Tác nghiệp báo chí trong thiên tai thảm họa

Một nhà báo hy sinh khi cùng Đoàn công tác đến vùng bị sạt lở ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế hôm 12/10. Ngày 18/10, 2 phóng viên báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên thoát chết trong gang tấc khi tiếp cận hiện trường sạt lở ở Hướng Hóa, Quảng Trị.

Nước ta năm nào cũng có bão lũ, nhưng nhà báo Việt Nam chưa thực sự được đào tạo đầy đủ về kỹ năng tác nghiệp trong thiên tai

Những chuyện buồn này gợi nhớ lại trường hợp phóng viên Đinh Hữu Dư của TTXVN bị lũ cuốn khi đang tác nghiệp trong rốn lũ tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái năm 2017. Và một lần nữa, những vấn đề liên quan đến tác nghiệp báo chí trong thiên tai, thảm họa được đặt ra.

Mỗi năm, nước ta hứng chịu nhiều cơn bão, lũ với những thiệt hại nặng nề: người chết, nhà sập, cầu trôi, đường lỡ, hoa màu hư hại… Thiệt hại ấy sẽ còn nặng nề hơn nếu công tác dự báo, ứng phó không kịp thời và đặc biệt, nếu báo chí không nỗ lực hết mình trong truyền thông dự báo cũng như trong tường thuật quá trình, diễn biến, việc khắc phục hậu quả thiên tai.

Nỗ lực của các cơ quan báo chí và các nhà báo chúng ta trong việc thông tin trước, trong và sau thảm họa là đáng quý, đáng khâm phục. Có nhà báo đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ. 

Dấu ấn chuyên nghiệp

Không chỉ đưa tin, phản ánh sự kiện thiên tai trong nước, nhiều nhà báo Việt Nam đã có mặt ở các vùng chịu thảm họa động đất, sóng thần, bão lũ trên thế giới ngay sau sự cố. Năm 2013, các phóng viên Đỗ Hùng (báo Thanh Niên), Hữu Hưng và Mạnh Hà (VTV) đã có mặt tại Philippines để đưa tin về thảm họa sau siêu bão Haiyan và thậm chí, tham gia vào việc tìm kiếm những người Việt Nam tại các khu vực bị thiên tai ở đất nước này. Trước đó, năm 2011, các phóng viên VTV, báo Tuổi Trẻ cũng có mặt ở Nhật Bản sau trận động đất sóng thần kinh hoàng làm gần 16.000 người thiệt mạng…

Chúng ta đã có nhiều nhà báo thành công với các sự kiện thể thao, sự kiện chính trị khu vực, quốc tế; chúng ta có nhiều thế hệ nhà báo chiến trường trong chống Mỹ, nhưng trên bình diện tường thuật thiên tai thảm họa, nhìn một cách công bằng, nỗ lực của làng báo Việt còn nhỏ lẻ, tự phát, mang tính đối phó. So với tiềm lực của nền báo chí, so với nhu cầu thông tin trong thời đại hiện nay, bức tranh nghiệp vụ báo chí Việt trong tường thuật thiên tai vẫn còn hạn chế, đôi lúc đôi chỗ, còn thiếu chuyên nghiệp.

Tác nghiệp trong thiên tai, thảm họa rất thiếu những điều kiện bình thường, nhà báo phải có kỹ năng để tránh rủi ro và để việc đưa tin thuận lợi, hiệu quả. Trong ảnh: Nhà báo Đỗ Hùng (báo Thanh Niên) đi nhờ xe của lục quân Philippines làm nhiệm vụ cứu trợ nạn nhân bão Haiyan ở Tacloban năm 2013

Trong các đợt bão lũ, các phóng viên truyền hình có mặt dẫn hiện trường như “làm văn mẫu” để truyền hình ảnh trực tiếp về trung tâm khá tốn kém. Hình ảnh, tiếng nói đậm nét trên truyền thông Việt Nam trong các sự kiện bão lụt vừa qua là các quan chức, nhà quản lý. Tiếng nói, bóng dáng của người dân ở vùng thiên tai, số phận con người trong hoạn nạn còn khá mờ nhạt. Rất ít cơ quan báo chí làm được chức năng “cầu nối” giữa những nạn nhân, cơ quan chức năng và công chúng báo chí cả nước. 

Một trong những lý do của thực trạng trên là do nhà báo Việt Nam ít được đào tạo bài bản về kỹ năng tác nghiệp trong các tình huống thảm họa, điều mà các nhà báo nước ngoài được trang bị từ trên ghế trường đại học. Ở Việt Nam, kỹ năng này chưa được chú trọng trong chương trình giảng dạy báo chí, thậm chí cũng vắng bóng trong các nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo lâu nay.

Biến đổi khí hậu và báo chí

Năm nay, đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nạn hạn hán và xâm nhập mặn chưa từng thấy. Nhiều nước châu Á hiện đang bị đe dọa bởi các thảm họa tự nhiên và nhân tạo như động đất, lũ lụt, sạt lở đất, bão, triều cường, sóng thần, vỡ đê, đập… Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục dẫn đến nhiều hậu quả khó lường cho con người trên trái đất. 

Thực tiễn cho thấy, thiên tai sẽ giảm thiểu mức độ thảm họa nếu con người biết cách ứng phó. Động đất sẽ không gây phá hủy nếu các tiêu chuẩn xây dựng được chấp hành nghiêm túc. Bão tố, sóng thần sẽ không làm chết hàng ngàn người nếu được cảnh báo sớm để sơ tán kịp thời. Ngày nay, quản lý rủi ro thiên tai (Disaster Risk Management - DRM) là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ đối với Chính phủ các nước, mà còn là nhiệm vụ của báo chí.

2020 cũng là năm mà miền Tây Nam bộ trải qua đợt hạn hán nặng nề nhất. Biến đổi khí hậu cũng là chủ đề mà các nhà báo cần được đào tạo để truyền thông

Báo chí không chỉ có vai trò đặc biệt trước, trong và sau khi xảy ra thảm họa, mà còn có vai trò trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về nguy cơ và biện pháp giảm thiểu tai họa, đặc biệt là vai trò giám sát, phản biện. Tường thuật các thảm họa là thách thức đối với nhà báo: áp lực làm việc trong điều kiện khó khăn, áp lực đưa tin nhanh và chính xác, nhu cầu thỏa mãn tin tức của số đông công chúng khá cao trước các sự kiện chấn động.

Thường trong các sự kiện thiên tai thảm họa, tin đồn rất dễ lây lan và cần được nhà báo định hướng. Do đó, báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thu thập và truyền tải các chi tiết về sự kiện càng sớm càng tốt để tránh hiểu lầm, thậm chí, gây hoảng loạn. Trong nhiều trường hợp sự kiện thiên tai, vai trò của nhà báo như một cầu nối được giữa việc cộng đồng bị ảnh hưởng và các tổ chức cứu trợ có liên quan. Tất cả những yêu cầu ấy cần được nâng lên thành lý thuyết để đưa vào các chương trình giảng dạy cho sinh viên và bồi dưỡng cho nhà báo. 

Lời khuyên từ các chuyên gia

Trong tường thuật thiên tai thảm họa, nhà báo luôn đối mặt với việc thu thập dữ liệu và mô tả sự kiện. Có bao nhiêu chết, bị thương hoặc bị ảnh hưởng? Có bao nhiêu người sống sót và những gì là điều kiện và nhu cầu của họ là gì? Những biện pháp an toàn khẩn cấp đang được thực hiện là gì? Nguyên nhân của thảm họa là gì? Những thiệt hại về cơ sở vật chất (nhà cửa, đường sá, hạ tầng)? Tác động của sự kiện này với đời sông chính trị, kinh tế xã hội? Ai chịu trách nhiệm? Chính quyền đã làm gì trước, trong và sau thảm họa?… là những câu hỏi thường trực.

Nhưng việc tìm các câu trả lời, thu thập dữ liệu thực tế từ các nguồn chính thức, phi chính thức, từ các nạn nhân đến việc xử lý và truyền dữ liệu (nhất là dữ liệu video) về trung tâm không phải lúc nào cũng dễ dàng.  

Nhà báo Đỗ Hùng tác nghiệp tại một trại tị nạn sóng thần ở Srilanka năm 2004

Tác nghiệp trong các sự kiện thiên tai thảm họa cần biết giữ an toàn cho chính mình. Tính mạng và sự an toàn của bản thân phải là ưu tiên số một của nhà báo. Chúng ta sẽ không hoàn thành nhiệm vụ nếu để xảy ra bị thương hoặc bị tấn công. Trong nhiều trường hợp, sau động đất, sóng thần, bão lũ, người dân địa phương thiếu đói có thể trở thành kẻ cướp bóc.

Tác nghiệp trong thiên tai có hàng trăm ngàn rủi ro chưa ai lường trước hết, ví dụ, nước bẩn, thực phẩm hư sau lũ, đường sá hư có thể gây tai nạn cho bản thân nhà báo… Thời đại số cũng tạo ra các hình thức “tòa soạn tấn công”: phóng viên ở hiện trường sự kiện thiên tai cần được sự giúp đỡ của tòa soạn trong quá trình tác nghiệp, tòa soạn cần sự hỗ trợ của cộng đồng mạng xã hội để xây dựng nội dung. 

Phan Văn Tú