Năm 2017 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của sitcom. Các vệt phim HTV trong năm vừa qua cũng đã ghi dấu ấn lớn trong lòng khán giả.
Nhắc đến sitcom HTV năm 2017, không thể không nhắc đến bộ phim được Việt hóa rất thành công, “Gia đình là số 1”. Được làm lại từ kịch bản “High kick” của Hàn Quốc – cái nôi của làn sóng Hallyu, trong đó có ngành công nghiệp phim truyền hình vô cùng phát triển – tại thời điểm khởi đầu, chưa ai có thể khẳng định “Gia đình số 1” có thể thành công như nó đã làm được. Không phải cứ Việt hóa kịch bản là nhà sản xuất và nhà đài sẽ có được một bộ phim thành công. Nhưng nhờ một kịch bản quá chặt chẽ với những tiếng cười được bật ra từ các tình huống hợp lý, cộng với việc hội tụ một dàn diễn viên diễn xuất đều tay, một đạo diễn chỉ đạo có năng lực, một ê-kip vận hàng thống nhất và tâm huyết… “Gia đình là số 1” đã trở thành “điểm hẹn” lúc 19g50 trên sóng HTV7 của đông đảo khán giả.
Như đã nói, không phải cứ Việt hóa các kịch bản đặc sắc thì nhà sản xuất sẽ có được một bộ phim thành công. Đơn cử như "Bố là tất cả", vốn được Việt hóa từ "What happens to my family?" - đoạt giải Phim truyền hình xuất sắc nhất ở giải thưởng Văn hoá Nghệ thuật Hàn Quốc. Tuy có một kịch bản chặt, có chiều sâu xen lẫn với nhiều tình huống hài hước, song "Bố là tất cả" vẫn chưa thực sự chiếm trọn trái tim người xem, như "Gia đình là số 1" đã làm được. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến diễn xuất "non nớt" của một số diễn viên còn trẻ.
Bên cạnh “Gia đình là số 1”, sóng truyền hình HTV 2017 còn có “Biệt đội siêu hài” (sitcom Việt hóa từ “Gang of gags” của Thái Lan); và nhiều những bộ phim với kịch bản “cây nhà lá vườn”. Song, phần lớn các sitcom này đều không đạt được điều mà “Gia đình là số 1” đã làm được. Nếu “Biệt đội siêu hài” là những tiểu phẩm nhỏ, trong đó các nhân vật không hóa thân vào một vai diễn cố định, không đi theo một đường dây kịch bản có đầu cuối trong một tổng thể chung thì các phim sitcom thuần túy kịch bản Việt Nam lại “quanh quẩn” trong vùng an toàn khi luôn chọn khai thác các vấn đề về gia đình. Có thể kể đến các bộ phim sitcom khác như: “Vợ tui tui sợ”, “Cười lên vợ ơi”, “Vợ chúa chồng tôi”, “Con hơn cha”…
Trong khi đó, như bà Trường Sơn có chia sẻ, nhà đài vẫn liên tục đưa ra những gợi ý để các biên kịch mở rộng phạm vi khai thác câu chuyện sang các lĩnh vực khác, như: y tế, trường học, giới văn phòng… song chưa nhận được những kịch bản mới đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất phim cũng bắt đầu loay hoay với việc làm sitcom, vì nội dung kịch bản gửi đến không có gì mới mẻ. Thậm chí, hiện tượng bắt chước, mô phỏng theo những phim nổi tiếng, sử dụng những tình huống na ná nhau… cũng hạn hữu xuất hiện.
Năm 2018, người xem có thể tiếp cận các phim sitcom trên nhiều vệt giờ khác nhau, như: 12g30, 19g55, 22g30, 21g50 trên kênh HTV7, và 13g30, 16g15 trên kênh HTV9. Theo đánh giá của giới chuyên môn, sitcom không tồn tại lâu dài với số lượng như hiện nay, nhưng sự có mặt của nó là cần thiết, như một bước đệm trong lúc giao thời. Dĩ nhiên, yêu cầu nâng cao chất lượng phim vẫn được nhà đài đặt ra đối với đội ngũ biên tập, nhà sản xuất, để sao cho các sản phẩm sitcom ngày càng có nội dung phong phú, có tính tương tác với xã hội.
Thiên Bình