có thể có hàng triệu lượt xem, nhưng số tiền chủ nhân nó hưởng từ YouTube phụ thuộc vào số người thực sự bấm vào cái quảng cáo hiển thị giữa clip ấy (tính theo số 1.000 lượt và giá cả tùy khu vực). 

Không phải ai xem clip cũng xem quảng cáo. Và không phải kênh nào có đông người theo dõi cũng có thể có nhiều lượt xem. Càng không phải có nhiều lượt xem là có thể thu nhiều tiền quảng cáo. YouTube có thuật toán để đo đếm khá tốt. Bên cạnh đó, nếu bạn kiếm được 1.000 USD nhờ quảng cáo từ YouTube thì chính trang mạng này sẽ thu lại 45% thu nhập ấy, đó là chưa kể, bạn phải tự lo chi phí sản xuất video, tiền đóng thuế thu nhập.

Thực tế không phải YouTuber nào cũng kiếm được tiền. Theo thống kê từ chính YouTube, có đến 90% các kênh trên trang mạng xã hội này không kiếm nổi 2,5 USD/tháng.

Nhưng ngay cả những người kiếm được tiền thì không phải ai cũng duy trì được năng lực sản xuất video đủ mạnh và liên tục. Họ phải đối phó với những áp lực tinh thần, tâm lý khá nặng nề. Đó là áp lực của nổi tiếng, áp lực của sản xuất video liên tục, áp lực của tương tác với fan hâm mộ, áp lực tài chính. Đó còn là áp lực… phá sản nếu chẳng may bị vạ miệng do phát ngôn thiếu kiềm chế trong những lúc livestream!

Kiếm tiền từ việc sản xuất video clip trên nền tảng YouTube nói riêng và các mạng xã hội khác phải có chiến lược, phải sáng tạo, phải có năng lực truyền thông và trên hết, phải vì cộng đồng.
Phan Văn Tú