Tình trạng sử dụng ảnh trẻ em với mục đích minh họa cho bài báo, hoặc chuyện bố mẹ khoe con cái trên mạng xã hội mà thiếu cân nhắc đến những ảnh hưởng có thể xảy đến với trẻ vẫn còn xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau
Cần thận trọng trong việc đưa hình ảnh trẻ em lên truyền thông kể cả khi xuất phát từ mục đích tốt, vì các em chưa thể tự bảo vệ được bản thân
Một nữ sinh 16 tuổi, chơi trong nhóm bạn và có quy ước chung là in số điện thoại di động lên áo đồng phục. Một buổi tối, có phóng viên bắt gặp cô gái 16 tuổi ấy đứng bên ngoài một quán bar với bộ dạng thất thần mệt mỏi. Phóng viên đó đã chộp lấy cơ hội, chụp một tấm hình và đưa vào minh họa cho bài viết về thực trạng nữ sinh sống sa đọa. Khi xử lý hình, kỹ thuật viên đã xóa mặt, xóa phù hiệu, nhưng lại không xóa số điện thoại di động in trên áo.
Sau đó, cô gái liên tục bị khủng bố qua điện thoại với những lời lẽ xúc phạm. Gia đình nữ sinh đó rất bức xúc và không hiểu nguồn cơn tại sao lại như vậy. Mãi cho đến khi bạn bè của cô gái mang đến cho cô tờ báo có in hình của cô.
Gia đình nữ sinh 16 tuổi ấy hoàn toàn có thể kiện tòa soạn vì đã có hành vi sử dụng những yếu tố liên quan đến nhân thân của trẻ vị thành niên mà không xin phép, đồng thời gây hậu quả nhất định đến cuộc sống của nữ sinh và gia đình cô.
Trong một bài báo viết về chuyện sinh viên với nghề dạy trẻ tự kỷ, nhân vật chính của câu chuyện là những sinh viên khoa tâm lý học đi làm thêm ở các cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ. Thế nhưng, trong bài báo, nhân vật sinh viên được ghi tên tắt, không có tấm hình nào về hoạt động của họ (dù chẳng có vấn đề gì nhạy cảm) trong khi đó lại dùng một tấm hình ba đứa trẻ tự kỷ. Với việc dùng ảnh minh họa như thế, bố mẹ của ba đứa trẻ trong tấm hình ấy có thể kiện tòa soạn, nếu tòa soạn chưa xin phép họ trước khi đăng hình.
Trong một khảo sát của chúng tôi với trẻ tự kỷ và với gia đình các em ba năm trở lại đây, có một kết quả ghi nhận: Đa số gia đình của các trẻ tự kỷ không muốn hình ảnh của con em mình xuất hiện trên truyền thông. Nếu vì lý do phục vụ lợi ích cộng đồng thì họ chỉ cho phép chụp ảnh cảnh rộng, không nhìn rõ mặt các cháu.
Giáo viên ở các cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ không có quyền cho phép nhà báo chụp ảnh, quay phim các trẻ. Nếu muốn chụp hình quay phim thì phải xin phép phụ huynh và cả các cháu.
Ngay khi quay phim - chụp hình vì mục đích khoa học, ví dụ, để phổ biến các phương pháp đánh giá can thiệp thì cũng phải thực hiện với những góc máy không thấy rõ gương mặt trẻ, đồng thời chỉ phổ biến ảnh và video trong phạm vi hẹp là phụ huynh và những người có trách nhiệm chăm sóc trẻ.
Góc chụp này là rất tốt đối với những đối tượng nhạy cảm như trẻ tự kỷ. Cô giáo có thể xuất hiện rõ nét trên ảnh, còn trẻ thì không nên (Ảnh: wonderland.vn)
Nguyên tắc khác của những cơ sở có dịch vụ tư vấn, can thiệp đối với các đối tượng có vấn đề về tâm lý, tâm thần, là tuyệt đối không tiết lộ danh tính của bệnh nhân và những người liên quan. Những hình ảnh như trên, đã làm lộ khá nhiều thông tin về trẻ. Nếu không có được sự đồng thuận của người bảo trợ cho trẻ thì thật sự, những tấm hình trên không nên xuất hiện trên truyền thông.
Việc không nên công khai những tấm hình cho thấy quá rõ nét chân dung trẻ tự kỷ còn có lý do từ góc độ tâm lý. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, một số trẻ tự kỷ có khả năng hòa nhập rất cao. Thực tế điều chỉnh hành vi ở các trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ, thì có những trẻ chỉ cần một năm hoặc một năm rưỡi là có thể hòa nhập tốt vào môi trường học đường bình thường. Vậy, những tấm hình của trẻ ở trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ hay trong tình trạng tự kỷ/ rối loạn sẽ trở thành một dấu ấn không tốt cho trẻ, có thể gây cản ngại cho quá trình hòa nhập của trẻ ở môi trường bình thường.
Các trẻ em phạm tội đôi khi cũng bị phóng viên “lôi” lên báo mà không che mặt. Những ví dụ như thế không khó tìm nhưng vì lý do tế nhị, chúng tôi xin không trích đăng lại. Thực tiễn tác nghiệp báo chí hiện nay cho thấy, việc sử dụng ảnh cá nhân minh họa rất phổ biến và có không ít trường hợp, các hình ảnh cá nhân ấy vẫn chưa được sự đồng ý của người trong ảnh. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam quy định, người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Người thành niên mới có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Luật dân sự - Phần nguyên tắc - Điều 5 có nêu: Nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền nhân thân: Quyền nhân thân trong quan hệ dân sự do pháp luật quy định được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Trẻ em chưa có năng lực/nghĩa vụ dân sự nhưng đã có đầy đủ quyền. Trong đó có quyền bất khả xâm phạm về nhân thân, quyền về sử dụng hình ảnh cá nhân (đây là quyền cơ bản của công dân, được Nhà nước bảo hộ)
Trong thực tế đã xảy ra trường hợp trẻ em phải chọn cái chết hoặc có những ứng xử bồng bột nghiêm trọng vì bị xâm phạm quyền riêng tư thông qua hình ảnh cá nhân trên truyền thông.
Ngày nay, truyền thông xã hội, mà đặc biệt là các hình thức mạng xã hội đã trở nên phổ biến, ai cũng có thể dẫn nguồn tin từ báo chí để chia sẻ trong cộng đồng, hình ảnh tiêu cực của trẻ em trên truyền thông càng có điều kiện lan rộng hơn, trẻ em càng dễ bị tổn thương hơn.
Hiện nay, các quy định pháp lý về sử dụng hình ảnh ở Việt Nam chưa thật sự hoàn thiện. Vì thế, nhà báo càng phải biết cân nhắc khi sử dụng hình ảnh trẻ em trên truyền thông từ góc nhìn đạo đức. Các cơ quan quản lý cần xây dựng những quy chuẩn đạo đức liên quan đến vấn đề này để phổ biến trong giới báo chí. Hội Nhà báo cần có những quy định, thậm chí có chế tài, để điều chỉnh vấn đề vi phạm quyền riêng tư của trẻ em trên báo chí nói chung, trong việc sử dụng hình ảnh trẻ em trên báo chí - truyền thông nói riêng.
Phan Văn Tú