Sân khấu tưng bừng mừng ngày hội non sông

Nguồn: PNO 24/4/2025, 11:00

Những ngày cuối tháng Tư, hòa cùng chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đang diễn ra khắp nơi, các sân khấu cũng nóng lên từng ngày.

Góp niềm vui chung

 Rầm rộ nhất là cuộc “ra quân” của 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với hơn 1.500 nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, nhạc công tham gia đợt biểu diễn đặc biệt trong tháng Tư và tháng Năm. Đáng chú ý có sự trở lại của 2 vở diễn lớn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Người đi dép cao su" và "Đêm trắng" của Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong đó, "Người đi dép cao su" được thực hiện từ kịch bản của nhà văn người Algeria Kateb Yacine, không chỉ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh mà thể hiện góc nhìn sử thi về lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Nhà văn Kateb Yacine viết kịch bản Người đi dép cao su từ lòng kính trọng, ngưỡng mộ dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chuyến thăm Việt Nam năm 1967 - Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết, đợt biểu diễn này của 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không chỉ là hoạt động kỷ niệm mà mong muốn đưa nhiều tác phẩm chất lượng, thể hiện tầm vóc của đại thắng mùa Xuân 1975, cũng như ý nghĩa của hòa bình, thống nhất đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua đó, cũng khơi dậy và hun đúc lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước trong mỗi trái tim Việt Nam. Vì thế, ngoài chương trình tại Hà Nội, các đơn vị cũng tổ chức lưu diễn nhiều tỉnh thành.

Đi xa nhất là Nhà hát Múa rối Việt Nam, mang chương trình "Âm vang đồng quê" đến Phú Quốc (Kiên Giang). Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đưa chương trình Việt Nam vang khúc khải hoàn đến Huế và lưu diễn vở nhạc kịch "Đi về phía mặt trời" (chuyển thể từ truyện Mường Giơn của nhà văn Tô Hoài) tại Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng…

Vở nhạc kịch Đi về phía mặt trời của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc - Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn

Một điều đáng mừng là các chương trình đều nhận được sự quan tâm và bán vé tốt. NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - cho biết, vở kịch xiếc "Non sông ngày thống nhất" lấy cảm hứng từ hình tượng người lính đang bán vé rất nhanh.

Sân khấu phía Nam cũng rộn ràng không kém. Đặc biệt hơn khi các đơn vị sân khấu tư nhân hưởng ứng rất tích cực và đã chuẩn bị tác phẩm hướng đến đợt kỷ niệm ý nghĩa này từ trước.

Sân khấu cải lương mới Đại Việt có đến 2 vở diễn chất lượng chào mừng 50 năm thống nhất là vở cải lương cách mạng "Người ven đô" (ra mắt vào tháng 4/2024) và vở cải lương tuồng cổ đề tài sử Việt "Câu thơ yên ngựa" (công diễn vào 19/4, tái diễn vào 10/5).

NSND Trịnh Kim Chi dàn dựng vở kịch cách mạng "Ngày ấy Cổng Trời" vào cuối năm 2024 và tái diễn vào tối 24 và 25/4 này. Hội Sân khấu TP.HCM tái diễn vở kịch đề tài hậu chiến "Đồng chí" vào tối 1/5. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tái diễn vở cải lương cách mạng "Tiếng hò sông Hậu" vào tối 26/4… Tất cả mong muốn đóng góp vào dòng chảy văn hóa văn nghệ nước nhà tại cột mốc nửa thế kỷ sống và lao động, sáng tạo trong hòa bình.

Vở cải lương tuồng cổ Câu thơ yên ngựa sẽ tái diễn vào tối 10/5 - Ảnh: Ngọc Tuyết

Lan tỏa giá trị hòa bình

NSND Trịnh Kim Chi cho biết sẽ dành tặng 50% số vé phát hành trong 2 suất diễn vở "Ngày ấy Cổng Trời" dịp này cho lực lượng vũ trang, cán bộ viên chức, sinh viên, học sinh TP.HCM. Chị chia sẻ, mỗi dịp như thế này, luôn có điều gì đó thôi thúc trong tim người nghệ sĩ, nhắc nhở mình phải sống và cống hiến để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông cho nền hòa bình hôm nay.

Vở kịch Ngày ấy Cổng Trời kể về những đóng góp và hy sinh của những nữ thanh niên xung phong làm người xem xúc động - Ảnh: Ngọc Tuyết

Ê-kíp vở kịch "Đồng chí" cũng rất háo hức được trở lại với khán giả trong dịp đại lễ thống nhất. Đặc biệt là từ sau khi trở về từ Liên hoan Sân khấu Busan (Hàn Quốc), mọi người càng cảm nhận sâu sắc hơn về vở diễn, về vai diễn của mình. “Hòa bình đẹp lắm - đó là điều tôi càng thấm thía sau chuyến lưu diễn Hàn Quốc. Có những khán giả đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với vở diễn, cùng với đó là cảm xúc ngậm ngùi. Họ chia sẻ về lịch sử tương đồng của 2 quốc gia khi cùng từng trải qua chiến tranh, từng bị chia cắt nhưng đến nay Việt Nam đã thống nhất được 50 năm, còn họ vẫn đau đáu về 2 miền đất nước còn cách chia. Thực sự xúc động khi nghe những tâm sự đó…” - nghệ sĩ Chánh Trực nói.

Đồng chí là vở kịch hiếm hoi về đề tài hậu chiến, đánh động nhiều vấn đề về việc giữ gìn giá trị của hòa bình trong xã hội hôm nay - Ảnh: Ngọc Tuyết

Với nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ, được góp mặt trong các tác phẩm ý nghĩa biểu diễn trong không khí sục sôi của những ngày tháng Tư lịch sử không chỉ là niềm vui mà còn là vinh dự. “Sự chăm chút cho từng vai diễn chính là lời tri ân những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, càng mong muốn hơn nữa là sự lan tỏa giá trị của hòa bình, của tinh thần tự hào tiếp bước tiền nhân giữ gìn phẩm chất của một dân tộc anh hùng” - NSƯT Võ Minh Lâm bộc bạch.

Ý kiến của bạn: