Hò là một khúc dân ca gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và lao động của người nhân. Không chỉ thúc đẩy nhịp độ lao động, hò còn để giải trí khi làm việc mệt nhọc, khi bày tỏ tình cảm với quê hương, đất nước, với những người mình thương.
"Suối nguồn vẫn chảy" kể về những điệu hò, vè, hát ru, nói thơ...
Miền đất Nam bộ tuy mới được khai phá trên ba thế kỷ nhưng đã nhanh chóng trở thành phương trời hoa lệ của đất nước, là cái nôi của biết bao sự tích lạ lùng, của hàng ngàn điệu dân ca ngọt ngào, quyến rũ, cho tới nay vẫn đang làm say đắm lòng người.
Tiếng vọng ngân nga của biết bao âm điệu mượt mà, sâu lắng, chất chứa nỗi lòng, tình yêu, ý chí, nghĩa khí trên đời vang lên từ mọi nẻo đường, phố phường, đồng ruộng, làng xóm suốt 300 năm qua đã tạo nên nguồn suối thi ca không bao giờ cạn tại cõi trời lãng mạn này của xứ sở. Và câu chuyện đẹp đẽ ấy đã được lưu giữ lại trong những thước phim quý giá của bộ phim tài liệu "Suối nguồn vẫn chảy".
Hò huê tình
Và hò là một trong những nét đẹp được kể lại trong phim. Hò là một khúc dân ca gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và lao động của người nhân. Không chỉ thúc đẩy nhịp độ lao động, hò còn để giải trí khi làm việc mệt nhọc, khi bày tỏ tình cảm với quê hương, đất nước, với những người mình thương.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM cho biết: Trong hò có hò huê tình, hò cấy, hò chèo ghe, hò xay lúa, hò mái trường, hò mái đoàn, hò khoan, hò lơ... Trong cấu trúc của các loại hò, chú ý có hò suông tức là họ một mình, đơn lẻ và hò đối đáp nam - nữ.
Hò thường có phần xướng và phần xô - tạo nên sự hấp dẫn - tức là có phần kể của người dẫn chuyện (xướng) và phần phụ họa (xô) dành cho tập thể, có lớp mái và lớp trống. Đặc biệt, trong phần phụ họa (xô), ông bà ta kế thừa và mô phỏng những dàn nhạc, bộ gõ của nhạc lễ có từ rất xưa hoặc trong âm nhạc tài tử hò, xừ, xang, xê, cống.
* Một vài loại hò được giới thiệu trong phim
Trích hò cấy - Đồng Tháp
Hò cấy thuộc vùng Nam bộ, có mỗi tổng không bao giờ giống nhau, vì nó là đặc sản của từng nhóm cấy (tức mỗi nhóm cấy mướn khoảng 20-30 người, từ địa phương này qua địa phương khác), mỗi nhóm cấy có một cách hát khác nhau. Trong đó, hò cấy Đồng Tháp có nét độc đáo rất riêng để rồi trở thành nơi tiêu biểu nhất của hò cấy Nam bộ.
Hò giằng cối xay
Năm 1980, Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM đi sưu tầm tại Gò Công. Tại đây, ông tìm được hai bản hò xay lúa. Một trong số chúng là hò giằng cối xay - với bên nam, bên nữ thi đua cùng xay lúa như trong đoạn video ở trên.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ví dụ về sự tiếp biến của hò lơ
Hò lơ là một kiểu hò cấy của Bình Trị Thiên, nhưng rồi được Nam bộ hóa khi theo lưu dân về đến miền đất này. Trong thời kháng chiến chống Pháp, hò lơ trở thành hò cộng đồng của bộ đội, dân công, quần chúng cách mạng. Nhiều lãnh độ Nam bộ kháng chiến khi ra Bắc đã phổ biến lại và rồi ta bắt gặp nó trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Bộ phim lưu giữ những bài hát ru của nhiều dân tộc
Bên cạnh hò, nhiều nội dung hấp dẫn khác như: hình thức nói thơ Nam bộ, vè, hát sắc bùa, dân ca (Nam bộ, Chăm, Raglai, Châu Ro, Khmer...), hát ru (Nam bộ, Khmer, Chăm, Raglai, Châu Ro...), dân ca Hoa, nhạc lễ trong các nghi lễ quan trọng, những trăn trở về sự kế thừa văn hóa âm nhạc dân gian trong các sáng tác hiện đại... là những chủ đề hấp dẫn và đầy rung động được kể trong loạt phim "Suối nguồn vẫn chảy" trong tuần này.
Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.
8g ngày 18/12 - Phim tài liệu "NSƯT, nhạc sĩ Thế Hiển - Nhánh lan rừng nở mãi" (Tập 1)
8g ngày 19/12 - Phim tài liệu "NSƯT, nhạc sĩ Thế Hiển - Nhánh lan rừng nở mãi" (Tập 2)
8g ngày 20/12 - Phim tài liệu "Huyền thoại đất thép Củ Chi" (Tập 1)
8g ngày 21/12 - Phim tài liệu "Huyền thoại đất thép Củ Chi" (Tập 2)
8g ngày 22/12 - Phim tài liệu "Huyền thoại đất thép Củ Chi" (Tập 3)
8g ngày 23/12 - Phim tài liệu "Huyền thoại đất thép Củ Chi" (Tập 4) |
Thiên Bình