Quyền công bố sự thật và đạo đức báo chí - truyền thông

Một người đi khám bệnh, bác sĩ phát hiện anh ta bị ung thư. Đó là sự thật. Sự thật này, trong một số trường hợp, bác sĩ (hay bệnh viện) có thể không công bố cho chính người bệnh, chỉ nói cho người thân. Vì sao có chuyện “bưng bít” thông tin như thế này?


Báo chí có quyền công bố sự thật nhưng không phải sự thật nào cũng cần được công bố

Câu trả lời không quá khó với tất cả chúng ta. Và có một điều, từ câu chuyện nghề y, chúng ta cũng nhận ra một chuyện khác ở nghề báo: Việc công bố sự thật, công bố thông tin vào lúc nào, trong phạm vi nào đều liên quan tới đạo đức, pháp lý.

Ở trên bình diện chung, việc được công khai thông tin là nhu cầu bình thường của mọi người. Công khai, bạch hóa thông tin được xem là khát vọng dân chủ, là lý tưởng của nhà báo, là nhu cầu tinh thần của con người... Nhưng ở từng trường hợp cụ thể, mỗi thông tin, mỗi sự thật đều mang trong lòng nó, đều được nhìn nhận ở khía cạnh lợi ích. 

Nghề báo, vì thế, trở thành nghề thực sự nghiệt ngã. Ngoài việc đi khai thác thông tin để công bố cho số đông, nhà báo còn luôn đau đáu: Công khai thông tin này vì lợi ích của ai?

Có những thông tin được công khai để xã hội tốt hơn, để xã hội có sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ nhưng cũng có thông tin khi công khai có thể dẫn đến quyết định tự tử của một người trong cuộc, thậm chí dẫn đến biểu tình hay chiến tranh giữa các sắc tộc, các quốc gia…

Thực tiễn cuộc sống hiện nay cho thấy: Một thông tin được công khai, có khi tạo ra lợi ích cho nhóm xã hội A thì đồng thời lại bất lợi cho nhóm xã hội B. Nên nhà báo, với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân phải đứng trước sự lựa chọn, một sự lựa chọn không dễ dàng, dù trên lý thuyết, nhà báo nào cũng biết đặt quyền lợi quốc gia – dân tộc lên trên hết. Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều cơ quan báo chí, quy ước đạo đức hành nghề được soạn rất công phu, chi tiết liên quan đến sự chọn lựa ấy…

Julian Assange, người sáng lập trang WikiLeaks để công bố hàng nghìn email về các hoạt động quân sự, tình báo tuyệt mật của Mỹ, vừa bị bắt ở Anh hôm 11/4/2019 sau 7 năm ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador ở London. Ông có thể bị dẫn độ về Mỹ đối mặt với cáo trạng  tiết lộ thông tin mật có thể được sử dụng để gây tổn hại cho nước Mỹ.

Câu chuyện Wikileaks và nhà sáng lập trang mạng này, ông Julian Assange, tung các tài liệu ngoại giao bí mật của một số nước lên internet trở thành đề tài bàn cãi rất nhiều trên cả thế giới những năm qua. Có không ít những cuộc tranh luận bởi có người đại diện cho nhóm lợi ích A ủng hộ thì cũng có những người đại diện cho nhóm lợi ích B thì phản đối, phản đối gay gắt. Báo Tuổi Trẻ gần đây cũng đưa ra một diễn đàn về chuyện đưa các video, audio clip lên mạng nhìn từ các góc độ pháp lý và đạo đức. Câu chuyện về quyền thông tin và quản lý thông tin cá nhân trên mạng lại một lần nữa được đặt ra gay gắt.

Nhân vụ việc này, xin lạm bàn vài ý.

Đứng ở góc độ pháp lý, mỗi công dân đều có quyền được công bố thông tin. Blog hay mạng xã hội là phát minh của nhân loại cho phép người dân có một kênh chia sẻ thông tin cá nhân của mình. Nhưng ở nước ta cho đến nay, thuật ngữ báo chí công dân, khái niệm báo chí công dân không được thừa nhận trên thực tế. Vì sao? 

Luật báo chí định nghĩa, báo chí là tiếng nói của các tổ chức của Đảng, diễn đàn của nhân dân. Luật báo chí Việt Nam cũng chỉ ra rằng nước ta không có báo chí tư nhân. Những văn bản dưới luật những năm gần đây tiếp tục khẳng định điều này cũng như tiếp tục đưa ra lý lẽ để bảo vệ quan điểm này. Từ đó, có thể thấy, xét ở góc độ báo chí, blog không phải là diễn đàn hợp pháp, không phải là “tờ báo”.

Nhưng trên thực tế, có những thực thể chúng ta không thừa nhận về mặt lý thuyết, nó vẫn tồn tại. Mạng xã hội cũng vậy. Điểm giống với báo chí nói chung và báo chí công dân nói riêng, trước hết ở bản chất truyền thông của nó. Với đặc trưng internet, một trang cá nhân vẫn bình đẳng trong thông tin, trong không gian quảng bá, trong đối tượng tiếp nhận như những “tờ báo” lớn. Trang cá nhân có tương tác, có biên độ “phủ sóng” rộng, có đối tượng tiếp nhận là công dân mạng, có thông tin sự kiện, bình luận, diễn đàn… Người chủ trang mạng có thể là học sinh, là doanh nhân, là nhà báo. Thông tin họ đưa lên mạng đã được xã hội hóa.


Truyền thông xã hội hiện nay đa phần là kênh thông tin cá nhân, có tỷ lệ những thông tin thiếu kiểm chứng, không khách quan khá nhiều

Có thể có một so sánh vui vui: Giờ đây, có một nhà báo ra giữa công viên dùng đá, cây làm ra một chỗ ở như cái hang chẳng hạn và mời bạn bè tới nhậu. Cái “hang” đó sẽ không được pháp luật thừa nhận là cái nhà của anh ta nhưng trong quan niệm của chính chủ nhân cái “hang” và bạn bè anh ấy, đó là cái nhà. 

Các nhà quản lý thừa nhận tính chất báo chí của mạng xã hội nhưng không công nhận trang cá nhân là báo chí công dân vì theo luật pháp, mạng xã hội chỉ dừng lại ở dạng thông tin bình luận cá nhân, ghi cảm xúc cá nhân. Và tất nhiên, mạng xã hội cũng phải tuân thủ nhiều quy định về truyền bá thông tin để không có những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận.

Trên thực tế những câu chuyện lợi dụng này vẫn diễn ra hàng ngày. Và nhà quản lý không đủ sức để kiểm soát hoàn toàn các nội dung trên mạng từ thực thể “báo chí công dân” ấy. Các facebooker giờ đây vô tình cũng là người đưa tin, công khai thông tin. Các giải pháp quản lý bằng luật, bằng giáo dục, bằng kỹ thuật - công nghệ không phải là duy nhất. Và chính vì thế, ở hầu hết các quốc gia, cộng đồng mạng thường tự xây dựng các quy phạm đạo đức cho cộng đồng mạng xem đó là cơ chế tự điều chỉnh.

Công khai thông tin trên mạng, vì thế, trước hết là vấn đề đạo đức mà thành viên mạng xã hội, nhà báo hay bất kỳ công dân nào đều cần phải cân nhắc.
Phan Văn Tú