Ứng dụng công nghệ kĩ thuật số đã trở thành xu thế tất yếu của các bảo tàng trên thế giới. Hiện nay, các bảo tàng của Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy ấy và đang từng bước số hóa hiện vật, thông tin tư liệu để hình thành các bảo tàng thông minh.
Người xem quan sát được 360 độ của chiếc vòng hiện vật
Tuần qua, trên kênh HTV9, khán giả đã có dịp chứng kiến hành trình số hóa đầy ấn tượng của các bảo tàng Việt Nam qua những thước phim chân thực và sống động của bộ phim tài liệu "Bảo tàng thông minh".
Đọng lại trong lòng người xem hẳn là hình ảnh các hiện vật được đặt trong những không gian lịch sử, được thể hiện trọn vẹn với góc nhìn 360 độ, thấy rõ từng chi tiết. Không chỉ được "sờ chạm" hiện vật bằng những tương tác số, khách thưởng lãm còn có thể lắng nghe những thông tin văn hóa - lịch sử - địa lý... đi kèm với đó.
Để có được thành quả ấn tượng về không gian trưng bày 3D với đầy đủ hiện vật, các bảo tàng ở Việt Nam đã và đang không ngừng ứng dụng công nghệ kĩ thuật số và đổi mới phương thức tiếp cận đến du khách.
Bảo tàng thông minh giúp du khách chủ động hơn trong tiếp cận thông tin
Phim giới thiệu câu chuyện thực tế tại Bảo tàng TP.HCM, nơi quan khách có thể quét mã QR, sử dụng công nghệ thực tế ảo để vừa xem hiện vật vừa nghe thuyết trình các thông tin về hiện vật đó.
Cách thức này không chỉ tạo sự thuận tiện cho khách nước ngoài, giúp những người lớn tuổi không nhìn rõ chữ, các khách lẻ không theo đoàn thuyết trình chủ động tiếp cận thông tin, hình ảnh, mà còn đặc biệt giúp người trẻ - đối tượng khách hàng mục tiêu - gia tăng hiệu quả ghi nhận, xâu chuỗi thông tin và học tập hiệu quả hơn.
Bên cạnh đổi mới các phương thức hoạt động, ứng dụng thêm nhiều công nghệ để thu hút khách tham quan, các bảo tàng còn đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm của mình để quan khách có thể học hỏi những kiến thức mới.
Bước đầu tiên trong số hóa hiện vật là thu thập dữ liệu
Được biết, việc số hóa bảo tàng được tiến hành qua ba giai đoạn. Một là thu thập tư liệu, tiến hành số hóa các hiện vật và không gian trưng bày của bảo tàng bằng máy quét 3D, máy ảnh kĩ thuật số - tác nghiệp số hóa. Bước 2, các tư liệu trên sẽ được xử lý hậu kì thành không gian 3D dạng tĩnh. Và cuối cùng, bước 3 sẽ đưa thêm các chức năng tương tác, các nút chạm, các công nghệ để hoàn chỉnh và đưa sản phẩm lên Internet.
Việc chuyển đổi từ bảo tàng truyền thống sang bảo tàng số là một bước tiến để đi vào cuộc cách mạng trong ngành nói chung và mảng di tích cổ vật nói riêng. Giờ đây, bất kì ai ở đâu và trong thời gian nào cũng có thể tham quan bảo tàng số, chỉ với một đường dẫn. Các bảo tàng cũng ngày một trở nên hấp dẫn hơn, gần gũi hơn với công chúng.
Trong tuần này, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.
8g ngày 9/10 - Phim tài liệu "Quảng Ngãi ta về"
8g ngày 10/10 - Phim tài liệu "Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ"
8g ngày 11/10 - Phim tài liệu "Người Chăm với nguồn nước ngọt" (Tập 1)
8g ngày 12/10 - Phim tài liệu "Người Chăm với nguồn nước ngọt" (Tập 2)
8g ngày 13/10 - Phim tài liệu "Một đời nghĩa nặng tình sâu"
8g ngày 14/10 - Phim tài liệu "Người hiểu đất" |
Thiên Bình