Ống kính sinh viên - Chuyện những nhà làm phim trẻ

"Ống kính sinh viên" phát sóng lúc 10g25 Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7 sẽ giới thiệu đến khán giả những tác phẩm đầu tay của những "nhà làm phim trẻ, các nhà sáng tạo trẻ", như NSND Đào Bá Sơn nhận định.


Phim tài liệu của sinh viên sẽ lên sóng HTV7 trong "Ống kính sinh viên"

Trong chương trình "Ống kính sinh viên", khán giả đã có dịp đồng hành với hai câu chuyện - "25 năm trả nghĩa đồng đội" và "Giữ: Cho chợ nổi không chìm" - trong nhiều tác phẩm của các sinh viên năm ba khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Được biết, những bộ phim này thuộc khuôn khổ Liên hoan Phim Tài liệu sinh viên lần 1 - năm 2024 của khoa Báo chí và Truyền thông (ĐH KHXH & NV TP.HCM). Đây là "quả ngọt" đầu tay của những tài năng trẻ đầy tâm huyết với nghề làm báo. Họ thuộc thế hệ sinh viên trẻ ngành báo chí, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau và có chung đam mê được kể chuyện bằng những khung hình.

Để hiểu thêm về những nhà làm phim trẻ cùng các tác phẩm đầu tay ấn tượng của họ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Nguyễn Thị Thu Phượng (2003), sinh viên năm 3 khoa Báo chí Truyền thông, trường ĐH KH XH & NV TP.HCM, Phó Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Phim Tài liệu sinh viên lần 1 - năm 2024.


Nhà báo Minh Diệu (áo hồng) cùng các thành viên đoàn làm phim "Nội Mai"

* "Ống kính sinh viên" sẽ giới thiệu đến khán giả những phim nào và cơ duyên kết nối các sinh viên với chương trình này?

Trong chương trình "Ống kính sinh viên" dịp này, nhóm sinh viên chúng em có may mắn được gửi tới khán giả tám bộ phim tài liệu: 25 năm trả nghĩa đồng đội; Giữ: Cho chợ nổi không chìm; Nội Mai; Trái tim người mẹ; Nhìn về Ba Chúc; Cuộc gọi 911; Người ươm mầm nơi bản xa; Dòng trôi.

Đây đều là những "đứa con tinh thần" đầu tay của các nhóm, được xuất phát từ môn học Phim tài liệu (do nhà báo/biên kịch Minh Diệu (HTV) và đạo diễn Vũ Tùng (Báo NLÐ) giảng dạy) của Khoa. Nhận thấy niềm đam mê và tâm huyết của sinh viên dành cho từng bộ phim, thầy cô đã quyết định tổ chức Liên hoan Phim Tài liệu sinh viên lần 1 và từ đây, chúng em có cơ duyên giới thiệu phim đến đông đảo khán giả qua "Ống kính sinh viên", phát sóng lúc 10g25 Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Bản thân em (Thu Phượng - pv) là biên kịch phim "Nhìn về Ba Chúc" - phát sóng ngày 25/8 sắp tới - thuộc Đoàn phim Bông Lúa Vàng, với 13 thành viên. Tất cả các bạn đều là sinh viên chung lớp Báo chí K21 Chính quy tập trung của khoa Báo chí và Truyền thông.


Ê-kíp thực hiện bộ phim "Nhìn về Ba Chúc"

* Chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi khi làm phim, từ lúc có ý tưởng đến khi có thành phẩm!

Mỗi một phim là một hành trình khác nhau với những đề tài, nhân vật, bối cảnh... khác nhau và vì thế, chúng em có những khó khăn riêng.

Từ việc di chuyển như có đoàn đi tỉnh toàn bằng xe máy để thu được chân thực những cung đường gập ghềnh, có đoàn ghi hình trên vùng sông nước lênh đênh, vừa quay vừa... thấp thỏm đến những lo lắng về chi phí đi lại suốt 2-3 tháng làm phim, với nguy cơ "bể" đề tài, với những ngày đoàn theo chân nhân vật từ 3-4 giờ sáng, những đêm không ngủ cùng nhau đảo kịch bản, hay xử lý những đường hình phát sinh...

Đó cũng là những ngày nhiều kỷ niệm nhất! Chúng em học được rất nhiều bài học về nghề, cảm nhận được rất nhiều tình yêu, sự hiếu khách của người dân địa phương. 


Cùng nhau thức khuya làm hậu kỳ

Giai đoạn hậu kỳ cũng thử thách chúng em rất nhiều, từ việc cùng nhau lọc tư liệu để dựng phim đến việc phải "cân đo đong đếm" để chọn lấy những chi tiết, sự kiện, câu chuyện... giúp bộ phim tròn trịa nhất với ý tưởng, mục đích ban đầu.

Đều là đoàn làm phim không chuyên, những ngày thâu đêm hậu kỳ đó thực sự có nhiều khó khăn nhưng bên cạnh chúng em luôn có các thầy cô hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc. Một điều quan trọng khác nữa giúp chúng em đi đến cùng được là tinh thần đoàn kết. Bởi vì chúng em có chung một đam mê, chung mong muốn tạo nên những sản phẩm tốt nhất nên dù có những tranh luận, cuối cùng chúng em vẫn ngồi lại san sẻ, hỗ trợ nhau tất cả các khâu vì thành phẩm cuối cùng.

Các bạn trẻ vận dụng kiến thức từ nhiều môn học khác nhau để làm phim

Trong quá trình làm phim, nhờ những kiến thức chuyên ngành báo chí đã được học, từ Kỹ năng quay và dựng hình, Phóng sự truyền hình, Đối thoại truyền hình, Tin & tường thuật… đến môn Phim Tài liệu, chúng em có nền tảng để vận dụng vào tư duy đề tài, xây dựng đề cương kịch bản, triển khai quay hình, chọn khung phỏng vấn, cắt phát biểu, dựng phim...

Từng môn học là từng lát cắt làm nghề, "đụng" tới đâu là chúng em nhớ lại được liền và áp dụng vào thực tiễn tác nghiệp. 


Đoàn làm phim "Trái tim người mẹ" cùng nhân vật tại Trà Vinh

* Chia sẻ về thời gian và các bối cảnh thực hiện phim? Phim được quay bằng những thiết bị gì?

Mỗi một bộ phim của sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông lại mang chứa một chặng hành trình khác nhau. "Nội Mai", "Cuộc gọi 911" được quay ở tại TP.HCM, các phim khác được thực hiện ở nhiều tỉnh thành.

Đoàn phim "Người ươm mầm nơi bản xa" quay ở Gia Lai; Đoàn phim "Dòng trôi" và "Giữ: Cho chợ nổi không chìm" ghi hình tại Cần Thơ; Trà Vinh có phim "Trái tim người mẹ"; An Giang có các phim "25 năm trả nghĩa đồng đội" và "Nhìn về Ba Chúc". Thường mỗi phim làm trong khoảng 2-3 tháng, nếu tính cả thời gian học môn Phim Tài liệu thì khoảng 4-5 tháng. 


Ê-kíp phim "Người ươm mầm nơi bản xa" tại Gia Lai

Mỗi một đoàn phim là một địa bàn, một bối cảnh khác nhau. Trong đó đoàn phim của em (Thu Phượng - pv) thì quay một nhân vật ngụ tại núi Tượng, An Giang, bối cảnh giữa núi rừng. Đoàn "Nội Mai" và "Cuộc gọi 911" thì theo chân Nội Mai và chị Ngân - các nhân vật trong phim trên khắp nẻo đường phố TP.HCM.

Đoàn "Giữ: Cho chợ nổi không chìm", "Dòng trôi" thì lênh đênh sông nước Cần Thơ cùng các thương hồ. Đoàn "Người ươm mầm nơi bản xa" thì tìm đến các trường học vùng sâu vùng xa ở Gia Lai, cheo leo dốc núi với sương mờ… Có đoàn thì quay chủ yếu vào buổi sáng đến chiều, nhưng cũng có đoàn theo chân nhân vật đến 3-4g sáng.


Mọi thiết bị quay đều được các nhà làm phim trẻ tận dụng

Vì là đoàn phim sinh viên nên chúng em tận dụng mọi thiết bị để thu hình, từ các loại máy ảnh, máy quay cầm tay cho đến flycam...

Em được biết có những đoàn phim có sẵn thiết bị, cũng có đoàn phải đi mua hoặc thuê. Để mà nói về độ "chịu chơi", về việc không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho đáng, các bạn đoàn phim luôn sẵn sàng, các bạn ngầu lắm! 


Thanh xuân rực rỡ và đầy ý nghĩa của các bạn trẻ khoa Báo chí Truyền thông 

* Thời gian tác nghiệp giúp các em có những bài học gì về nghề, về nhân sinh?

Để mà kể hết những bài học về nghề, về nhân sinh có được sau khi làm phim chắc phải cần một cuốn tiểu luận mất ạ (cười), vì thật lòng chúng em học được nhiều vô kể! Như trong quá trình thu hình, khi thấy quay sai, quay xấu là chúng em sẽ đảo lại bài học để ôn luyện.

Việc vừa học vừa làm, vừa thực hành quay hình, dựng hình giúp mỗi bạn trong từng khâu đều "lên tay" hẳn. Bài học lớn hơn nữa là việc dám quay sự thật để kể những câu chuyện không tô vẽ, không sắp xếp, để cho nhân vật, sự kiện, con người lúc đó được như nó vốn là. Chúng em học được đạo đức về nghề! 


Quá trình làm việc giúp các bạn trẻ học làm nghề, học làm người

Đi vào cuộc sống, chúng em học từ những vất vả và từ những hạnh phúc với nghề, để có được những thước phim đẹp, những câu chuyện cảm động, những nhân vật hay... Mỗi một lần phát hiện, thu hình, dựng hình được theo ý đồ… là mỗi một lần chúng em thấy rất đã! Khi làm được như ước nguyện ban đầu, làm được điều gì đó cho nhân vật, chúng em cảm thấy bản thân rất có lời!

Nghề báo cho chúng em cơ hội được quan sát và lắng nghe hơi thở cuộc sống, từ những người thật việc thật mà qua đó, chúng em học được nhiều bài học nhân sinh. Từ các cụ ông cụ bà, các cô chú anh chị gặp được trong quá trình làm phim, chúng em học và biết cách sẻ chia hơn, lắng nghe hơn, yêu thương hơn, biết sống đàng hoàng, tử tế hơn để xứng đáng với những câu chuyện được kể. 

Cô Bảy Đầm cũng các bạn trẻ đoàn làm phim "Nhìn về Ba Chúc"

Đó là những ngày rất đẹp, những ngày rất ý nghĩa! Bản thân em nhớ hoài kỉ niệm đoàn phim em ở lại nhà cô Bảy Đầm (nhân vật trong "Nhìn về Ba Chúc").

Đêm đó ngồi nghe cô kể nạn diệt chủng Pol Pot đã cướp mất người thân của cô như thế nào, nhóm em cầm máy mà nước mắt rơi lã chã, rồi không một ai động máy hay đổi góc máy… nữa hết. Lúc đó cầm máy thôi đã thấy nặng nề, đau đớn lắm, mỗi một cú động máy, một tiếng thở mạnh… chúng em đều thấy tàn nhẫn với nhân vật của mình.

Cô Bảy Đầm thương đoàn phim chúng em lắm! Cô chuẩn bị hai nồi cơm to cho cả đoàn hơn 10 thành viên rồi đợi chúng em lên nhà. Những ngày đó, em cảm nhận được rõ tình yêu thương của cả nhóm dành cho cô và sự quý mến, chăm sóc cô dành cho chúng em…

Những bài học về nghề, về cách làm người cũng từ đó được xây đắp. Chúng em hay nói với nhau rằng, chuyến xe từ điểm quay lại TP.HCM là chuyến xe dài nhất từng đi, vì không nỡ, vì những câu chuyện nhân vật gửi gắm trong chúng em quá nhiều cảm xúc! Chúng em dường như không còn là con người cũ mà đã biết yêu thương nhiều hơn, biết cảm thông hơn…

Ngày phát sóng các phim tài liệu trên "Ống kính sinh viên" - 10g25 Chủ nhật trên HTV7

 * 25 năm trả nghĩa đồng đội - 28/7
* Giữ: Cho chợ nổi không chìm - 4/8
* Nội Mai - 11/8
* Trái tim người mẹ - 18/8
* Nhìn về Ba Chúc - 25/8
* Cuộc gọi 911 - 1/9
* Người ươm mầm nơi bản xa - 8/9
* Dòng trôi - 15/9


Thiên Bình (Ảnh: NVCC)