Đời sống truyền thông thời mạng xã hội tạo điều kiện cho những hiện tượng ngôn ngữ mau chóng thành xu hướng. Những năm gần đây, nhiều từ, cụm từ, thành ngữ mới xuất hiện và phổ biến được giới trẻ sử dụng như phong cách thời thượng trên mạng…
Sau khi MV “Để Mị nói cho mà nghe” của nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh ra mắt vào tháng 6 năm 2019, tên của bài hit này cũng thành một hiện tượng ngôn ngữ trên mạng
Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, từ - cụm từ - thành ngữ mới… lúc nào thời nào cũng có xuất phát từ những hoạt động phong phú của đời sống xã hội. Nhưng khi internet và công nghệ truyền thông mạng phát triển, tốc độ hình thành và lan truyền những hiện tượng ngôn ngữ này khá nhanh do tâm lý đám đông. Nhiều phát ngôn độc đáo hay ngớ ngẩn đều dễ thành “trend ngôn ngữ”, được cộng đồng góp tay phổ biến kiểu như: 500 anh em, ông chú Viettel, để Mị nói cho mà nghe, cục xì dầu ông bê lắp, tiền nhiều để làm gì?, thanh xuân như một ly trà, toang rồi ông giáo ạ... gần đây.
Từ “hổng dám đâu” đến “nhà bao việc”
Nhà bao việc là kiểu nói có tính chất thành ngữ phổ biến năm rồi trên đời sống mạng, sau đó còn đi vào thơ, vào kịch nói, tấu hài. Thực tế, cụm từ nhà bao việc không đứng độc lập, nó thường đi kèm với một phát ngôn nào đấy.
Ví dụ: Rằm tháng giêng này không đi chơi đâu, nhà bao việc!. Xét ở nghĩa tường minh, nhà bao việc là cách nói gọn của nhà tôi hiện giờ còn nhiều việc lắm hoặc nhà tôi bây giờ còn bao nhiêu là việc. Nhưng ở khía cạnh thành ngữ dùng trong văn cảnh ấy, nó còn có nét nghĩa khác, “cà khịa” hơn: Nhà chẳng có việc gì, nhưng tôi thích lấy cái cớ đó có được không?.
Thành ngữ nhà bao việc gợi nhớ thành ngữ không dám đâu/ hổng dám đâu hoặc biết chết liền phổ biến cách nay trên 30 năm, từng đi vào thơ, vào lời ca khúc (bài Hổng dám đâu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên) mà thế hệ trẻ hiện nay có người không biết. Không dám đâu/ hổng dám đâu có khi được dùng với nghĩa đen tôi không dám, nhưng trong hầu hết trường hợp, nó mang nghĩa hàm ẩn, không phải tường minh như thế.
Có thể đưa ra vài tình huống giao tiếp:
- Công nhận cây mai tết nhà anh khó ai có được!
- Hổng dám đâu!
hoặc:
- Cây mai nhà anh nếu mua chắc tiền tỷ!
- Hổng dám đâu!
Hổng dám đâu thoạt nghe có vẻ như phủ nhận nhưng chẳng phải phủ nhận. Hổng dám đâu cũng chưa chắc là một sự khẳng định được nói một cách khiêm tốn. Điều thú vị là thành ngữ này tồn tại khá lâu trong đời sống ngôn ngữ Việt, gần nửa thế kỷ rồi và nó như một bằng chứng về sự sáng tạo cộng đồng được cộng đồng xây dựng và chọn lọc.
Câu chuyện thành ngữ mạng kiểu như nhà bao việc có trở thành sản phẩm ngôn ngữ toàn dân sau này hay không còn tùy thuộc vào sự sàng lọc của thời gian. Nhưng có thể nói, sự hình thành các sản phẩm ngôn ngữ mới như thế là hiện tượng có tính quy luật của đời sống ngôn ngữ.
Sau hot trend thì còn gì?
Nhân câu chuyện thành ngữ nhà bao việc, chợt nhớ đến một số cấu trúc có từ bao được sử dụng phổ biến thời gian gần đây nhưng trong trường hợp này, yếu tố bao có nghĩa khác.
Ví dụ: Mua trái cây nhà mình đi. Bao rẻ, bao ngon!; Nhận chăm sóc làn da cho quý cô, bao đẹp!”. Bao hay bao rẻ, bao đẹp, bao ngon… - từ bao trong trường hợp này có nghĩa như bảo đảm, cam kết. Thực ra từ bao kiểu đó xuất hiện lâu rồi nhưng mới phổ biến trở lại trong thời gian gần đây ở miền Nam rồi trên mạng thành… trend!
Khó ai có thể lý giải vì sao một từ, một cụm từ lại trở thành xu hướng (trend, thậm chí hot trend) trong cộng đồng vì nó phụ thuộc quá nhiều yếu tố. Nhưng có thể nói, nếu không có số đông cùng hưởng ứng một hiện tượng ngôn ngữ thì nó không trở thành xu hướng.
Năm qua, trong bộ phim truyền hình mang tên Về nhà đi con, nhân vật Ánh Dương do Bảo Hân vào vai - mà phát ngôn trở thành thành ngữ hot trên mạng: Thanh xuân như một ly trà, ăn thêm miếng bánh hết bà thanh xuân. Câu lục trong cặp lục bát này (Thanh xuân như một ly trà) như một vế thả thơ với vần a, dễ được “cư dân mạng” khai thác để chế tiếp câu bát với những phiên bản hài hước!
Nhân vật Ánh Dương (diễn viên Bảo Hân đóng) trong phim truyền hình “Về nhà đi con” có phát ngôn trở thành hot trend trên mạng năm qua: "Thanh xuân như một ly trà, ăn thêm miếng bánh hết bà thanh xuân"
Tương tự như vậy, tựa đề bản hit của nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh ra mắt vào ngày 19 tháng 6 năm 2019 Để Mị nói cho mà nghe (nhóm nhạc sĩ trẻ DTAP sáng tác) năm qua cũng thành câu cửa miệng của giới trẻ trên mạng và thậm chí có nhà báo còn khai thác trong đặt tít, viết bài. Từ Mị trong tên bài hit trên là tên nhân vật văn học, nhưng sau đó nhanh chóng đồng nghĩa với đại từ nhân xưng tôi. Để Mị nói cho mà nghe giờ đây là Để tôi nói cho mà nghe, để chị nói cho mà nghe…. Sắc thái của thành ngữ này là cái tôi và tính cách của người nói sẽ được đề cao hơn, thể hiện nữ quyền hơn.
Có một số hiện tượng ngôn ngữ mạng không giải thích được và lý do xuất hiện cũng thật khó hiểu (như kiểu những năm trước đây có 500 anh em, ông chú Viettel, cục xì dầu ông bê lắp…). Có một số hiện tượng ngôn ngữ “trend” xuất phát từ những chuyện thời sự, có tác giả hẳn hoi. Ví dụ: Tiền nhiều để làm gì?, Đấm không trượt phát nào... Đa phần các hiện tượng ngôn ngữ bám thời sự này không kéo dài được lâu, chỉ như một trò a dua của cộng đồng trong sinh hoạt.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ với câu nói “Tiền nhiều để làm gì?” cũng trở thành hot trend trên mạng
Các hiện tượng ngôn ngữ mạng cũng luôn có tính chất hai mặt, không phải mọi sự tìm tòi nào cũng có thể chấp nhận được. Đôi lúc đôi chỗ, những “sáng tạo” quá đà có thể làm cho tiếng Việt bị vẩn đục, thiếu sự trong sáng. Vì thế, trong quá trình hòa đồng cùng số đông trên mạng, mong mọi thành viên cần tỉnh táo để tránh những xu hướng cực đoan.
Phan Văn Tú