Phim tài liệu: "Mẫu hệ Ê-đê - Tính bình đẳng giới"

Đa số các đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, trong đó có dân tộc Ê-đê. Trong xã hội theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ hôn nhân, điều hành, quản lý gia đình và tập tục này chính là sợi dây tạo nên hôn nhân bền vững, ấm êm, hạnh phúc.

Luật tục mẫu hệ là sợi dây tạo nên hôn nhân bền vững

Bộ phim tài liệu "Mẫu hệ Ê-đê - Tính bình đẳng giới" đã phát sóng tuần qua trên HTV9, trong chuỗi các bộ phim nói về người phụ nữ, nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam.

Hiện có khoảng gần 300.000 người Ê-đê. Họ có nền văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết riêng. Cùng với các dân tộc ít người khác ở Tây Nguyên, từ thuở xa xưa, luật tục mẫu hệ Ê-đê đã thể hiện rõ tính ưu việt của mình qua cách tổ chức, điều hành của hội đồng già làng, trưởng buôn.

Từ thuở chưa phát triển về kinh tế, chính sự công khai bình đẳng, dân chủ của từng thành viên cùng sự công bằng trong phân xử hay thưởng phạt của luật tục đã tạo nên sự gắn kết và bình an trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. 


Nhà gái có quyền chủ động tỏ tình và chuẩn bị lễ hỏi sang nhà trai

Điều này được thể hiện rất rõ trong tập tục cưới xin. Con gái Ê-đê có quyền chủ động tỏ tình và nhà gái sẽ chuẩn bị lễ hỏi sang nhà trai. Gia đình, dòng họ, chú bác cùng cô dì bên nhà gái sẽ làm một lễ đến nhà trai xin phép.

Vai trò của già làng và ông bà mai cũng tham gia ngay từ đầu câu chuyện tình cảm của đôi trẻ. Mọi việc trọng đại của hai họ sẽ được bàn bạc ở nhà trai, và nhà gái là bên chủ động cho việc tổ chức và thời gian cưới hỏi, họ hàng bên nhà gái cũng sẽ tư vấn, giúp đỡ cha mẹ cô dâu sắp xếp mọi việc. Nhà trai ngồi hướng Bắc, nhà gái ngồi hướng Nam, "trâu bò không ai ép thừng, con gái không ai ép duyên, tình yêu của đôi nam nữ là tự nguyện". 


Việc thách cưới và trả giá thách cưới được bàn ngay trong ngày đám hỏi

Song song với cuộc trò chuyện trên, lúc này tại nhà gái, công việc tiếp đón nhà trai đang được chuẩn bị. Một con heo chừng 50kg được làm thịt cho bữa tiệc, những món đặc trưng như: cháo bột gạo xay với thịt heo bằm cùng với canh cà đắng nấu với đậu và thịt heo là hai món không thể thiếu và đặc biệt chỉ có trong lễ cưới hoặc đính hôn của đồng bào Ê-đê.

Sau cuộc trò chuyện mở đầu, nhà trai và nhà gái sẽ tách riêng để bàn chuyện thách cưới. Họ không trao đổi trước mà cả hai họ thường sẽ bàn cụ thể trong ngày đám hỏi của các con. Tham gia họp bàn có cha mẹ, ông bà, cô chú bác trong dòng họ. Nếu nhà trai bàn chuyện thách cưới thì nhà gái cũng ra họp riêng để trả giá lại sự thách cưới của nhà trai. 


Trao vòng trước sự chứng kiến của dòng họ khi đôi bên chấp thuận 

Việc trả giá và phương cách thanh toán tùy theo khả năng kinh tế cũng như uy tín của mỗi dòng họ để quyết định. Sau khi thống nhất việc thách cưới, nhà trai chấp thuận thì sẽ cầm vòng làm chứng với sự chứng kiến của dòng họ hai bên.

Nhà gái mời nhà trai cần rượu đầu tiên và trao chăn cho nhà trai. Từ lúc này hai bên đã là sui gia, thời gian thử thách đôi trẻ sẽ từ 2 đến 3 năm mới tổ chức đám cưới. Đội hậu cần nhà gái cũng sẽ chuẩn bị những gói cơm gà cho nhà trai để tiễn chú rể về nhà gái. Đây được xem là bữa cơm cuối cha mẹ chàng trai cho con mình ăn với gia đình trên đường về nơi ở mới bên nhà gái. 


Ưu tiên trân trọng phụ nữ và trẻ em là một nghiêm luật

Ngoài ra, chú rể sẽ được cho một cây xà gạc, tượng trưng cho công cụ lao động cần thiết của đồng bào Ê-đê. Chú rể sẽ vác trên vai để đi về nhà gái. Quyền quyết định của phụ nữ là tối thượng, bắt đầu từ khi chàng trai về nhà cô gái. Mẹ cô dâu sẽ trao vòng cho đôi trẻ, hai bà mẹ cô dâu chú rể sẽ uống rượu cần trước, rồi đến ông bố, sau đó mới là chú bác cô dì của đôi bên.

Không chỉ trong hôn nhân, lễ Tết mà ngay trong sinh hoạt hàng ngày, ưu tiên trân trọng phụ nữ và trẻ em là một nghiêm luật được duy trì từ bao đời nay của đồng bào Ê-đê. Mẫu hệ truyền thống không những bảo vệ, tôn trọng truyền thống mà còn tránh những bạo lực gia đình hay ruồng bỏ vợ con. 

Con cái sinh ra sẽ theo họ mẹ, mọi nghi lễ đều ưu ái cho phụ nữ

Rượu cần và vòng tay sẽ bắt đầu cho lễ đính hôn của đôi vợ chồng trẻ, sau họ từ nhà trai về nhà gái. Lễ đính hôn sẽ diễn ra từ 1-4 ngày tùy tình trạng kinh tế của nhà gái. Thầy cúng rất quan trọng trong lễ đính hôn, sẽ là người cầu khẩn Giàng ban sức khỏe cho đôi trai gái và dòng họ.

Nếu trước đây, nhà trai nhà gái phải vượt núi, lội suối để đến nhà nhau thì giờ đây, đường bê-tông đã về đến buôn làng nên việc đi lại khá dễ dàng, thuận tiện. Những căn nhà dài của người Ê-đê bây giờ ở gần nhau hơn, hai gia đình nhờ đó cũng dễ dàng biết nhau, tình yêu đôi lứa cũng vì thế mà gần gũi. Con cái sinh ra theo họ mẹ, các nghi lễ ưu ái cho phụ nữ và đàn ông xem đó là thường tình. 


Hình ảnh mang tính biểu tượng sống động của tính nữ

Ngoài các nghi lễ, luật tục mẫu hệ còn in dấu trong nhịp sinh hoạt thường nhật, đơn cử như hình ảnh chiếc cầu thang vào nhà đồng bào Ê-đê. Trên cầu thang, ta thấy ngay đôi bầu sữa và hình trăng khuyết - những biểu tượng sống động của tính nữ.

Nhà dài như một tiếng chuông ngân của đồng bào Ê-đê, thực tế đây là nơi sinh sống của gia đình nhiều thế hệ, ông bà, cha mẹ, con cháu... Mỗi gia đình sẽ có một không gian riêng tư trong căn nhà dài đó.

Tuy nhiên, các dụng cụ trong nhà từ chén dĩa, chiêng trống, nồi đồng, ché rượu đều được xem là tài sản quý của dòng họ và gia đình, chính vì vậy mà các thành viên không thể tùy tiện đem bán hay cầm cố, trao đổi bất kì vật dụng gì trong căn nhà. 


Sau đám hỏi, đôi trẻ phải thử thách trong 2-3 năm trước lễ cưới 

Theo tục lệ của đồng bào Ê-đê, sau đám hỏi và lễ đính hôn, cô dâu phải về nhà chồng sống và làm việc trong thời gian từ 2 đến 3 năm, sau thời gian đó lễ cưới mới được tiến hành. Đây chính là thời gian thử thách đôi trẻ và sự báo hiếu cha mẹ hai bên, không những vậy thời gian còn thử thách tuổi xuân của cô gái, cô dâu trưởng thành hơn, sẵn sàng để lãnh đạo một gia đình mới.

Người Tây Nguyên xem hôn nhân là việc thiêng liêng, là nguồn gốc của mọi quan hệ xã hội và tiếp nối giống nòi, chính vì vậy tỉ lệ ly hôn rất thấp. Những yếu tố tích cực của văn hóa mẫu hệ ở Tây Nguyên sẽ tiếp tục là tiền đề xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

8g ngày 23/10 - Phim tài liệu "Hành trình tương lai - Miền Đông Nam bộ" - Tập 1
8g ngày 24/10 - Phim tài liệu "Hành trình tương lai - Miền Đông Nam bộ" - Tập 2
8g ngày 25/10 - Phim tài liệu "Hành trình tương lai - Miền Đông Nam bộ" - Tập 3
8g ngày 26/10 - Phim tài liệu "Hành trình tương lai - Tây Nguyên" - Tập 1
8g ngày 27/10 - Phim tài liệu "Hành trình tương lai - Tây Nguyên" - Tập 2
8g ngày 28/10 - Phim tài liệu "Hành trình tương lai - Tây Nguyên" - Tập 3

Thiên Bình