"Đại tiệc" thị giác trong "Hành trình công nghiệp văn hóa"

Ấn tượng mạnh mẽ về thị giác có lẽ là một trong những điều mà khán giả sẽ thốt lên khi thưởng thức bộ phim tài liệu "Hành trình công nghiệp văn hóa" của đạo diễn Trần Thuyết.


Phim là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại

Phim dài hai tập, thuộc loạt phim "Vượt sóng" - Chuyện về Thành phố 50 mùa hoa nở (Hãng phim TFS), phát sóng lúc 7g35 ngày 22-23/4 trên kênh HTV9.

Đạo diễn Trần Thuyết cho biết: "Hành trình công nghiệp văn hóa" gồm hai tập. Tập một giải thích thế nào là công nghiệp văn hóa, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa ở TP.HCM. Tập hai là "Một thoáng điện ảnh", khái quát lại hành trình 50 năm của điện ảnh TP.HCM". 

Một lát cắt với những thước phim đẹp trong "Hành trình công nghiệp văn hóa"

Nếu như ở các tập trước đó trong loạt phim "Vượt sóng", khán giả sẽ khóc, cảm thấy biết ơn, sẽ tự hào, kính phục, sẽ trầm trồ, ngưỡng mộ... khi xem phim, thì với "Hành trình công nghiệp văn hóa", người xem có thể sẽ phải thốt lên vì kinh ngạc trước những thước phim đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa và đầy dấu ấn của sự phát triển văn hóa - xã hội. 


Tập 1 bắt đầu từ việc lý giải về "công nghiệp văn hóa"

Khi nhắc đến văn hóa, ta có thể nghĩ đến những giá trị vật chất - tinh thần do con người sáng tạo nên và được xã hội công nhận, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đó tạo nên nền văn hóa của một cộng đồng, một xã hội, rộng hơn là nền văn hóa của một dân tộc.

Khoảng 25 năm trở lại đây, khi bước sang thế kỷ 21, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện khái niệm mới - công nghiệp văn hóa. Bộ phim sẽ đưa khán giả vào một hành trình "du ngoạn" văn hóa đầy thú vị, dưới góc nhìn từ lát cắt công nghiệp văn hóa.


Con người là yếu tố cốt lõi để tạo nên các giá trị văn hóa

Khởi đầu từ góc nhìn này, bộ phim có một "điểm tựa" chắc chắn, một "trục xoay" linh hoạt để ê-kíp có thể kết nối, đảo chuyển các thước phim giữa truyền thống và hiện đại; giữa đồ họa, phục dựng, phỏng vấn của các khách mời... Từ đó tạo nên một "đại tiệc" về thị giác.

Đan xen với những thước phim đẹp, người xem cũng sẽ dần nhận ra cốt lõi của công nghiệp văn hóa ở TP.HCM là phát triển con người, như đạo diễn Trần Thuyết nhấn mạnh: "Gìn giữ phẩm chất, phong cách của người Sài Gòn xưa và người TP.HCM trong kỷ nguyên mới".

Lumiere Việt Nam - đạo diễn Khương Mễ và bộ phim đầu tiên "Trận Mộc Hóa"

Văn hóa bao gồm rất nhiều khía cạnh, nhiều loại hình nghệ thuật. Tập hai của bộ phim tài liệu này sẽ chọn khai thác câu chuyện hứa hẹn nhiều lý thú về loại hình nghệ thuật thứ bảy - điện ảnh.

Xem phim, khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ những nhà làm phim gạo cội, tìm hiểu về điện ảnh Thành phố từ bộ phim tài liệu đầu tiên "Trận Mộc Hoá", một loạt phim mang dấu ấn giai đoạn sau giải phóng; những bộ phim thị trường đầu tiên... đến thị trường điện ảnh hiện tại với những thời cơ, thách thức mới.

Đón xem phim tài liệu "Hành trình công nghiệp văn hóa" của loạt phim "Vượt sóng" vào 7g35 ngày 22-23/4 trên kênh HTV9.

Thiên Bình - Quốc Khanh