Mạng xã hội là một kênh bán hàng tiện lợi và nó cũng giúp nhiều người có thu nhập nhờ kinh doanh online. Nhưng, mua bán qua mạng xã hội cũng là mảnh đất còn nhiều kẽ hở mà nhiều loại tội phạm lợi dụng nhằm lừa đảo, trục lợi.
Bên cạnh các chiêu thức lừa đảo qua mạng tinh vi như lừa trúng thưởng, hack tài khoản mạng xã hội, trộm mã ngân hàng (sử dụng trang web giả mạo để nạn nhân cung cấp các thông tin)… mà Tạp chí HTV đã đề cập trong những bài báo trước đây, hiện tượng lừa đảo thông qua các hoạt động mua bán trên mạng đến nay cũng khá phổ biến và tình hình còn diễn biến phức tạp.
Mua bán qua các kênh online rất tiện lợi nhưng cũng đầy kẽ hở để bọn lừa đảo lợi dụng
Tạo trang giả, làm giấy giả, đóng vai giả
Một trong những thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu là tạo các fanpage giả. Hay nói đúng hơn là bọn chúng xây dựng các fanpage nhái y hệt các trang bán hàng online có uy tín, có nhiều khách hàng. Thao tác làm nhái của chúng quá dễ dàng vì đa phần là “copy - paste”.
Thông thường chúng chọn các trang bán hàng sang trọng, đắt tiền để làm giả. Bọn chúng cũng bỏ công để đọc và tìm hiểu nhu cầu tâm lý khách hàng. Chúng tìm cách kết bạn với càng nhiều người càng tốt. Thủ đoạn kiếm tiền của bọn chúng là dụ người mua tham gia các chương trình khuyến mãi “khủng” và yêu cầu họ chuyển khoản đặt cọc trước. Sau khi thu được số tiền khách hàng “đặt cọc”, bọn chúng xóa fanpage giả.
Nhưng, kẻ lừa đảo đôi khi còn đóng vai người mua, chứ không chỉ “làm giả” vai người bán như trên. Xuất phát từ yêu cầu mua bán hàng trên mạng thường được giao kèo chuyển tiền trước mới gửi hàng, kẻ lừa đảo đóng vai khách hàng ở vùng sâu vùng xa, có ít thời gian, cần hàng gấp. Bọn chúng cực kỳ tinh vi khi giả vờ chọn thời điểm chuyển tiền là chiều thứ 6. Đây là thời điểm cuối tuần. Lúc này, các ngân hàng thường ngưng làm việc. Bọn chúng làm giả giấy chuyển tiền bằng cách photoshop hình ảnh một giấy chuyển tiền thật cho phù hợp nội dung và gửi cho người bán. Người bán cứ thế chuyển hàng. Khi người bán phát hiện rằng mình bị lừa thì quá muộn: số điện thoại của “người mua” không còn liên lạc được!
Không chỉ đóng vai người mua để lừa kẻ bán, bọn xấu còn đóng giả người bán để lừa các shipper (dùng để chỉ những người làm dịch vụ trung gian vận chuyển hàng hóa từ người bán đến tay người mua). Cần nói ngay là đa phần những người làm shipper chạy xe gắn máy có đời sống khó khăn. Họ làm vận chuyển hàng để có thu nhập thêm ngoài giờ.
Bọn xấu lừa shipper như thế nào? Do nhiều shipper không chỉ chuyển hàng cho chỗ quen biết mà còn làm thêm các cửa hàng khác để kiếm thêm thu nhập. Những chỗ lạ, shipper phải bỏ tiền túi tạm ứng trước để lấy hàng (vì người bán không thể tin cậy). Phát hiện ra yếu tố này, bọn lừa đảo đóng giả người bán hàng, đóng gói hàng trị giá thấp nhưng nâng khống giá trị lên rồi hẹn shipper đến lấy hàng ở địa chỉ trung tính như bến xe buýt hay cổng trường. Tất nhiên, shipper phải ứng tiền cho bọn chúng. Và tất nhiên, địa chỉ và số điện thoại của người mua là địa chỉ ma. Khi shipper phát hiện ra mình bị lừa thì họ không còn có manh mối nào để tìm kẻ lừa đảo vì số máy đã khóa.
Kẻ lừa đảo không chừa một ai kể cả những người làm nghề trung gian vận chuyện hàng (shipper) - Ảnh: Danangaz
Ăn cắp thông tin, tạo chân gỗ, dìm giá đối thủ
Những trang Facebook bán hàng có uy tín của những người làm ăn lương thiện luôn bị kẻ xấu rình rập. Bọn lừa đảo theo dõi thông tin khách hàng của trang ấy qua những bình luận (comment), những tương tác cảm xúc (như like) dưới các status giới thiệu sản phẩm để cố gắng kết bạn và liên lạc qua Messenger. Nội dung liên lạc rỉ tai của họ là mời chào mua sản phẩm ấy với giá rẻ hơn. Nhiều khách hàng cũng bị những lời đường mật của bọn lừa đảo và không tìm hiểu kỹ nên phải mua hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng chất lượng kém.
Kẻ lừa đảo có khi là bọn bán hàng dỏm, chúng tung ra các chiêu trò trên Facebook như tạo giải thưởng cho ai copy nguyên văn bài PR về sản phẩm trên trang của họ về tường nhà và đạt số “like” nhất định, thường rất thấp. Nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn nữ ở nông thôn đã làm theo. Bọn lừa đảo cho “người nhà”, “chân gỗ” vào bấm like và… đặt hàng. Bọn “chân gỗ” của kẻ lừa đảo đặt hàng với số lượng lớn dưới hình thức comment trong các tút của những nạn nhân. Và ngay sau đó, bọn lừa đảo liên hệ đề xuất các nạn nhân nên mua hàng để giao và hưởng hoa hồng. Các nạn nhân sau khi ứng tiền để lấy hàng về thì kẻ đặt hàng cũng không còn tồn tại nữa, các số điện thoại liên lạc và địa chỉ đều là… fake!
Hàng bán qua mạng vì khoảng cách không gian nên rất khó kiểm tra chất lượng. Nhiều mặt hàng hiện nay có quá nhiều kiểu làm giả, vì thế, có rất nhiều loại giá. Những người bán hàng trên mạng đôi lúc cạnh tranh bị đối thủ sử dụng các chiêu trò để “dìm giá”. Khi bước vào cuộc cạnh tranh ấy, các thủ đoạn lôi kéo khách hàng từ hình thức làm từ thiện, cho đến giả xuất xứ “hàng xách tay", "tiếp viên hàng không mang về", "hàng nhập độc quyền"... được khai thác. Hậu quả cuối cùng là người mua hàng: mất tiền oan nhưng chất lượng hàng rất kém.
Hãy làm những người mua bán trên mạng một cách thông minh
Khi các cơ quan chức năng vào cuộc
Các loại hình dịch vụ, kinh doanh online ngày càng nở rộ bởi sự tiện lợi thì nó cũng kéo theo những hình thức lừa đảo. Vì sao? Mua bán trên mạng nhiều khi diễn ra quá giản đơn. Người mua chỉ cần xem thông tin giới thiệu sản phẩm rồi xác nhận trên Facebook là giao dịch có thể được tiến hành. Những cuộc mua bán ai cũng có thể thấy, nghe, đọc được ấy bị kẻ xấu lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh hay lừa đảo những người thật thà, nhẹ dạ.
Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội - trong đó có tình trạng lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông (như lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng…).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý; chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo nêu trên.
Rõ ràng là các hình thức lừa đảo trên mạng giờ đây cũng đã đến mức báo động. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Tuy nhiên, nỗ lực của cơ quan quản lý cũng không thể ngăn chặn, hạn chế hoàn toàn.
Mua bán online trên Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung luôn có bẫy rình rập, do tính mở của nó. Người bán hàng hãy là những người kinh doanh có tâm, có trách nhiệm để bảo vệ uy tín của chính mình. Người mua hãy là người tiêu dùng thông thái, cần tìm hiểu kĩ các thông tin sản phẩm trước khi mua, và chọn địa chỉ bán hàng uy tín để tránh tiền mất tật mang.
Phú Trang