“Du học” là con đường đúng đắn cho tất cả hay chỉ là một định kiến, rằng vượt khỏi ranh giới của nền giáo dục nước nhà thì có thể tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn, tiếp thu được nhiều kiến thức mới mẻ hơn?
Chàng sinh viên trẻ Phạm Hoàng Ân
Trên con đường học vấn, có không ít người đứng trước cánh cửa mang tên “du học”. Do sự kì vọng của cha mẹ hoặc do chính mong muốn của bản thân mà đa số sẽ chọn mở cánh cửa ấy ra. “Đi” là thoát khỏi sự bảo bọc, che chở của gia đình, học cách sống tự lập, là bước vào môi trường mới để giao lưu với bạn bè quốc tế, tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhìn thấy những gì tiến bộ của nước bạn để phát triển và hoàn thiện kỹ năng của mình. Nói cách khác, đi du học là một con đường tuyệt vời để trau dồi kiến thức và trở nên trưởng thành, chín chắn hơn.
Tuy nhiên, đó có phải là lựa chọn phù hợp cho tất cả mọi người, có phải ai cũng có thể tiếp tục bước đi trong một môi trường hoàn toàn xa lạ? Tự bỏ dở con đường du học tại Singapore, trở về làm sinh viên khoa Truyền thông của Đại học Hoa Sen, Phạm Hoàng Ân có đầy đủ trải nghiệm và lý luận để khẳng định con đường mình lựa chọn là đúng đắn.
Du học không phải con đường duy nhất
Đối với nhiều người, việc từ bỏ cơ hội học tập tại nước ngoài là một quyết định của sự lãng phí và không chín chắn. Nhưng đối với Ân, điều đó hoàn toàn trái ngược. Vào năm 18 tuổi, đứng trước ngã rẽ lớn của cuộc đời, được tuyển thẳng vào bốn trường đại học danh giá nhưng Ân quyết định chọn suất học bổng 75% tại Singapore với nhiều chương trình liên kết quốc tế. Lựa chọn này, lúc bấy giờ, có vẻ là tốt nhất đối với anh.
Học tập tại Singapore, kết quả của Ân luôn khả quan và đứng trong danh sách sinh viên xuất sắc của khoa. Vậy lý do gì lại khiến anh bỏ dở việc du học và quay về Việt Nam? Vào một lần tình cờ đọc được bài viết về kinh tế tại Việt Nam, Ân cảm thấy nó chẳng khác là bao so với những gì mình được học tại nước ngoài. “Lượng kiến thức thì cũng chỉ có chừng đó thôi, cái khác nhau là môi trường, mà môi trường thì Việt Nam cũng có” – Ân chia sẻ.
Thêm một yếu tố khác đó chính là khả năng kinh tế. Dù có học bổng, nhưng trong quá trình học tập và sinh sống có biết bao chi phí phát sinh khác: nào là phí sinh hoạt, nhà cửa, di chuyển,… và không phải ai cũng có khả năng chi trả hết những khoản tiền đắt đỏ ấy. Vì ở đâu cũng có thể học được, tại sao lại không quay về Việt Nam, vừa để tiết kiệm chi phí cho gia đình mà vẫn có thể nâng cao trình độ học vấn của mình?
Học tập là một quá trình
Kiến thức là kho báu tích lũy được sau quá trình tìm tòi, mò mẫm gian nan, cực khổ chứ không phải tự nhiên mà có. Từ lúc cấp 3, Ân đã liên tục tham gia nhiều cuộc thi, dấn thân vào nhiều cuộc đua để chứng tỏ bản thân mình. Là thí sinh “Đường lên đỉnh Olympia”, năm lớp 11 đạt giải Nhì cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, lớp 12 quay lại hướng dẫn cho các em và “ẵm về” thêm một giải Ba nữa. Và đương nhiên, thành công không phải một phép màu, nó chỉ xảy đến với những người thực sự cố gắng.
Theo lời chia sẻ của cô Minh Châu – cô giáo của Ân, vào một lần em đi trao đổi học sinh tại Úc năm tuần, lúc về nhập học chương trình chính khóa muộn hơn các bạn, ấy vậy mà điểm kiểm tra đầu tiên của Ân gần như là nhất lớp. Có thể nói, bản thân Ân đã là một sự khác biệt, mang trong mình nhiều hoài bão làm động lực để chủ động học tập, tự tìm đường chinh phục kiến thức.
Bước ra khỏi bậc thềm du học, Ân lại tiếp tục con đường khám phá. Anh tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, tổ chức nhiều sự kiện, thực tập tại các công ty khác nhau. Đồng thời, tập trung phát triển thêm sở thích, tài năng hùng biện của mình trong chương trình Én vàng học đường năm 2018. Chín tháng thật dài, nhưng nó chỉ là một đoạn thời gian ngắn ngủi để khám phá bản thân, tìm thấy điều mình thực sự muốn làm, muốn theo đuổi. Anh nhận ra mình rất thích truyền thông và quyết định tìm đến một cánh cửa mới.
Một bài toán có nhiều cách làm cũng giống như mỗi người có nhiều cách học khác nhau, hay như ông bà ta thường nói “Thua keo này ta bày keo khác”, thử đi thử lại, đương đầu với thử thách, cho đến khi nhận được tri thức mà mình mong muốn.
Én Bạc Phạm Hoàng Ân trong cuộc thi “Én vàng học đường 2018”
Chủ động thời điểm và cách thức để trưởng thành
Như đã nói ở trên, có biết bao con đường có thể giúp một người trưởng thành hơn, “du học” chỉ là một trong số đó. Ưu thế của tuổi trẻ là thử và trải nghiệm. Trên cơ sở nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, nắm chắc và phân tích được tiềm năng lẫn cơ hội, hiểu rõ được “điểm đứng” của mình trên con đường đi đến mục tiêu cuộc đời, bạn trẻ hoàn toàn có thể chủ động chọn cho mình thời điểm và cách thức để trưởng thành.
Đối với Ân, ngay từ khi còn nhỏ anh đã xác định nơi mình sinh sống, học tập và cống hiến là đất nước Việt Nam. Vì vậy, chàng sinh viên muốn xây dựng “môi trường phát triển” của mình với những người bạn, những mối quan hệ cộng đồng trong nước, làm nền tảng cho công việc và sự nghiệp tương lai. Còn môi trường quốc tế và những ưu việt của nó, theo Ân, cũng không khó để tiếp thu và học tập trong thế giới phẳng như hiện nay.
Đón xem “Khoảnh khắc cuộc đời” mùa 2, phát sóng lúc 22g45 hàng ngày trên HTV9.
Phạm Nhi