Mảnh đất Gia Định - Sài Gòn (nay là TP.HCM) có hồn cốt được chất chứa từ nhân tâm, chí khí của cha ông suốt hơn 300 năm. Những điều quý giá ấy trở thành các thần tích thiêng liêng, gắn với những danh nhân lịch sử được tôn thờ ở đình, miếu.
Sau khi hạ thành Gia Định, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng
Tại thời điểm sau khi hạ thành Gia Định, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng từ Bến Nghé vào tận Chợ Lớn, chúng chiếm chùa chiền làm đồn bót, trải từ chùa Khải Tường đến tận chùa Cây Mai, tức từ Quận 1, Quận 3 đến Chợ Lớn, Phú Lâm.
Lực lượng kháng chiến của ta tiến hành các buổi tập kích khiến giặc phải co cụm lại. Mặt khác, triều đình cử Nguyễn Tri Phương vào Gia Định thống lĩnh cuộc kháng chiến, chủ yếu là xây dựng đại đồn Chí Hòa nhằm cản không cho giặc mở rộng vùng chiếm đóng. Khi công cuộc xây dựng đại đồn vừa hoàn thành thì 4g sáng ngày 24/2/1861, giặc Pháp mở trận tấn công đại đồn Chí Hòa. Quân ta chống cự được một ngày, đại đồn thất thủ, quân Pháp tràn ra, càn quét chung quanh Gia Định - Sài Gòn rồi chiếm Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long.
Sức mạnh của lòng yêu nước dưới ngọn cờ Bình Tây đại nguyên soái
Không gặp khó khăn trong việc đánh bại quân chính quy của triều đình, nhưng thực dân Pháp phải đối đầu vất vả với phong trào kháng Pháp của Nhân dân, dưới ngọn cờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định, được nhân dân, hương chức, sĩ phu, cả Gia Định - Sài Gòn và ba tỉnh miền Đông Nam kỳ nồng nhiệt hưởng ứng.
Phong trào kéo dài cả sau khi Tự Đức cắt đất giảng hòa. Bộ phim tài liệu "Các vị thần dân phong ở đất Gia Định" tập 2 là những thước phim quý, lưu giữ câu chuyện về các đình thần dân phong cho những anh hùng vị quốc vong thân.
Một trong những anh hùng kháng Pháp dưới cờ Bình Tây của Trương Định lưu dấu đến nay, là linh thần đình Bình Hòa Phạm Văn Chí. Ngài sinh trưởng tại làng Bình Đông, Chợ Lớn, vốn là hương chức làng Bình Đông. Hưởng ứng hịch kêu gọi của Trương Định, ngài gia nhập vào phong trào kháng Pháp, lãnh phận sự hoạt động ở vùng Chợ Lớn với nhiều chiến công oanh liệt.
Đình Bình Hòa ngày nay
Bị nghĩa quân Trương Định đột kích từ mọi đồn trại, thực dân Pháp tăng cường tuần bố và Phạm Văn Chí bị bắt vào tháng 3/1862. Là một người nghĩa khí, ngài quyết không hàng giặc mà còn lớn tiếng lên án quân thù. Tháng 3/1863, giặc xử tử ngài tại làng Bình Đông, dân chúng cảm phục chí khí anh dũng của ngài, cùng nhau mai táng thi hài và lập ngôi miếu thờ trước mộ.
Từ đó, cứ đến ngày Rằm, 16-17/2 Âm lịch, người dân cùng nhau dâng lễ vật cúng tế trọng thể. Theo năm tháng, ngôi miếu thờ người anh hùng "vị quốc vong thân" Phạm Văn Chí trở thành ngôi đình của thôn, chính danh là đình Bình Hòa và ngôi mộ của ngài được tôn tạo trang nghiêm, khói hương không dứt. Cùng thời và là đồng hương với Phạm Văn Chí, Nguyễn Văn Giờ cũng là hương chức làng Bình Đông - Chợ Lớn.
Hậu nhân kể chuyện ngài Nguyễn Văn Giờ - Linh thần đình Hòa Lục
Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Văn Giờ đã cùng Phạm Văn Chí, Nguyễn Ngọc Thăng (Lãnh Binh Thăng) đứng trong hàng ngũ những người yêu nước chống Pháp của Trương Định, cùng hoạt động ở vùng Chợ Lớn - Tân An. Ông bị bắt và xử tử cùng lúc với ông Phạm Văn Chí.
Tục truyền, sinh tiền là người anh hùng yêu nước thương dân, khi thác, ngài rất linh hiển và thường hộ trì cho dân chúng trong xóm nên dân chúng lập miếu thờ gọi là đình Hòa Lục. Đặc biệt, trong mọi cuộc cúng tế ông, từ xưa đến nay luôn tuân thủ lệ cấm tuyệt đối không cúng đầu heo, tránh nhắc nhớ việc ông bị kẻ thù xử chém.
Bộ phim còn là câu chuyện về đình thờ thần Dương Văn Hạnh - một ngôi đình của làng Lý Nhơn; câu chuyện của người anh hùng kháng Pháp Nguyễn Ảnh Thủ ở Hóc Môn; Đình thần Phan Văn Hớn, người có công cùng với chỉ huy phó Nguyễn Văn Quá lãnh đạo cuộc khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu...
Hậu nhân lưu truyền câu chuyện về vị anh hùng Dương Văn Hạnh
Ngoài ý nghĩa tri ân công đức khai hoang, lập làng, tôn kính các bậc anh hùng kiệt xuất vì nước quên thân trong thời đoạn đầy tủi nhục và vinh quang hồi cuối thế kỷ XIX, còn được tôn làm thần với uy linh bao trùm trên cõi thiêng của cộng đồng, ngự trị trong tâm thức các thế hệ cư dân và được tôn xưng là Ông với niềm xác tín và sự linh hiển, tương thông với cõi đời này.
Việc tôn kính các bậc hữu công, các anh hùng vị quốc vong thân là kết quả của truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, pha trộn với tín ngưỡng duy hồn. Tổng thể văn hóa tín ngưỡng này đã bảo tồn ký ức lịch sử của cộng đồng, trở thành nền tảng và sức mạnh cho thực tại. Ký ức là một phần quan trọng của đời sống tinh thần, là cơ sở đồng nhất văn hóa giữa các thành viên trong cộng đồng đó.
Riêng với vùng đất Gia Định - Sài Gòn, các di tích liên quan đến những vị thần dân phong là những địa điểm thiêng đặc biệt, bởi chúng đã làm nên hồn thiêng cho mảnh đất này.
Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.
8g ngày 5/2 - Phim tài liệu "Cuộc chiến đấu trí tuệ"
8g ngày 6/2 - Phim tài liệu "Nữ biệt động"
8g ngày 7/2 - Phim tài liệu "Bản giao hưởng Mậu Thân 1968"
8g ngày 8/2 - Phim tài liệu "Thế trận lòng dân"
7g20 ngày 9/2 - Phim tài liệu "Những con rồng thành phố" - Tập 1
10g ngày 10/2 - Phim tài liệu "Những con rồng thành phố" - Tập 2 |
Thiên Bình