Phim tài liệu: Viện sĩ Nguyễn Chơn Trung

Viện sĩ Hàn lâm Khoa học Nguyễn Chơn Trung sở hữu công trình khoa học giá trị, được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá rất cao, góp phần cho sự phát triển của quốc gia, cho dân tộc và nhân loại.


Ấn tượng trước bài học về chính sách kinh tế mới của Lênin

Cuối tuần qua trên kênh HTV9, khán giả có dịp thưởng thức những thước phim nhiều dấu ấn trong cuộc đời của Viện sĩ Nguyễn Chơn Trung. Ông sinh ra tại quê hương Long An, nơi có truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường. Ông sớm được gia đình, nhất là người cha, giác ngộ tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, giác ngộ lý tưởng cách mạng. Khi còn là học sinh trường Petrus Ký, Nguyễn Chơn Trung đã sớm tiếp cận tư tưởng của Mác - Lênin về Chủ nghĩa xã hội.

Ông kể: "Năm 1963, tôi học lớp đệ nhất, trong đó có môn học "Thế giới sử hiện đại" về các nước lớn trên thế giới do thầy Lê Trọng Phỏng giảng dạy. Đến bài học về Liên Xô, thầy giảng sở dĩ Liên Xô phát triển được là nhờ áp dụng chính sách kinh tế mới của Lênin và bài giảng này đã gây ấn tượng rất lớn cho tôi, tới bây giờ tôi vẫn nhớ".


Nguyễn Chơn Trung là một thanh niên trí thức yêu nước

Như bao lớp thanh niên yêu nước, Nguyễn Chơn Trung đã chọn Bác Hồ là thần tượng. Mặc dù sống trong vùng tạm chiến của địch, Nguyễn Chơn Trung vẫn say mê nghiên cứu học thuyết Mác-Lênin và những lý luận này đã trở thành nền tảng để ông nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình.

Ông nói: "Chính sách kinh tế mới của Lênin có bốn vấn đề cốt lõi: Một là phát huy mạnh mẽ các thành phần kinh tế, trong đó có thành phần kinh tế tư bản tư nhân; Hai là tận dụng nhân tài, vật lực của chế độ cũ; Ba là mời phương Tây vào đầu tư; Bốn là dưới sự lãnh đạo của Đảng".

Nguyễn Chơn Trung hoạt động tích cực, công khai trong phong trào học sinh sinh viên ở Sài Gòn. Năm 1964, ông là thành viên Ban tổ chức đám tang học sinh Lê Văn Ngọc, phong trào đấu tranh bùng lên mạnh mẽ, tổ chức biểu tình chống chính quyền Trần Văn Hương. Sau đó ông bị lộ, bị bắt giam ở tổng nha cảnh sát khám Chí Hòa rồi bị kết án đày ra Côn Đảo. Bài thơ "Chuồng cọp Côn Đảo" cũng ra đời từ đây. 


Nguyễn Chơn Trung luôn trăn trở về các giải pháp kinh tế hiệu quả

Tháng 4/1975, đất nước được hòa bình, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, Nguyễn Chơn Trung vinh được điều động về công tác tại thành phố mang tên Bác. Ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở mọi vị trí công tác.

Trong thâm tâm ông luôn trăn trở về giải pháp cho kinh tế phát triển hiệu quả, xây dựng đất nước giàu mạnh. Nỗi ưu tư đó thổi bùng lên ngọn lửa, thôi thúc ông không ngừng tìm tòi, nghiên cứu. Năm 1980, Nguyễn Chơn Trung được Đảng và nhà nước đưa ra Hà Nội đào tạo lý luận cao cấp chính trị và ông đã chọn đề tài nghiên cứu ấp ủ bấy lâu làm luận văn tốt nghiệp. 

Các khu công nghiệp, khu chế xuất không ngừng phát triển

Năm 1982, ông hoàn thành tốt nghiệp khi thành công luận giải tính tất yếu của việc vận dụng mô hình của chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trở về TP.HCM, luận văn của ông được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc và đánh giá cao. Để lý luận đi liền thực tiễn, Nguyễn Chơn Trung tự nguyện xin chuyển công tác đến khu công nghiệp thành phố.

Năm 1991, khu chế xuất đầu tiên của cả nước - Tân Thuận, được thành lập. Các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP cũng không ngừng phát triển. Hiện cả nước có sáu mô hình ở triển khu công nghiệp, khu chế xuất. Nơi đây, Chính phủ đã huy động được lực lượng vốn đầu tư lớn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.  


Đề tài khoa học của ông được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao

Chủ trương xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là bước đi sáng tạo của TP.HCM khi vận dụng mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước vào thực tiễn, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật cho đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Luận án của viện sĩ Nguyễn Chơn Trung với kết quả thực tiễn 15 năm thành công tại Việt Nam đã trở thành một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, được các nhà khoa học và kinh tế liên bang Nga chú ý trong quá trình phát triển kinh tế nước Nga thời kỳ ông Putin. Viện Hàn lâm khoa học nghiên cứu xã hội quốc tế thuộc Liên bang Nga đã kiến nghị đề tài nghiên cứu khoa học về chủ nghĩa tư bản nhà nước và những kinh nghiệm vận dụng nội dung học thuyết của Lênin ở TP.HCM của Nguyễn Chơn Trung nâng cấp thành luận văn tiến sĩ khoa học.


Viện sĩ Nguyễn Chơn Trung là tấm gương lao động nghiên cứu không mệt mỏi

Năm 2003, Nguyễn Chơn Trung đến xứ sở Bạch Dương và tại đây, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học của mình. Vì đề tài nghiên cứu có giá trị cao nên Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm quốc tế thuộc Liên bang Nga đặc cách cho Tiến sĩ Nguyễn Chơn Trung nhận học vị Viện sĩ Hàn lâm khoa học.

Từ một thanh niên yêu nước, Nguyễn Chơn Trung trưởng thành trong phong trào đấu tranh học sinh sinh viên rồi trở thành thủ lĩnh thanh niên, cống hiến nhiệt tình cho lý tưởng cách mạng cái đẹp; Từ niềm say mê nghiên cứu khoa học, Nguyễn Chơn Trung đã trở thành Giáo sư - Viện sĩ - Tiến sĩ Khoa học, học giả nghiên cứu lý luận, đưa lý luận vào thực tiễn, tổng kết thực tiễn thành lý luận khoa học. Nhà khoa học Nguyễn Chơn Trung là tấm gương lao động học tập nghiên cứu không mệt mỏi cho thế hệ trẻ noi theo để xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Cuối tuần này trên kênh HTV9, quý khán giả có thể đón xem hai bộ phim tài liệu "Robot Việt" - 22g thứ Sáu (11/8) và "Lặng thầm một ngọn lửa" - 22g thứ Bảy  (12/8). 

Thiên Bình