(HTV) - Ngày 14/02, Thông tư số 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm đã chính thức có hiệu lực. Vậy học sinh và các trường tại TP.HCM đã thích ứng cũng như có giải pháp gì trước những thay đổi này?
Đối với các em lứa 2007, đây là năm đầu tiên thi tốt nghiệp chương trình phổ thông 2018 nên việc trang bị và củng cố kiến thức rất quan trọng. Hơn nữa việc không thu phí học thêm cũng khiến các em ít nhiều lo lắng đến hoạt động ôn thi tuyển sinh. Theo Thông tư, có nhiều quy định mới như giáo viên không được dạy thêm có thu tiền đối với học sinh ở trên lớp của mình, không thu tiền đối với học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
![](https://assets2.htv.com.vn/Images/.NEWZ 2025/FEB/16/Như/2ad0d5e838e086bedff1.webp)
Đối với các em lứa 2007, đây là năm đầu tiên thi tốt nghiệp chương trình phổ thông 2018 nên việc trang bị và củng cố kiến thức rất quan trọng
Dù học thêm tại một trung tâm không phải do giáo viên đứng lớp của mình trực tiếp giảng dạy, thế nhưng tuần này em Phan Khải Nhi - Học sinh lớp 12A16, Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TP.HCM đã phải tạm nghỉ do trung tâm cần rà soát lại. Em bày tỏ sự lo lắng vì mình sẽ không được ôn tập 100%. Chương trình mới nên các bạn sẽ hoang mang vì chưa được tiếp cận, làm quen với đề mới.
Em Huỳnh Duy Khoa - Học sinh lớp 12A15, Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TP.HCM chia sẻ, việc không thu phí sẽ bất lợi và khó khăn cho thầy cô trong thời gian này. Nhưng em mong muốn thầy cô dù khó khăn nhưng sẽ hết mình để các học sinh có thể học tốt giai đoạn này.
Học sinh mong muốn sự hỗ trợ từ thầy cô trong giai đoạn thi tuyển sinh
Để triển khai ôn tập cho học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp, Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1 ngay từ đầu năm đã lên kế hoạch thực hiện. Song nhà trường vẫn băn khoăn làm sao để đảm bảo cho giáo viên khi họ phải dạy sau thời gian kết thúc năm học.
Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TP.HCM chia sẻ, mấy chục năm nay, xã hội hóa việc ôn tập đã giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước. Nếu phụ huynh ủng hộ việc này thì nên để nhà nước và phụ huynh cùng làm. Thời gian năm học đã kết thúc, chưa kể luật lao động nếu ngày nghỉ theo Luật thì người lao động sẽ được tăng lương gấp 03 lần, nên chúng ta phải nghiên cứu kỹ để không thất thoát ngân sách nhà nước và tạo được sự đồng hành của phụ huynh để có thể thực hiện tốt hơn.
![](https://assets2.htv.com.vn/Images/.NEWZ%202025/FEB/16/Nh%C6%B0/33d28ced61e5dfbb86f4.webp)
Thông tư số 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm đã chính thức có hiệu lực vào ngày 14/02
Về kinh phí thực hiện, Sở đã có định hướng để sử dụng kinh phí này, hiệu trưởng phải sử dụng tốt nguồn kinh phí chi thường xuyên để bố trí thầy cô giáo thực hiện các lớp ôn tập. Trong tổ chức không tổ chức đại trà mà chỉ tổ chức các em có nguyện vọng và có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh tham gia tự nguyện. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường vẫn chưa nghĩ đến chuyện sẽ mở các lớp ôn tập rộng rãi như những năm trước mà vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ ngành Giáo dục.
Đối với việc ôn thi không thu phí cho học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM yêu cầu các trường phải tổ chức thực hiện đầy đủ, đảm bảo quyền lợi của các em học sinh và kinh phí được lấy từ nguồn chi thường xuyên để thực hiện.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9