Phim tài liệu: "Người Chăm với nguồn nước ngọt"

Vua Po Klong Garai - vị vua giỏi nhất trong trị thủy và xây đền tháp của người Chăm - chọn địa điểm xây đập chỉ bằng việc thả một bè cây chuối từ thượng nguồn đến khúc sông bè chuối trôi chậm lại và tấp vào bờ thì chọn nơi đó để xây đập.

Người Chăm có nền văn hóa nông nghiệp lúa nước phát triển từ sớm

Câu chuyện "Người Chăm với nguồn nước ngọt" đầy thú vị và lôi cuốn đã được kể trong bộ phim tài liệu cùng tên, phát sóng trên HTV9 tuần qua. Phim nói về người Chăm - cộng đồng có dân số đông thứ 16 trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Cũng như một số dân tộc trong vùng Đông Nam Á, người Chăm có nền văn hóa nông nghiệp lúc nước phát triển rất sớm và có kho tàng tri thức bản địa rất phong phú, giàu có. Gần 2.000 năm qua, địa bàn cư trú của người Chăm nằm trên dải đất đồng bằng nhỏ hẹp ven biển miền Trung. Vùng cư trú đông nhất hiện tại của người Chăm tập trung ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. 


Đây là vùng có thổ nhưỡng và khí hậu sa mạc của nước ta

Có thể xem, khu vực này gần như là một tiểu vùng thổ nhưỡng và khí hậu sa mạc của Việt Nam. Đây là vùng đất có lượng mưa thấp nhất Đông Dương, chỉ trung bình 52 ngày mỗi năm.

Vùng đất Panduranga xưa - tức Phan Rang - Phan Thiết bây giờ do các dãy núi bao bọc tạo nên bức bình phong che chắn cả gió mùa Đông Bắc và Tây Nam khiến mây và mưa khó tới được nơi này. Trước khi tiếp xúc với nền văn minh Ấn Độ, người Chăm đã có một nền văn hóa bản địa nằm trong cơ tầng nền văn hóa Đông Nam Á - một nền văn hóa mang nặng dấu ấn của tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước. 


Dù sống ở vùng khô cằn, nhưng nông nghiệp vẫn phát triển tốt nhờ trị thủy

Nghề trồng lúa nước phụ thuộc rất nhiều vào các hiện tượng tự nhiên. Đây chính là điểm xuất phát các tín ngưỡng nông nghiệp của người Chăm. Do sống trên vùng đất khô cằn, nên trong đời sống tinh thần tâm linh, nước là linh vật được người Chăm tôn thờ qua những tập tục tín ngưỡng được lưu giữ trong kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc cho đến ngày nay.

Trong phim, khán giả được chứng kiến những nghi thức cúng tế trong lễ khai mương đắp đập - một nghi lễ quan trọng và bắt buộc, diễn ra vào thượng tuần tháng Tư của lịch Chăm, tức nằm trong tháng Bảy Dương lịch. 


Gắn liền với việc trị thủy là đời sống văn hóa tâm linh tín ngưỡng độc đáo

Theo Nông lịch cổ truyền dân tộc Chăm, tháng Tư mới thực sự là mùa cày cấy. Kinh nghiệm dân gian về thiên văn thì lúc này, các vì sao Tua Rua, sao Cày, sao Thần Nông đều đã xuất hiện và bắt đầu chuyển từ mùa khô sang mùa mưa.

Lễ khai mương đắp đập diễn ra ngay sau lễ cầu mưa. Sáng sớm của ngày diễn ra Lễ khai mương đắp đập, các chức sắc và cộng đồng người làng tập trung bên dòng nước, các thầy chủ tế hát thỉnh mời các vị thần có công trong sản xuất nông nghiệp Chăm để xin phép cho dân làng được đắp đập ngăn sông, đưa nước về đồng ruộng. 

Đập Nha Trinh có tuổi đời gần 900 năm

Do sinh sống hàng ngàn năm ở nơi quá ít mưa, nên người Chăm có những biện pháp rất xuất sắc để khai thác hữu hiệu, bền vững nguồn nước mạch có trong tự nhiên. Nhiều công trình nhân tạo để tích trữ và dẫn dắt nước ngọt phục vụ sinh sống và cây trồng được người Chăm xây dựng cách nay hàng trăm năm vẫn được hậu thế sử dụng một cách hiệu quả.

Đập Nha Trinh (Ninh Thuận) khai thác nguồn nước của dòng sông Dinh (còn gọi là sông Cái), nằm trên địa phận thôn Nha Hố, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Đập này được xây vào thời Vua Po Klong Garai (Shinhavarmen II) - vị vua giỏi nhất trong trị thủy và xây đền tháp của người Chăm. 


Con đập được xây dưới thời vị vua giỏi nhất về trị thủy - Po Klong Garai 

Theo số liệu đo đạc hiện nay, phần thân chính của đập dài 385m, cao 5m, mặt đập rộng 3m, dưới đập chính còn có bốn đập nhỏ được xây tiếp sau để làm chậm dòng chảy và tiếp nước vào mùa khô.

Năm 1889, đập Nha Trinh được người Pháp gia cố bằng bê-tông và từ đó đến nay, con đập được gia cố nhiều lần nhưng nền cốt của đập thì từ thế kỷ XII đến nay vẫn chưa hề suy suyển. Để khai thác hiệu quả nguồn nước từ công trình thủy nông đồ sộ này, một hệ thống dẫn nước được xây dựng nối dài về hạ lưu, gồm hai kênh lớn.

Tổng diện tích đất nông nghiệp ăn nguồn nước của hệ thống thủy lợi này lên đến hơn 12.000ha, trải rộng trên các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm. 


Đến nay, đập nhiều lần được gia cố nhưng vẫn giữ nguyên hồn cốt của hệ thống đập

Sử cũ ghi lại rằng, khi đắp xong đập Nha Trinh, Vua Po Klong Garai dự tính chia đôi dòng nước để chúng chảy qua tất cả các làng Chăm ở hạ lưu.

Ông đặt tên cho chúng là Mương Đực và Mương Cái, giao cho bên nam và bên nữ đào. Nhưng rồi chỉ có Mương Cái hoàn thành nhờ các cô gái Chăm chăm chỉ và biết dùng mỹ nhân kế để các chàng trai luôn qua đào phụ. Sau cùng, ruộng lúa bên Mương Cái tốt tươi, còn Mương Đực thì mãi dở dang.

Chuyện xưa nhuốm màu huyền sử, nhưng có một sự thật liên quan. Năm 1964, trong gói bồi thường chiến tranh của Nhật Bản cho Việt Nam, khi cải tạo đập Nha Trinh và hệ thống mương Chàm, người Nhật đã tìm các bô lão để tìm hiểu lại những tài liệu cổ của người Chăm về trị thủy. 


Hệ thống trị thủy hữu dụng này giúp dẫn nước về ruộng hàng trăm năm qua

Sau cùng, họ quyết định giữ nguyên hệ thống đập và kênh mương đã có tuổi đời từ gần 9 thế kỷ, chỉ gia cố đập Nha Trinh và khơi lại Mương Đực như ý tưởng của Vua Po Klong Garai.

Kể từ đó, phía Nam huyện Ninh Phước có thêm một dòng kênh ăn nước từ con đập cổ, tưới tắm cho nhiều làng Chăm và đặt tên là kênh Nam, nhưng người trong vùng vẫn quen gọi là Mương Nhật. Dòng kênh Chàm được đào gần 9 thế kỉ trước nay vẫn vẹn nguyên chảy về mạn Bắc Ninh Phước, chỗ rộng lên tới 8m, nơi hẹp nhất khoảng 2m.

Còn dòng Mương Nhật chảy về mạn Nam huyện Ninh Phước được kè bê-tông vững chãi hơn, nhưng cũng được xây trên chính bản vẽ mà Vua Po Klong Garai từng thiết kế. 


Giờ đây, người Chăm có thể làm 2 - 3 vụ mỗi năm thay vì chỉ làm 1 vụ như thời xưa

Đập Nha Trinh và hệ thống mương Chàm đã trải qua gần ngàn năm nhưng đến nay vẫn phát huy tốt tác dụng trong nông nghiệp cho Ninh Thuận. Đây được coi là một tài sản trí tuệ quý báu trong việc dẫn thủy nhập điền mà người Chăm xưa đã để lại cho hậu thế.

Dù được người xưa tính toán một cách thần tình, rất đúng với những nguyên lý khoa học hiện đại, song hệ thống đập và mương Chàm trong thời kỳ kĩ thuật còn sơ khai ấy vẫn chưa thể vượt qua định luật vật lý đơn giản: chỉ có thể đưa nước đến vùng thấp hơn hoặc ngang bằng mà thôi. Nhưng với người Chăm hôm nay, mọi chuyện đã khác! Họ đã có thể dẫn nước từ vùng thấp đến những nơi cao hơn. 


Hệ thống trị thủy nương theo dòng nước này có ý nghĩa trong đời sống văn hóa tâm linh và phát triển nông nghiệp

Nhìn tổng quát hệ thống thủy nông mà Ninh Thuận hiện có, rất dễ nhận thấy đây chính là một phức hợp hài hòa, hiệu quả đã được sản sinh từ trí tuệ của dân tộc Chăm, nối dài từ ngàn xưa cho đến hôm nay. Không chỉ còn lưu giữ trong đời sống văn hóa tâm linh, những công trình trị thủy mà người Chăm xưa để lại vẫn tiếp tục tồn tại như những chân lý khoa học vượt thời gian.

Sử cũ của người Chăm chép rằng, Vua Po Klong Garai chọn địa điểm xây đập chỉ bằng việc thả một bè cây chuối từ thượng nguồn đến khúc sông bè chuối trôi chậm lại và tấp vào bờ thì chọn nơi đó để xây đập. Vị vua Chăm anh minh khi xưa đã không chọn cách cưỡng lại dòng nước mà nương vào chỗ mềm, chỗ nhẹ của nước để xây đập. Nơi bè chuối tấp vào là nơi sông uống khúc, dòng chảy chậm và sức tàn phá của nước sẽ giảm đi, còn thân đập - những tảng đá xếp kề nhau vẫn tạo ra những khe hở để nước chảy qua và về xuôi, nên không bao giờ bị tích nước.

Có nghĩa là, cách đây gần 900 năm, những người xây đập không có ý muốn chặn đứng hoàn toàn dòng nước mà chỉ đắp đập để dâng cột nước đủ chảy về ruộng đồng. Dòng sông đến đây không bị bế tắc nên không gây sự tức nước dẫn đến sự tàn phá.

Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

8g ngày 30/10 - Phim tài liệu "Hành trình tương lai - Tây Nguyên - Tập 4 
8g ngày 31/10 - Phim tài liệu "Hành trình tương lai - Tây Nguyên" - Tập 5
8g ngày 1/11 - Phim tài liệu "Bốn con nhái biển"
8g ngày 2/11 - Phim tài liệu "Trả ơn cho đời"
8g ngày 3/11 - Phim tài liệu "Làng thêu Quất Động" - Tập 1
8g ngày 4/11 - Phim tài liệu "Làng thêu Quất Động" - Tập 2

Thiên Bình