Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng nhận định: "Cao Triều Phát là một nhân sĩ, gọi như thế cũng được. Ông là một trí thức, cũng không sai. Ông là một nhà hoạt động lao động tên tuổi, đúng vậy. Ông là một nhà tôn giáo yêu nước, rất chính xác...".
Phim nói về nhân sĩ trí thức Việt Nam thời cận đại Cao Triều Phát
Cuối tuần qua trên sóng HTV9, phim tài liệu "Cao Triều Phát - Nghĩa khí Nam bộ" đã lên sóng với những thước phim giàu xúc động về cuộc đời của nhân sĩ Cao Triều Phát. Phim mở đầu đầy chất thơ với câu hát quen thuộc "Bạc Liêu là xứ quê mùa, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu"...
Những biến động của Trung Hoa sau cuộc chiến tranh nha phiến đã khiến nhiều người phải bỏ nước ra đi. Và một trong số đó có tổ tiên dòng họ Cao, trên đường lênh đênh ra biển trôi dạt về phương Nam, đã chọn Bạc Liêu là quê hương thứ hai. Bản tính cần cù, nhẫn nại, họ khai hoang mở đất, đào kênh đắp lộ, lần hồi tạo dựng được cơ ngơi khá đồ sộ ở mảnh đất còn hoang sơ, lắm thú dữ này.
Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước
Gia sản thuộc loại đại điền chủ đưa nhiều người họ Cao vào hàng thân hào địa phương. Hồ sơ lưu trữ của mật thám Nam kỳ cho biết, trong họ Cao có một người làm đến Đốc phủ sứ, nhưng bí mật ủng hộ tài chính cho tổ chức Việt Nam Quang phục Hội của Kỳ Ngoại hầu Cường Để và Phan Bội Châu. Đó là ông Cao Minh Thạnh, thân sinh ông Cao Triều Phát.
Như con cháu của nhiều đại địa chủ thời ấy, chàng công tử Bạc Liêu họ Cao được đưa lên Sài Gòn ăn học tại trường Chasseloup Laubat. Năm 1910, tốt nghiệp trung học, Cao Triều Phát chọn học ngành luật để có thể bênh vực người nghèo, người yếu thế.
Ông từng hiến 5.000ha ruộng đất cho chính quyền cách mạng
Cuộc chiến Pháp - Đức bùng nổ, mẫu quốc cần người để phục vụ guồng máy chiến tranh, là cơ hội xuất dương cho ông và cũng tại đây, khi chứng kiến sự khổ sở của lính Việt Nam trên đất Pháp, Cao Triều Phát hiểu mình phải làm gì.
Ngày 12/11/1926, Hội nghị thành lập Đông Dương Lao động Đảng được triệu tập tại Sài Gòn. Hội nghị nhận định Cao Triều Phát là người có tâm - chí và học thức, xứng đáng làm Chánh Đảng trưởng.
Là một người dấn thân trọn vẹn, khi chính quyền cách mạng cần tiền cần đất kiến quốc, Cao Triều Phát hiến 5.000ha ruộng đất, khi quân Pháp vừa quay trở lại, cách mạng cần người cầm quân kháng chiến, ông lập chiến khu ở vùng 4 Giá Rai - Bạc Liêu. Đây cũng là cái nôi của Minh Chơn Đạo, với hơn 4.000 dân xung quanh tòa thánh Ngọc Minh đều là đạo hữu.
Ông từng nói với các đạo hữu: "Bàn thờ tôn giáo thì có nhiều, nhưng bàn thờ tổ quốc thì chỉ có một thôi"
Tại đây, ngày 13/4/1946, Cao Triều Phát đã chỉ huy lực lượng của mình kháng cự cuộc càn quét của hai tiểu đoàn bộ binh Pháp có máy bay và pháo binh hỗ trợ. Nghĩa quân đã tiêu diệt hơn 100 giặc Pháp, trong đó có một đại úy. Tòa thánh Ngọc Minh bị phá hủy hoàn toàn.
Cao Triều Phát lui quân về Cái Nước để bảo tồn lực lượng. Các đạo hữu đến nay vẫn còn nhớ mãi câu Cao Triều Phát từng nói: "Bàn thờ tôn giáo thì có nhiều, nhưng bàn thờ tổ quốc thì chỉ có một thôi". Ông đã đi khắp nơi vận động đạo hữu gắn kết cùng nhau, giúp họ nhận thấy rõ bộ mặt thật của Pháp, cùng cách mạng đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Cao Triều Phát từng có cuộc trò chuyện đầy gần gũi và ấm áp với Bác Hồ
Tháng 9/1954, Sứ ủy và Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam bộ nhận chỉ thị của Hồ Chủ tịch đưa một số cán bộ chủ chốt ra Bắc, trong số đó có Cao Triều Phát. Đoàn được tổ chức đi bằng máy bay và những người con ưu tú của phương Nam đã có một cuộc hội ngộ đáng nhớ trên đất Bắc.
Tại đây, Cao Triều Phát đã rất bất ngờ khi được Bác Hồ đến thăm và có cuộc trò chuyện giản dị, gần gũi, ấm áp. Một tháng sau đó, Cao Triều Phát theo đoàn quân chiến thắng về giải phóng thủ đô Hà Nội, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa I, ông được bầu làm Ủy viên chính thức, Ban thường trực Quốc hội, có bao dự định bao nhiêu việc phải làm, mà đây chính là lúc bắt tay thực hiện.
Cao Triều Phát là một trong những chân dung nổi bật, đại diện cho kẻ sĩ Nam bộ
Nhưng những bệnh tật mang theo từ những ngày gian khổ ở chiến khu đã buộc trái tim ông ngừng đật vào chiều 9/9/1956. Ở tuổi 68 tuổi, cụ Cao Triều Phát đã ra đi nhưng cụ đã sống một đời rạng rỡ không dễ nhiều người có.
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng nhận định: "Cao Triều Phát là một nhân sĩ, gọi như thế cũng được. Ông là một trí thức cũng không sai. Ông là một nhà hoạt động lao động tên tuổi, đúng vậy. Ông là một nhà tôn giáo yêu nước, rất chính xác. Ông là một cán bộ cách mạng, hơn nữa là một Đảng viên Đảng Cộng sản, hoàn toàn đúng. Và càng đúng hơn, ông là một kẻ sĩ Nam bộ".
Trong tuần này, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.
8g ngày 2/10 - Phim tài liệu "Nghề gốm từ ngôi trường bá nghệ Biên Hòa"
8g ngày 3/10 - Phim tài liệu "Chuyển đổi số - Chìa khóa mở cửa tương lai" (Tập 1)
8g ngày 4/10 - Phim tài liệu "Chuyển đổi số - Chìa khóa mở cửa tương lai" (Tập 2)
8g ngày 5/10 - Phim tài liệu "Loan - Phượng hoàng tái sinh" (Tập 1)
8g ngày 6/10 - Phim tài liệu "Loan - Phượng hoàng tái sinh" (Tập 2)
8g ngày 7/10 - Phim tài liệu "Loan - Phượng hoàng tái sinh" (Tập 3) |
Thiên Bình