(HTV) - Một môi trường học tập hạnh phúc là khiến học sinh náo nức mỗi khi đến trường, không còn căng thẳng, áp lực vì những điều tưởng nhỏ nhặt như "kiểm tra miệng" bất chợt đầu giờ.
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 ở Quận 3, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã đề nghị giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" vì sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực.
Đề nghị này nhận được ý kiến đồng tình của cả giáo viên và học sinh khi hình thức kiểm tra, đánh giá này đã không còn phù hợp với phương thức giáo dục mới, vì có nhiều cách để giáo viên kiểm tra, đánh giá học sinh, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học trò mà không phải bất thình lình kêu một ai đó để khảo bài.
Kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực
Chương trình giáo dục 2018 với mục đích phát huy phẩm chất năng lực của học sinh, vì vậy cách kiểm tra, đánh giá cũng đã được đổi mới để phù hợp. Đánh giá học sinh giờ đây là một quá trình, có sự động viên, ghi nhận biểu hiện tiến bộ của học trò ở từng giai đoạn học tập nhất định.
Chính vì vậy nhiều trường tại TP.HCM đã thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên của mình. Việc thay đổi này không chỉ mang lại niềm vui, sự hào hứng cho học sinh mà cho cả giáo viên.
Lớp 7/4 Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 đã bắt đầu tiết học kiểm tra kiến thức cho các em bằng trò chơi bổ sung những nguyên tố vào ô còn thiếu. Không bỏ kiểm tra bài đầu giờ, chỉ là thay đổi hình thức thực hiện để tạo môi trường học tập thú vị và không căng thẳng cho học sinh. Điều này không chỉ giúp học sinh ôn lại kiến thức mà còn tạo sự vui tươi, nhẹ nhàng cho các em.
Kiểm tra bài trước mỗi buổi học bằng trò chơi giúp học sinh giảm căng thẳng
Việc chỉ sử dụng kiểm tra đầu giờ trong đánh giá thường xuyên không còn phù hợp với đòi hỏi đổi mới kiểm tra, đánh giá. Thông tư 22/2021/TT-Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT được thực hiện theo lộ trình từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 với lớp 8, lớp 1 và từ năm học 2024 - 2025 với lớp 9, lớp 12.
Theo thông tư này, ngoài đánh giá định kỳ, học sinh được đánh giá thường xuyên thông qua nhiều hình thức đa dạng: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Đây là hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh diễn ra trong quá trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình Giáo dục Phổ thông; cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên, học sinh để kịp thời điều chỉnh trong quá trình dạy học; hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh; xác nhận kết quả đạt được của học sinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ rèn luyện và học tập.
Học sinh sẽ được đánh giá kết quả học tập qua nhiều hình thức
Năm học 2023-2024, một trong những mục tiêu trọng tâm mà ngành Giáo dục tại TP.HCM hướng đến là xây dựng trường học hạnh phúc. Và chính những thay đổi trong kiểm tra đánh giá để học sinh, thích thú với việc học tập, hào hứng trước mỗi ngày đến trường là tiền đề cơ bản để hiện thực hóa mục tiêu này.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9