Phim tài liệu: Ký giả kịch trường Huỳnh Công Minh

Ký giả Huỳnh Công Minh lần đầu chọn in những bức ảnh tư liệu quý về thời hoàng kim của sân khấu cải lương và gửi Giáo sư Trần Văn Khê xem. Ông dòm cuốn sách quý giá và coi Huỳnh Công Minh là người duy nhất, không có người thứ hai có tư liệu này.

Suốt chiều dài thời hoàng kim của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ, vào thập niên 50-60 của thế kỷ XX, những vở tuồng đã định hình trong lòng người mộ điệu hơn nửa thế kỷ, tên tuổi và hình ảnh của những nghệ sĩ tài danh cùng từng khoảnh khắc sáng tạo của người nghệ sĩ trên sân khấu - tất cả đã được ống kính của ký giả kịch trường Huỳnh Công Minh ghi lại, tất cả đã được lưu giữ để sân khấu cải lương vang bóng một thời không bị vùi lấp bởi sự nghiệt ngã của dòng thời gian. 


Nhà báo - ký giả Huỳnh Công Minh

Chàng trai trẻ bén duyên với nghề chụp ảnh

Trên gương mặt hằn nếp thời gian của người một thời là ký giả kịch trường ẩn hiện chất lãng tử của những ngày tháng lang bạt, rày đây mai đó theo chân các đoàn hát, để rồi mỗi khi nghe ai đó gợi nhớ về thời hoàng kim của sân khấu cải lương, ký ức của thời trai trẻ lại ùa về.

Ông Huỳnh Công Minh sinh ra và lớn lên ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. 18 tuổi, Huỳnh Công Minh rời quê, lang thang ở Sài Gòn để kiếm sống và may mắn được người anh đồng hương là chủ tiệm ảnh Thanh Quang ở Sở Thú (nay là Thảo Cầm Viên Sài Gòn) nhận vào dạy nghề chụp ảnh dạo.  


Những ngày tháng chụp dạo cho ông nền tảng vững chắc cho công việc sau này

Sau đó, chàng trai trẻ Công Minh ngày ngày chụp hình ở Thảo Cầm Viên, đến tối lại đến các quán ăn để chụp dạo. Cũng nhờ đó, ông có cơ duyên gặp được vợ chồng nghệ sĩ Việt Hùng - Ngọc Nuôi và chụp hình cho họ.

Ký giả Huỳnh Công Minh kể lại: "Ngày hôm sau, rửa hình xong rồi mình đem lại và xin phép những người gác cửa để được vào sân khấu. Vô trong hội trường mới thấy một xã hội mới lạ mà hồi giờ mình chưa biết gì hết. Và khi thấy hát xướng như vậy mình mê vô cùng".

Không ngờ, lần đến rạp Thành Xương khi ấy lại là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc đời chàng trai chụp ảnh dạo Huỳnh Công Minh. Ông có dịp gặp gỡ nghệ sĩ nhiều hơn, và cơ may khiến ông bén duyên với nghề chụp ảnh sân khấu đã đến.


Ông Năm Nghĩa (tức Lư Hòa Nghĩa)

"Lân la trong đó thì mới gặp ông Lư Hòa Nghĩa (người sáng lập gánh hát nổi danh Thanh Minh) - cha của Bảo Quốc. Lúc này ông Năm Nghĩa đang hát, và hồi giờ ông chưa từng thấy người ta đem máy hình đèn bóng vô chụp.

Ông hỏi: "Chụp được không?", và tôi nói: "Được! Cải lương hát đủ tuồng hết, sao mình không có sáng kiến gắn ảnh trước rạp cho người ta coi, như xi-nê vậy đó". Ông lại hỏi: "Được không?", tôi đáp: "Được, tôi bảo đảm! Để tôi về rửa thử cho". Ai dè, lời đề nghị đầu tiên của mình đã thực sự có hiệu quả. Bao nhiêu đoàn hát sau này thấy nhờ Thanh Minh gắn hình, người ta đến xem đông mà họ tìm hiểu xem ông thợ chụp này là ai, và họ cũng muốn có cái hình gắn trước rạp như vậy". 


Ảnh được treo trước rạp để quảng cáo cho những vở đang được phát hành

Từ thợ ảnh trở thành ký giả kịch trường

Nhờ sáng kiến này, ông Huỳnh Công Minh trở thành người đầu tiên đưa poster nghệ sĩ mỗi đêm hát ra trước rạp. Khán giả nhìn thấy sẽ biết được nghệ sĩ mình yêu thích diễn tuồng gì, vai nào để mua vé xem. Từ đó, ông trở thành tay máy độc quyền cho khoảng 55 đoàn hát ở Sài Gòn và các tỉnh.

Khi đã phần nào khẳng định tên tuổi của mình với nghệ sĩ và là một phần không thể thiếu của các đoàn hát, may mắn một lần nữa đã mỉm cười với ông Huỳnh Công Minh. Ông được đứng vào hàng ngũ ký giả kịch trường của sân khấu cải lương. Ông Huỳnh Công Minh nhớ lại: "Chính nhờ cái mốc đó mà tôi dính líu với cải lương. Ông nhà báo Trần Tấn Quốc đã nói tôi rằng, trong những ngày rày đây mai đó theo các đoàn hát chụp hình, tôi lấy tin tức về viết cho báo kịch trường, ngày đó người ta gọi là thông tín viên kịch trường chứ không phải ký giả như bây giờ. 


Ông Huỳnh Công Minh có cơ duyên trở thành thông tín viên kịch trường

Ông Trần Tấn Quốc mở một mục gọi là "Những cuộc phỏng vấn nam nữ nghệ sĩ", và ông chỉ tôi cách phỏng vấn. Mình là người mới, không có nhiều kiến thức và trình độ uyên thâm, nhưng mà mình có trí nhớ, người ta nói tới đâu tôi viết tới đó, viết 7 - 8 kỳ. Tất cả các nghệ sĩ lớn tôi đều phỏng vấn qua, Nam Hùng, Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa, Bạch Tuyết...".

Trong ký ức của nhiều nghệ sĩ, ký giả Huỳnh Công Minh mang một vị trí đặc biệt. Nghệ sĩ Ngọc Đáng, Trưởng đoàn cải lương Ngọc Kiều, cho biết: "Ngày xưa, phải nói là đào - kép có lên hay không lên là nhờ một phần rất lớn của Huỳnh Công Minh, bởi vì ông là ký giả kịch trường. Ngày đó ai cũng thích ông hết và ông là người rất đàng hoàng". 


Những tấm ảnh quý giá là kỷ niệm, là hồi ức không thể nào quên

Hay nghệ sĩ Diệu Hiền khi được nhìn lại những bức hình kỷ niệm ngày xưa, đã xúc động chia sẻ: "Giá trị của những tấm ảnh, đó là những kỉ niệm mà mình không thể kiếm ở đâu được.

Nó quý lắm! Dù mình không kêu anh (Huỳnh Công Minh) xuống chụp, nhưng anh chụp hồi nào và ở đâu đó rồi bẵng đi mấy chục năm sau, anh đem tấm hình đó đưa lại cho mình: "Hiền, nhớ cái hình này tuồng nào không?". Bất ngờ, những kỉ niệm xa xưa dần nhớ lại, mấy chục năm rồi... Vui lắm, quý lắm, cứ lấy ảnh ra coi đi coi lại hoài".

Có thể nói, đó là niềm vui chung của tất cả nghệ sĩ cũng như những người góp phần làm rạng danh nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ. 


Ông Huỳnh Công Minh lưu giữ cẩn thận tất cả ảnh ông từng chụp

Người lưu giữ lịch sử hoàng kim của sân khấu cải lương

Thông qua hàng chục ngàn tấm phim ảnh này, người mộ điệu như đang được xem lại những trang sử ghi lại thành quả của thời kỳ trăm hoa đua nở, một minh chứng cho bước phát triển từ khốn khó đến hưng thịnh của sân khấu cải lương. Với kho tư liệu quý hiếm này, ông Huỳnh Công Minh được mệnh danh là người chép sử sân khấu cải lương bằng hình.

Mỗi bức ảnh mang đậm yếu tố tình huống trong mỗi vở tuồng cùng lời chú thích xác thực và một bản tóm tắt nội dung khiến người mộ điệu có cảm giác như đang xem vở tuồng mình yêu thích bằng hình ảnh. Giữ kĩ từng thước phim như là cách ông Huỳnh Công Minh trân trọng nghề. Có lẽ cũng vì thế mà hơn nửa thế kỷ trôi qua, kho tư liệu quý giá này vẫn còn nguyên vẹn.

Các tư liệu quý giá thời xưa đã được in thành tập sách "Vang bóng một thời"

Ông Huỳnh Công Minh chia sẻ: "Tại tôi đi chụp hình, rồi biết rửa phim, tráng phim. Tôi không phải mướn thợ rửa mà có thể tự làm, có thời gian để làm cẩn thận và chỉn chu nên chất lượng phim rất tốt. Mình chụp đoàn nào cũng được lưu trữ theo tên đoàn, có số thứ tự, có tên tuồng, tên soạn giả. Đi xứ nào cũng sắp theo một trật tự của mình.

Tất cả hình ảnh tư liệu ghi lại thời hoàng kim của sân khấu cải lương, về cuộc đời và những vai diễn nổi tiếng của các nghệ sĩ tài danh đã được ký giả Huỳnh Công Minh tập hợp, chọn lọc và in thành tập sách ảnh mang tên "Vang bóng một thời - Sân khấu cải lương Sài Gòn" gồm năm cuốn. Qua đó giúp người mộ điệu hôm nay được hiểu hơn về thời hoàng kim của sân khấu cải lương Nam bộ.

Năm 2009, ký giả Huỳnh Công Minh đã tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ 200 bức ảnh của Nữ hoàng sân khấu cải lương - cố Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga để thực hiện triển lãm mang tên "Nghệ sĩ Thanh Nga - Những vai diễn sân khấu tiêu biểu". 


Ông Huỳnh Công Minh tặng những tư liệu quý giá cho Bảo tàng Hồ Chí Minh

Có lẽ hơn ai hết, ký giả kịch trường Huỳnh Công Minh hiểu được giá trị quý hiếm của những thước phim mà ông đã kịp thời ghi lại khoảnh khắc sáng tạo của người nghệ sĩ trên sân khấu, ghi lại thời tuổi trẻ của những nhan sắc và tài danh, ghi lại những dấu ấn không phai trong lòng người hâm mộ, vì thế ông đã tặng di sản này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh gìn giữ như một chứng nhân của lịch sử sân khấu cải lương Nam bộ.

Người ký giả kịch trường một thời gắn bó, phiêu bạt cùng các đoàn hát các tỉnh thành giờ đã an nhà với tuổi xế chiều, thế nhưng mỗi khi nhắc đến sân khấu cải lương, lòng đầy trĩu nặng để rồi ông Huỳnh Công Minh vẫn luôn vững tin, trải qua trăm năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm dấu ấn của vùng đất phương Nam sẽ mãi trường tồn theo thời gian, bởi vẫn còn những người nghệ sĩ nỗ lực vì nghề, vì tinh hoa văn hóa của dân tộc. 

Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

15g ngày 4/12 - Phim tài liệu "Phim ảnh Tây Nam bộ" (Tập 1)
15g ngày 5/12 - Phim tài liệu "Phim ảnh Tây Nam bộ" (Tập 2)
15g ngày 6/12 - Phim tài liệu "Phim ảnh Tây Nam bộ" (Tập 3)
7g50g ngày 7/12 - Phim tài liệu "Suối nguồn"
22g15 ngày 8/12 - Phim tài liệu "Biển kể về một ngôi làng"
22g15 ngày 9/12 - Phim tài liệu "Nếu có ước mơ"

 
Thiên Bình