Phim tài liệu: Trên những tọa độ trắng

Hơn 40 năm qua, những nỗ lực âm thầm trên vùng đất ở Quảng Trị đã làm nên điều kì tích khiến cho vùng đất có trên 84% diện tích dày đặc bom mìn dần bớt nguy hiểm, mang lại cho vùng "Tọa độ trắng" màu xanh tươi của mùa màng, vùng đất chết dần hồi sinh.


Quảng Trị là nơi mà tình trạng bom mìn, vật nổ sau chiến tranh nặng nề nhất cả nước

Tọa độ trắng - "Vùng đất chết"

Việt Nam là một trong những nước có tình trạng bom mìn, vật nổ sau chiến tranh nặng nề nhất thế giới. Hàng chục triệu tấn bom, đạn được sử dụng trong các cuộc chiến tranh và xung đột biên giới kéo dài từ năm 1946 đến 1989 đã để lại trong lòng đất một khối lượng bom mìn, vật nổ khổng lồ. Ước tính vẫn còn 800.000 tấn bom mìn còn sót lại, nằm rải rác trên cả nước, ảnh hưởng đến 6,6 triệu ha đất, trong đó Quảng Trị là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thập niên 1960, khi Mỹ bắt đầu đổ quân vào miền Nam Việt Nam, tỉnh Quảng Trị và khu phi quân sự DMZ đã trở thành chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến tranh và là mục tiêu của chiến dịch ném bom tàn khốc nhất lịch sử nhân loại. Ước tính lượng bom đạn dội xuống Quảng Trị nhiều hơn cả lượng bom đạn được sử dụng ở Châu Âu trong Thế chiến II. Khoảng 10% số bom đạn này không phát nổ như dự tính mà bị vùi vào đất đai Quảng Trị. 

Quảng Trị từng có 391.500ha đất đai bị ô nhiễm bom mình

Sau chiến tranh, Quảng Trị có 391.500ha đất đai trên tổng số 461.297ha diện tích toàn tỉnh bị ô nhiễm bom mìn. Như bao miền quê khác, cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với ruộng đất nương rẫy.

Tuy nhiên, vùng đất lửa này sau chiến tranh bị tàn phá nặng nề nên diện tích đất có thể canh tác không còn bao nhiêu. Do vậy, sau chiến tranh lại có thêm nghề mới để mưu sinh - đó là đào nhặt phế liệu chiến tranh, trong đó có bom mìn, vật liệu nổ.

Thậm chí có nơi gần như cả làng đều tham gia vào công việc nguy hiểm này, như: làng Tân Hiệp, Cam Tuyền, Cam Lộ và một số khu phố ngay tại Đông Hà và thị xã Quảng Trị. 


Mỗi nạn nhân là một hoàn cảnh, một câu chuyện thương tâm

Theo Trung tâm điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh Quảng Trị, tỉnh này có trên 3.430 người chết và 5.100 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ngoài những tai nạn do quá trình đào nhặt kiếm phế liệu sau chiến tranh, còn có những nạn nhân bị tai nạn trong quá trình canh tác trên những vùng đất còn ô nhiễm nặng, những người tham gia công tác tháo gỡ bom mìn trên đất và đặc biệt, có rất nhiều trẻ em.

Tai nạn bom mìn đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.600 em nhỏ, chiếm đến 31% tổng số nạn nhân, khi các em chưa nhận thức được sự nguy hiểm của nó. Mỗi nạn nhân là một hoàn cảnh, một câu chuyện thương tâm, một minh chứng đau buồn cho những mất mát dai dẳng mà chiến tranh để lại cho dù tiếng súng đã yên từ rất lâu.


Công việc xử lý bom mìn được chú trọng ngay sau khi đất nước thống nhất

Những nỗ lực bền bỉ giúp vùng đất chết hồi sinh

Ngày nay, đến với Quảng Trị, dễ nhận thấy một màu xanh của sự sung túc, của mùa vụ tốt tươi. Đó là thành quả của nỗ lực không mệt mỏi của địa phương và người dân để giải quyết lượng bom đạn mà chiến tranh đã để lại trên vùng đất này. Tuy nhiên, ngay ở sâu dưới lòng đất vẫn còn những trái bom, những quả đạn như những vết thương chiến tranh âm ỉ mãi chưa dứt.

Công việc xử lý bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh đã được chú ý ngay sau khi đất nước thống nhất. Từ năm 1975 đến 1996, công việc này chỉ có duy nhất một lực lượng đảm trách - đó là Lực lượng Công binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngoài ra còn có sự phối hợp của các lực lượng vũ trang địa phương và Nhân dân.

Từ 1995, công việc xử lý bom mìn có sự chung tay của nhiều dự án phi chính phủ

Thời gian đầu, công việc này khá khó khăn do thiếu dụng cụ và phương tiện chuyên nghiệp nên nhiều người đã hy sinh hoặc bị thương. Nhưng do yêu cầu cấp bách là phải mang lại một vùng đất an toàn cho nhân dân sinh sống và canh tác, nên các lực lượng đều hết sức cố gắng.

Năm 1995, Chính phủ cho phép Quảng Trị tiếp nhận nhiều tổ chức phi chính phủ tham gia rà phá bom mìn, làm sạch đất đai. Từ đó, Quảng Trị có thêm nhiều nguồn lực mới trong công tác quan trọng này.

Trong số đó có Dự án NPA/RENEW - Chương trình khảo sát và rà phá bom mìn của Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA); Tổ chức Peace Trees hướng tới công việc rà phá bom mìn, giúp người dân xây nhà, trao học bổng, tạo công ăn việc làm và trồng cây xanh trên mảnh đất an toàn sau khi gỡ bỏ hết bom mìn; Dự án MAG - từ nguồn tài trợ của Văn phòng Tháo gỡ và Giải trừ vũ khí, Cục Quân chính, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ... 


Màu xanh tươi của mùa màng, "Tọa độ trắng" đã hồi sinh

Kể từ năm 2015, Trung tâm điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh Quảng Trị được thành lập đã tạo nên cơ chế phối hợp giữa các dự án, các tổ chức phi chính phủ này với nhau để không chồng lấn hiện trường, tiết kiệm nguồn lực, gia tăng hiệu quả công tác rà phá, tháo gỡ bom mìn...

Năm 2017 là năm đầu tiên Quảng Trị không có người thương vong vì bom mìn, cũng từ đây, Quảng Trị không còn tai nạn vì bom mìn nữa. Đến nay tỉnh đã rà phá trên 132 triệu mét vuông đất bị ô nhiễm bom mìn nặng, xử lý trên 650.000 bom mìn vật liệu nổ. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng được chú trọng với hơn 350.000 lượt tiếp cận học sinh và người dân, bên cạnh đó còn có các chương trình giáo dục phòng, tránh bom mìn...

Chính nhờ sự chung tay, nhờ những nỗ lực âm thầm ấy trong suốt hơn 40 năm qua, điều kì tích đã xuất hiện trên mảnh đất được mệnh danh là Tọa độ trắng - nơi có trên 84% diện tích dày đặc bom mìn dần bớt nguy hiểm, mang lại cho Quảng Trị màu xanh tươi của mùa màng, vùng đất chết dần hồi sinh. 

Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

15g ngày 20/11 - Phim tài liệu "Thầy tôi"
15g ngày 21/11 - Phim tài liệu "Tôi ghét tôi"
15g ngày 22/11 - Phim tài liệu "Trả ơn cho đời"
15g ngày 23/11 - Phim tài liệu "Tổng Bí thư Lê Hồng Phong"
15g ngày 24/11 - Phim tài liệu "Nghề gồm từ ngôi trường bách nghệ Biên Hòa"
8g ngày 25/11 - Phim tài liệu "Ký giả kịch trường Huỳnh Công Minh"

Thiên Bình