Khái niệm “ăn Tết” không còn phổ biến mà là “chơi Tết”. Tết là thời gian để mọi người sum họp. Tuy nhiên, vì tính chất đoàn tụ nên chuyện ăn uống thành thú vui và thường dẫn các vấn đề sức khỏe. Khi gặp rắc rối, đừng vội vàng tin vào... bác sĩ mạng!
Tết là thời gian chúng ta dễ gặp các vấn đề sức khỏe do bận rộn và ăn uống khác bình thường
Cái gì không biết thì tra Google?
Trở lại câu chuyện ngày Tết: Ăn uống thất thường, sử dụng nhiều đồ uống có cồn, thực phẩm giàu đạm… là những nguyên nhân khiến cơ thể chúng ta bị quá tải và dễ dàng sinh bệnh chỉ trong thời gian ngắn. Đó là các bệnh tật về gan, về đường tiêu hóa, về hô hấp (cảm lạnh, cảm cúm, ho, sổ mũi, viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng, đau đầu...). Khi mắc các bệnh thông thường này, nhiều người hiện nay có thói quen tra cứu trên mạng để tự chữa bệnh.
Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận rằng mạng internet là hệ thống thông tin khổng lồ có chứa các thông tin có giá trị, nhưng thông tin tư vấn y học không đơn giản là chỉ đọc thì có thể chữa bệnh. Và trên mạng, thông tin thượng vàng hạ cám đều có, nếu không đủ năng lực nhận ra đâu là trang thông tin có giá trị, đâu là những trang quảng cáo bán thuốc, dịch vụ và chất lượng chuyên môn kém thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng tiền mất tật mang!
Đã có nhiều người phải đi cấp cứu ngay vì nghe theo lời khuyên từ… bác sĩ mạng, hay đúng hơn, đọc các bài hướng dẫn chung chung về tình trạng bệnh nhưng mua thuốc dùng quá liều theo chỉ dẫn. Cho nên lời khuyên đầu tiên và luôn cần nhớ: Tìm kiếm thông tin trên mạng về y học chỉ để tham khảo, khi có bệnh, phải đến cơ sở y tế gần nhất, phải gặp các nhà chuyên môn trực tiếp. Google chỉ là cỗ máy tìm kiếm, Google không phải là… giáo sư, nó chỉ là công cụ phục vụ con người. Cần thận trọng!
Google chỉ là công cụ tìm kiếm, Google không đại diện cho tri thức
Mạng xã hội, con dao… trăm lưỡi
Hiện nay, nếu vào mạng xã hội (MXH) như facebook, cái gì liên quan đến sức khỏe cũng đều tìm thấy. Có không ít fanpage nghiêm túc nhưng cũng không ít trang, diễn đàn được lập ra vì mục đích quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ.
Có những sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tưởng chừng không vì quảng cáo cho cơ sở nào nhưng nếu dấn sâu vào, người sử dụng có thể bị kéo về hướng thực hiện các dịch vụ. Ví dụ các hình thức giảm cân, giảm béo. Thậm chí các hình thức sinh nở, chữa bệnh lý phức tạp đều bài viết chia sẻ về cách chữa bệnh cùng đơn thuốc để giới thiệu. Không ít người do thiếu hiểu biết khi có bệnh, hoặc người thân bị ốm đau thay vì đến các cơ sở y tế để bác sĩ khám và kê đơn thuốc lại vào mạng tìm thông tin, tư vấn rồi đi mua thuốc về tự chữa bệnh do đọc các diễn đàn này cùng với những lời bình luận tán dương quá độ.
Điều đáng lo là chuyện tư vấn chữa bệnh qua mạng xã hội facebook - một hình thức truyền thông đại chúng - hiện nay không có cơ quan nào quản lý, hiện nay chưa được công nhận về mặt pháp lý nhưng các thông tin chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh ấy luôn có lượng người theo dõi và tương tác nhiều khiến dư luận quan ngại.
Chúng ta phải hết sức thận trọng với những thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội về y học vì nó liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người. Mặt khác, đây là vấn đề pháp lý: Theo quy định, những người khám và tư vấn phải là bác sĩ và được sở y tế các địa phương cấp giấy chứng nhận hành nghề, việc chữa bệnh trên mạng theo cách tư vấn chia sẻ văn bản hình ảnh là vi phạm quy định về hành nghề y dược.
Và thận trọng với những trò quảng cáo
Xuất phát từ tâm lý “có bệnh vái tứ phương” đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo, bọn xấu đã tung ra trên mạng những thông tin về thuốc gia truyền, thuốc đông y đặc trị theo kiểu có phần mê tín. Họ sử dụng nhiều chiêu thức quảng cáo qua con người cụ thể. Đó là những trường hợp làm nhân chứng cho sự thành công của việc dùng thuốc. Hoặc họ cũng dùng lời khuyên của các vị “thầy lang”, “lương y” nào đó. Quay clip video với bối cảnh thuốc thang và đưa lên mạng. Những bài quảng cáo này lời lẽ rất dễ thuyết phục nhiều người bệnh mà hiểu biết y học có hạn. “Thầy lang” nào cũng cho rằng bài thuốc của mình là bài thuốc gia truyền độc quyền, được làm hoàn toàn từ thảo dược quý hiếm. Các “thầy lang” bán rất nhiều loại thuốc, thượng vàng hạ cám và cam kết thuốc có thể chữa được nhiều loại bệnh mãn tính, dù nặng hay nhẹ, như chữa tiểu đường, gan, thận…, thậm chí là chữa khỏi cả ung thư.
Hết sức thận trọng với các trang quảng cáo thuốc gia truyền hiện xuất hiện nhan nhản trên mạng
Tâm lý người bệnh chỉ cần nhìn thấy quảng cáo thuốc gia truyền là cảm thấy tin tưởng, do suy nghĩ thuốc đã được điều trị công hiệu qua nhiều năm và sử dụng dược liệu thiên nhiên an toàn, nếu không khỏi thì cũng tốt cho sức khỏe. Đánh vào tâm lý đó, nhiều người quảng cáo thuốc của mình là thuốc gia truyền, với những lời quảng cáo đầy hứa hẹn: “hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên quý hiếm”; “không độc hại với cơ thể”; “đã có rất nhiều người sử dụng và khỏi bệnh”; “điều trị dứt điểm, nặng đến mấy cũng khỏi; “không hết bệnh hoàn lại 100% tiền”…
Thực tế chứng minh rằng đó là những trò lừa bịp. Facebook lại có thuật toán cho xuất hiện những đoạn quảng cáo như thế cho nhiều người có nhu cầu. Vì thế, khi dùng mạng, chúng ta cũng phải hết sức cẩn thận.
Tóm lại, Google hay các công cụ tìm kiếm có thể giúp chúng ta cung cấp câu trả lời nhanh nhất, nhiều nhất và giản tiện nhất trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta không thể phủ nhận điều đó. Nhưng đồng thời với hàng triệu kết quả tìm kiếm trên Google, chúng ta cũng đối mặt với việc tiếp xúc các thông tin không liên quan gì tới thứ chúng ta định tìm hoặc không hề chính xác, đặc biệt đó là thông tin về y học.
Xác định các trang web nào là khả tín với dữ liệu chắc chắn đặc biệt có ý nghĩa quan trọng với các tìm kiếm liên quan tới sức khỏe và y tế, nhưng không phải ai cũng sở hữu kỹ năng tối quan trọng đó. Vì vậy đừng vội tin bác sĩ mạng, hãy đến cơ sở y tế gần nhất!
Phú Trang