Thể hiện hình ảnh bản thân không xấu, nếu…

Mạng xã hội nói chung, facebook nói riêng tạo ra những cộng đồng ảo. Cộng đồng ảo là một xã hội, một không gian văn hóa có những giá trị, tiêu chuẩn, ngôn ngữ, ký hiệu riêng…


Nhìn chung ai cũng có nhu cầu thể hiện bản thân. Tuy nhiên, việc thể hiện bản thân phù hợp với lối sống chung của cộng đồng phụ thuộc vào nền tảng văn hóa. 

Giao tiếp trên môi trường truyền thông xã hội chủ yếu dựa vào văn bản (bên cạnh âm thanh, hình ảnh, video, đồ họa). Quy trình giao tiếp ấy tạo ra một đặc trưng tâm lý, cách ứng xử khác so với giao tiếp trong đời sống thực.

Nhưng facebook không hề “ảo” 

Và điều đáng nói là giao tiếp qua facebook đôi khi vượt quá phạm vi trao đổi cá nhân, tập thể nhỏ, mà trở thành… truyền thông đại chúng tính chất công cộng, chế độ public của mạng xã hội này.

Cùng với những quy ước về phép lịch sự khác hẳn trong đời sống bình thường, tính chất đại chúng của facebook dễ tạo ra những ngộ nhận của người sử dụng về khả năng của mình, về sự chia sẻ, sự tự do trong bộc lộ bản thân. 

Có không ít người dùng facebook như một kênh để ngắm vuốt, trình diễn bản thân. Chuyện này cũng không có gì xấu. Nhưng nếu không đủ bản lĩnh, thành viên mạng sẽ ngộ nhận trước những tiếng vỗ tay bầy đàn.

Facebook còn “tiếp tay” cho người sử dụng vượt qua những ranh giới, lề luật bình thường của cuộc sống thật để thử nghiệm những thay đổi của bản thân: “diễn” vai mới thông qua việc “thay tên đổi họ”, biến đổi giới tính, tuổi tác, nguồn gốc… để nuôi dưỡng một tính cách, một hình ảnh khác, hay hình ảnh mơ ước của bản thân. Ngay cả khi họ xuất hiện với tên thật, giao tiếp mạng cũng cho phép họ thay đổi những đặc điểm của con người thật của mình trước cộng đồng ảo. 

Tái tạo lại hình ảnh bản thân có khi là khát vọng hoàn thiện, có khi là một nhu cầu thỏa mãn cái tôi ích kỷ. Đôi lúc, nhiều người xuất hiện trong cuộc sống ảo với hình ảnh bản thân có những biểu hiện bất thường, bệnh hoạn. Như đã nói, ai trong chúng ta cũng có nhu cầu thể hiện cái tốt, cái hay của mình. Tuy nhiên, “khoe” cần dựa trên sự thật, chứ không phải dựa trên những thông tin được tái tạo. Ở cấp độ nhỏ, có thể là tái tạo nhan sắc qua các phần mềm chỉnh sửa. Ở cấp độ lớn hơn, là những thông tin văn bản được hư cấu về những “kỳ tích”. Không có gì giấu được trên môi trường mạng, hãy thận trọng khi thể hiện bản thân!

Khi đăng nhập vào mạng xã hội facebook, người dùng cần phải tỉnh táo để tránh việc thể hiện bản thân có thể ảnh hưởng đến cộng đồng, người khác và thậm chí, chính bản thân mình

Đừng để cơn nghiện không gian ảo sai khiến 

Ẩn danh trong giao tiếp trên internet - xét cho cùng - cũng xuất phát từ nhu cầu xây dựng lại hình ảnh khác bản thân, xây dựng một cái tôi lý tưởng. Tất nhiên, có rất nhiều trường hợp sử dụng hình thức ẩn danh, nặc danh vì những ý đồ xấu. Nhưng xét trong bình diện chung, dù ẩn danh hay xuất hiện chính thức với danh tính thật, môi trường giao tiếp mạng đều cho phép người sử dụng biểu hiện bản thân mình, tự giới thiệu về mình như một con người hoàn thiện hơn, lý tưởng hơn. Chưa thấy ai dùng facebook để tự bêu xấu mình, để phơi bày cái chưa hoàn thiện của mình. Ngược lại, những người nghiện đời sống ảo, thế giới ảo, đa phần có nhu cầu tạo ra một cái tôi lý tưởng khác… thay cho hình ảnh bản thân. 

Những biểu hiện sa đà trong thế giới ảo còn có thể xem là một dạng bệnh lý. Các nhà khoa học cho rằng, đa số người mê cuộc sống ảo tìm thấy khả năng bộc lộ những yếu tố nhân cách bị kìm nén trong vô thức của bản thân. Với môi trường ảo, người vốn e thẹn có thể trở nên cởi mở, người yếu đuối có thể mạnh mẽ, quyết đoán. 

Ranh giới giữa làm việc, học tập và vui chơi trong môi trường internet đôi khi rất mong manh. Và căn bệnh nghiện đời sống ảo - mức độ nhiều ít khác nhau - trong một bộ phận những người online là có thật.

Thể hiện bản thân trên mạng xã hội cũng là xây dựng hình ảnh cá nhân trên truyền thông. Vì thế, việc thể hiện cần phải tuân thủ những nguyên tắc và các thủ thuật truyền thông mới tạo hiệu quả và không phản tác dụng

Nghiện cuộc sống ảo không có tác hại về mặt thể chất như nghiện các chất ma túy nhưng nếu dùng quá nhiều thời gian cho facebook (từ 40-80 giờ mỗi tuần) sẽ làm tổn hại giấc ngủ, giảm chức năng hệ thống miễn dịch, dễ bị tổn thương và phát sinh bệnh tật. Tác hại đến cơ thể có thể không nhiều nhưng tác hại về tâm lý - xã hội của chứng nghiện đời sống ảo quả khó lường. Chìm đắm trong internet có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ hôn nhân, gia đình. Và dù internet cũng được xem là một công cụ giáo dục nhưng nghiện thế giới ảo là căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập. Thời gian lướt web, lên facebook với những mục đích “phi công việc” sẽ tổn hại lớn tới hiệu quả lao động.

Không có nhiều liều thuốc hữu hiệu chữa được cơn nghiện thể hiện bản thân sai lệch và người đam mê cuộc sống ảo thường không ý thức tự giải thoát cho mình.

Và như đã nói, giao tiếp trên môi trường mạng có đặc trưng tâm lý, cách ứng xử khác so với giao tiếp trong đời sống thực, nhưng đó không hoàn toàn là ảo. Hãy sống bằng con người thật của mình trên môi trường truyền thông xã hội để tránh rủi ro. Đừng tạo ra một nhân cách khác mình để trình diễn hoặc lao vào cuộc phiêu lưu nhiều rủi ro trên không gian mạng.

Phan Văn Tú