Phim tài liệu về những kho tàng ẩn chứa trong bộ Kimono

Kimono ẩn chứa đời sống của con người. Hiểu về lịch sử Kimono chính là hiểu một phần của lịch sử nhân loại. Hiểu Kimono, ta sẽ biết được quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ Nhật Bản, cách họ đã sống một đời và cách để họ duy trì vẻ đẹp đó...

Khoan thai và vội vã, mạnh mẽ và nhu hòa, nghiêm cẩn và thơ mộng, khắc kỷ và phóng túng, tinh tế và khí phách, truyền thống cổ xưa và kỹ thuật hiện đại - tất cả những điều tưởng chừng như khó tương hợp đó đều hòa quyện ở đất nước Mặt Trời mọc. Ở đây, một thiền sư có thể đồng thời là một võ sĩ, một thanh kiếm sắc uy ngang một cánh đào mong manh, mặc bộ Kimono một cách hoàn hảo quan trọng như sáng chế một con rô-bốt tân tiến.

Nhật Bản - một quốc gia nghèo nàn về tài nguyên, thiên tai đe dọa từng ngày, bại trận sau Thế chiến II, tan hoang vì bom nguyên tử, nhưng chỉ mất hơn 20 năm để trở thành siêu cường thứ hai thế giới. Thực hiện được phép lạ ấy là bởi trong mỗi người Nhật đều có linh hồn bất diệt của cả dân tộc Nhật Bản và bởi trong mỗi ngày sống của họ đều có sự hiện diện của hàng ngàn năm qua. 


Sự hồi sinh bắt nguồn từ sức mạnh nội tại trong mỗi người dân Nhật Bản

Trong tiếng Nhật, Tokyo có nghĩa là kinh đô ở phía Đông. Thành phố 500 tuổi này từng trải qua hai tai họa lớn: trận động đất vào năm 1923 và những cuộc dội bom hủy diệt của lực lượng đồng minh trong Thế chiến II.

Sau năm 1945, thành phố được xây dựng lại hoàn toàn và cả thế giới đã phải thán phục trước một Tokyo hồi sinh khi Thế vận hội năm 1964 tổ chức tại đây. Thành phố chỉ mất 20 năm để vượt New York, trở thành đô thị lớn nhất thế giới vào năm 1965. Tokyo nắm giữ những kỷ lục đáng nể về dân số và GDP.

Nhưng đáng ganh tị hơn cả là danh hiệu Thành phố an toàn nhất thế giới bởi không hề có cướp bóc. Nơi đây, trẻ em 6 tuổi đã có thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Và càng đánh ganh tị hơn khi biết, bên dưới những "cánh rừng" cao ốc kia là dòng chảy mạnh mẽ của các giá trị cổ xưa. 


Bà Watanabe Chie - Chủ tịch Hội nghiên cứu văn hóa Kimono

Chính phủ Nhật Bản xem người dân là chủ thể của mọi hoạt động bảo vệ di sản văn hóa, trong khi người dân Nhật đã có sẵn sự trân trọng đối với văn hóa truyền thống. Một ngôi chùa ngàn năm tuổi hay bộ quốc phục Kimono đều được lưu giữ bằng tinh thần của chủ nghĩa tuyệt đối để luôn tồn tại trong trạng thái hoàn mỹ.

Nói về tranh phục thuở sơ khai, bà Watanabe Chie, Chủ tịch Hội nghiên cứu văn hóa Kimono, cho biết: "Thời nguyên thủy, ở các nước trên thế giới và cả ở Nhật Bản, hình thức đầu tiên của trang phục giống như là những mảnh vải quấn quanh người. Ở Nhật, hình thức này dần phát triển hơn với việc khoét một lỗ giữa mảnh vải để chui đầu vào và hình thức này phổ biến ở rất nhiều nơi. Các dân tộc phương Bắc mặc chất liệu từ động vật như da thú, còn các dân tộc ở phương Nam thì mặc những chất liệu làm từ thực vật. 


Trước khi có bản sắc riêng, Nhật Bản có chế độ Kentoshi để tiếp thu văn hóa bên ngoài 

Văn hóa đời nhà Đường (Trung Quốc ngày nay) là một vùng văn hóa rất rộng lớn, có sức ảnh hưởng đến nhiều nước xung quanh, vì lẽ đó, văn hóa đời Đường thông qua nhiều quốc gia khác nhau đã được du nhập vào Nhật Bản, phổ biến nhất là vào thời đại Aska. Đó cũng là giai đoạn mà Phật giáo được truyền đến Nhật Bản cùng với nhiều văn hóa khác.

Sau giai đoạn tiếp thu văn hóa từ thời nhà Đường, Nhật Bản cho rằng việc tiếp thu văn hóa từ bên ngoài vậy là đã đủ, cần phải phát huy truyền thống văn hóa Nhật Bản. Vì vậy, chế độ Kentoshi (Khiển Đường Sứ) bị bãi bỏ. Đây là chế độ cử sứ giả đi học tập ở nhà Đường. Từ đó, trong lòng đất nước Nhật Bản có một sự biến đổi. Những yếu tố văn hóa đã tiếp thu được trở thành những đặc điểm riêng của Nhật Bản. 


Bộ Kimono phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của Nhật Bản

Nhật Bản có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, mùa Đông rất lạnh còn mùa Hè rất nóng. Vì vậy, người Nhật Bản không thích hợp với những loại trang phục đến từ Đại Lục - là loại quần áo vừa khít người, đóng kín cổ và các ống tay áo.

Nhật Bản chú ý hơn đến các loại trang phục thoải mái hơn của người phương Nam với những bộ đồ không có đường cong mà chỉ là những đường thẳng. Và như thế, những bộ Kimono đã được tạo ra với những kích cỡ giống hết nhau.

Lúc lạnh giá, người ta có thể mặc nhiều lớp Kimono chồng lên nhau. Khi trời nóng, người ta có thể gỡ bỏ bớt các lớp áo, lúc nóng nhất thì chỉ còn một lớp áo Kimono mà thôi. Tuy Kimono đã được định hình nhưng kỹ thuật nhuộm chưa được phát triển, người Nhật lúc bấy giờ muốn tái hiện vẻ đẹp xung quanh tự nhiên lên Kimono đã dùng cách chồng các màu sắc lên nhau để thể hiện được vẻ đẹp đó. 


Mỗi tầng lớp khác nhau sẽ có một kiểu trang phục với chất liệu vải khác nhau

Các cách phối màu như vậy có nhiều kiểu khác nhau, có những cách phối màu của giới trẻ, giới trung niên và người già. Nguyên tắc phối màu qua việc thông qua việc chồng các lớp áo như vậy rất quan trọng với người Nhật Bản. Nhìn vào màu sắc, người xem có thể tưởng tượng được đây là hoa anh đào, hay là hoa mơ...

Để thể hiện các hoa văn, đầu tiên phải kể đến kỹ thuật thêu đến từ Trung Quốc. Do chưa có kĩ thuật nhuộm nên người Nhật sẽ dùng chỉ để thêu lên những hoa văn trên áo. Tầng lớp quý tộc thường sử dụng những loại Kimono mềm mại, với nhiều lớp áo chồng lên nhau để thể hiện quyền lực và vị thế của mình. Trong khi đó, người dân thường mặc những loại quần áo được dệt từ các loại vải sợi thực vật như là vải lanh nhưng số lượng không nhiều. Vì vậy, các loại áo này thường ngắn, bản hẹp, chỉ vừa đủ che thân.


Lớp trong cùng của bộ Jūnihitoe gọi là kosode, tiền thân của Kimono ngày nay

Đối với tầng lớp quý tộc, họ có trang phục riêng gọi là Jūnihitoe (Thập nhị y) có 12 lớp áo. Đây là hình thức phát triển từ kiểu áo Itsutsuginu với chỉ 5 lớp áo. Trên thực tế, có khi người ta mặc đến 20 - 30 lớp áo.

Từ thời đại mặc những chiếc áo Jūnihitoe, Nhật Bản bước vào thời chiến quốc - là thời đại nổ ra cuộc tranh giành quyền lực giữa các hào tộc đến từ địa phương với các quý tộc đến từ cung đình nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Giới quý tộc không biết đánh nhau nên chỉ đành chạy trốn và điều này rất khó khăn nếu vẫn mặc loại áo nhiều lớp như Jūnihitoe.

Vì vậy, để dễ dàng chạy trốn, họ đã tháo bỏ hết các lớp áo phía trên, chỉ để lại lớp kosode màu trắng. Lớp kosode trong cùng đó chính là nguyên mẫu của chiếc Kimono hiện đại ngày nay. Ban đầu, kosode chỉ có một màu, nhưng vì thế trông rất đơn điệu và người ta đã tạo hoa văn bằng cách thêu lên trên áo hoặc dùng kĩ thuật nhuộm shibori - tạo hoa văn dựa trên các kiểu buộc, thắt, vắt hoặc xoắn vải sau đó nhúng vải vào trong thuốc nhuộm. Đây được xem là khởi đầu của Kimono ngày nay. 


Thời bình giúp giao thương phát triển, nguồn vải do đó cũng phong phú hơn

Tuy chiến tranh loạn lạc vẫn còn diễn ra nhưng đã dần chuyển sang thời bình, thời Muromachi. Người dân sau khi đi lánh nạn bắt đầu trở về, ổn định cuộc sống và tiến hành giao thương buôn bán với nhiều quốc gia như: Bồ Đào Nha, một số nước Đông Nam Á... Qua đó nhiều hàng hóa quý hiếm được đưa đến Nhật Bản.

Thời đó ở Nhật Bản chưa có vải bông, tuy ở Nhật cũng có những vùng ấm áp nhưng nhìn chung không trồng được cây bông vì sự chênh lệch nhiệt độ rất rõ rệt. Loại vải bông này chỉ được trồng ở những nơi có khí hậu ấm áp, nổi tiếng nhất là vải bông Ấn Độ, hay loại vải bông ở vùng phía Nam Trung Quốc.

Vải bông được sử dụng rất nhiều ở các nước nằm ở phía Nam Nhật Bản và cũng chính từ những nơi đó, loại vải tên là tozan được nhập vào Nhật Bản. Đây là một loại hàng rất cao cấp, chỉ có lãnh chúa hoặc những gia đình rất giàu có mới có thể mua được, và những loại hoa văn sọc dọc của loại vải rất được người Nhật ưa chuộng. Phải đến giữa thời kỳ Edo, Nhật Bản mới có vải bông, tức là rất muộn sau đó. Tuy nhiên, vải bông của Nhật không tốt bằng vải bông đến từ các nước phương Nam với những sợi chỉ dai và bóng. Vì sợi chỉ của Nhật giòn và dễ đứt, do vậy mà sợi của Nhật rất to". 


Loại hoa văn sọc dọc rất được người Nhật ưa chuộng

Tuy chiến tranh loạn lạc vẫn còn diễn ra nhưng đã dần chuyển sang thời bình, thời Muromachi. Người dân sau khi đi lánh nạn bắt đầu trở về, ổn định cuộc sống và tiến hành giao thương buôn bán với nhiều quốc gia như: Bồ Đào Nha, một số nước Đông Nam Á... Qua đó nhiều hàng hóa quý hiếm được đưa đến Nhật Bản.

Thời đó ở Nhật Bản chưa có vải bông, tuy ở Nhật cũng có những vùng ấm áp nhưng nhìn chung không trồng được cây bông vì sự chênh lệch nhiệt độ rất rõ rệt. Loại vải bông này chỉ được trồng ở những nơi có khí hậu ấm áp, nổi tiếng nhất là vải bông Ấn Độ, hay loại vải bông ở vùng phía Nam Trung Quốc.

Vải bông được sử dụng rất nhiều ở các nước nằm ở phía Nam Nhật Bản và cũng chính từ những nơi đó, loại vải tên là tozan được nhập vào Nhật Bản. Đây là một loại hàng rất cao cấp, chỉ có lãnh chúa hoặc những gia đình rất giàu có mới có thể mua được, và những loại hoa văn sọc dọc của loại vải rất được người Nhật ưa chuộng. Phải đến giữa thời kỳ Edo, Nhật Bản mới có vải bông, tức là rất muộn sau đó. Tuy nhiên, vải bông của Nhật không tốt bằng vải bông đến từ các nước phương Nam với những sợi chỉ dai và bóng. Vì sợi chỉ của Nhật giòn và dễ đứt, do vậy mà sợi của Nhật rất to". 


Kimono cũng chịu ảnh hưởng dưới sự du nhập của Thiên Chúa giáo

Để đọc được quá khứ của nước Nhật qua sự đổi thay của mỗi chiếc Kimono theo từng triều đại như bà Watanabe Chie, không chỉ cần kiến thức lịch sử mà còn đòi hỏi cần có sự đồng cảm sâu sắc với mỗi cuộc bể dâu của dân tộc mình.

Bà Watanabe Chie chia sẻ: "Vào thời Azuchi-Momoyama, chiến tranh loạn lạc vẫn còn và áo Kimono thời đó được gọi là Kosode - có nghĩa là áo Kimono với ống tay áo nhỏ, thời Heian thì cổ tay áo Kimono không được may lại mà để hở và dưới lớp áo này là một lớp Kimono với ống tay áo nhỏ (Kosode). Kiểu áo này được dùng phổ biến lúc bấy giờ, với dây thắt lưng có bản rất nhỏ. Thắt lưng của đàn ông rộng khoảng 10cm. Cách mặc Kimono nam cũng giống như ở nữ.

Giới võ sĩ thời này rất có thế lực và đã hình thành nên nền văn hóa Samurai. Theo đó, Kimono của vợ và con gái các samurai cũng trở thành khuôn mẫu cho thời bấy giờ. Một điều khá thú vị là đai lưng thời nay có thể thắt ở đằng trước hoặc đằng sau lưng, tùy ý. Cũng thời đại này, Thiên Chúa giáo bắt đầu du nhập vào Nhật Bản và người Nhật chịu ảnh hưởng bởi những loại vải và các vận dụng mà các linh mục Thiên Chúa giáo sử dụng. 


Edo là thời bình, gia cảnh của giới võ sĩ vì thế cũng trở nên khó khăn

Chuyển sang thời Edo, bản dây thắt lưng ngày càng lớn hơn dưới sự ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo và các hoạt động giao thương buôn bán. Thời Edo là giai đoạn Tướng quân Tokugawa đã bình định thiên hạ, đất nước thái bình nên đời sống của giai cấp võ sĩ trở nên khó khăn. Dưới thời Mạc phủ, việc không ra trận đồng nghĩa với việc các võ sĩ không có thu nhập.

Trong khi đó, tầng lớp thị dân với thương nhân, thợ thủ công trở nên giàu có với nhiều hoạt động sôi nổi. Giới võ sĩ vì gia cảnh khó khăn đã mượn tiền của thị dân để chi dùng nhưng vì danh dự của võ sĩ mà chính phủ đã nhiều lần ban lệnh cấm xa xỉ, người dân không được tiêu dùng phung phí, nếu trái lệnh sẽ bị xử phạt. Vì vậy mà những người dân thường không được phép mặc đồ tơ lụa mà chỉ được phép mặc vải bông hay vải lanh. 


Phần trên vai bộ Kimono của nam giới có gắn râu cá voi vào

Tuy nhiên, mọi người thời đó muốn được ăn mặc đẹp, vì vậy, họ đã nghĩ ra nhiều cách để có thể lách luật cấm xa xỉ này. Cũng vì vậy mà diện mạo chiếc Kimono hoàn toàn thay đổi.

Luật lệ quy định các hoa văn chỉ được trang trí ở phần gấu áo lên cao khoảng 10-30cm, và phần thân trên hoàn toàn không có hoa văn gì nên trông rất tẻ nhạt. Vì vậy họ đã nghĩ ra cách thêm hoa văn ở mặt áo bên trong để khi chuyển động, các hoa văn này có thể linh hoạt hiện ra bên ngoài. Đồng thời, các dây thắt lưng thời kỳ này cũng ngày một lớn với nhiều cách thức thắt nút khác nhau.

Từ cuối thời Edo đến thời Minh Trị là giai đoạn vóc dáng người Nhật nhỏ bé nhất, vì vậy những bộ Kimono thời ấy nhỏ như Kimono của trẻ em bây giờ vậy. Các bộ Kimno của võ sĩ gồm hai phần: bên trên và bên dưới. Phần trên vai có gắn râu cá voi vào làm cho vai rộng hơn, khi mặc vào dáng vẻ sẽ hùng dũng và nam tính hơn. Còn một đặc điểm khác, đó là gia huy trên các bộ Kimono. Gia huy trên các bộ Kimono hiện nay chỉ bằng 1/4 gia huy thời kỳ đó. Vì thế, để nghiên cứu xem bộ Kimono đó vào thời nào, chúng tôi thường nghiên cứu gia huy.


Từ gia huy có thể tìm hiểu về nguồn gốc của dòng họ, tổ tiên của dòng tộc

Kể từ thời Minh Trị, cùng với Hiến pháp mới được thành lập, mỗi người dân lần đầu tiên có hộ tịch và họ của mình. Người ta có thể tùy ý sử dụng họ của những người nổi tiếng mà mình biết, đối với những người ít học thì tìm đến những người có kiến thức như đi đến chùa xin ý kiến của các thiền sư hoặc xin ý kiến của những người lớn tuổi sống xung quanh về họ của mình.

Khi đã có họ rồi thì lại nảy sinh đến việc cần phải có gia huy. Trước đây chỉ có những võ sĩ hay những gia đình thương gia lớn mới có gia huy. Nhưng kể từ khi việc dùng họ trở nên phổ biến, việc dùng gia huy cũng trở nên cần thiết. Người ta sẽ tìm hiểu xem dòng họ tổ tiên của mình sử dụng loại gia huy nào, tương ứng với họ của mình, để xác định cội nguồn bản thân.

Giới trẻ hiện nay có người còn không biết gia huy của gia đình mình, tuy nhiên những người thuộc thế hệ chúng tôi, gia huy vô cùng quan trọng. Ngày nay, việc sử dụng gia huy nào không còn là vấn đề bị phê phán như trước kia nữa, vì vậy gia huy cũng giống như một mẩu thiết kế. Trên cả chiếc áo nếu không có gì sẽ thật nhàm chán, và gia huy trở thành điểm nhấn riêng cho Kimono". 

Thời Minh Trị, luật lệ cởi mở hơn, người dân có quyền mặc những gì họ thích

Vậy là, không chỉ lịch sử đất nước, lịch sử mỗi dòng họ cũng có thể đọc được qua chiếc huy hiệu của gia tộc thêu trên áo Kimono, giúp có thêm lý do để nó trở thành một báu vật gia truyền. Trên thế giới, ít có bộ quốc phục nào phải mang nhiều sứ mệnh như vậy.

Bà Watanabe Chie nói: "Chế độ Mạc phủ sụp đổ, đất nước bước vào thời Minh Trị, xây dựng chính phủ mới, chính quyền mới. Thời bấy giờ đã bắt đầu xóa bỏ cách biệt đẳng cấp trong xã hội. Trước đây, ở Nhật Bản có 4 giai tầng là sĩ - nông - công - thương, xếp theo thứ tự địa vị từ cao nhất đến thấp nhất. Thời Edo cũng áp dụng chế độ thân phận rất hà khắc. Tuy nhiên, đến thời Minh Trị, việc này được xóa bỏ, Hiến pháp mới được thành lập, số lượng người làm công ăn lương tăng lên thay các samurai trước đây. 


Kimono được bảo quản trong sự nghiêm cẩn và đầy tỉ mỉ

Dù đã hơn ngàn năm tuổi, sức sống của tà áo Kimono truyền thống chưa chắc đã chịu đựng nổi những trận gió đổi thay của thời đại nếu không có những người tự nguyện gánh vác trọng trách lưu giữ và tôn vinh vẽ đẹp của nó như bà Watanabe Chie: "Tôi mất khoảng 20 năm để thu thập Kimono.

Để bảo quan Kimono, trước tiên, chúng tôi phải kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ, điều đáng lo ngại nhất là độ ẩm. Hơn nữa, Kimono có nguồn gốc từ tơ lụa có nguồn gốc động vật hay vải bông có nguồn gốc thực vật, vì vậy chúng tôi xem Kimono như những vật sống. Mỗi năm, chúng tôi đem ra gió phơi một lần giúp chúng có thể hô hấp được, sau đó kiểm tra và nếu phát hiện hư hỏng thì nhanh chóng xử lý chúng. 


Đằng sau vẻ đẹp của Kimono ẩn chứa những câu chuyện của lịch sử

Tôi cho rằng Kimono ẩn chứa đời sống của con người. Khi tìm hiểu về lịch sử Kimono, tôi như đang tìm hiểu về lịch sử nhân loại và lịch sử của phụ nữ. Ngày nay chúng ta mặc âu phục nhiều hơn, có rất nhiều loại vải không cần dệt hay nhuộm nữa. Có nhiều loại vải đã hỏng, nhiều kĩ thuật ngày trước đã không còn.

Chính vì thế, chúng tôi muốn bảo quản Kimono trong điều kiện tốt nhất nhằm cung cấp tư liệu cho những người tâm huyết, muốn tìm hiểu về Kimono. Thêm nữa, chúng tôi cũng muốn cho mọi người hiểu quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ Nhật Bản như thế nào, họ đã sống một đời sống ra sao, để duy trì được vẻ đẹp đó họ đã phải là như thế nào... Đó cũng chính là nhiệm vụ hết sức quan trọng của chúng tôi trong tương lai". 

Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

15g ngày 27/11 - Phim tài liệu "Nhật Bản - Câu chuyện giáo dục đạo đức" - Tập 1
15g ngày 28/11 - Phim tài liệu "Nhật Bản - Câu chuyện giáo dục đạo đức" - Tập 2
15g ngày 29/11 - Phim tài liệu "Cù Mông cùng về"
15g ngày 30/11 - Phim tài liệu "Sưởi ấm những linh hồn Tây Nguyên"
8g ngày 1/12 - Phim tài liệu "Lửa giữa trùng khơi" - Tập 1
8g ngày 2/12 - Phim tài liệu "Lửa giữa trùng khơi" - Tập 2

Thiên Bình