XUÂN 2020 - TRUYỀN HÌNH THẾ GIỚI

Những xu hướng định hình nền công nghiệp truyền hình 2020

Hệ thống phân phối OTT ngày càng mở rộng; Sự hội tụ lớn của những công nghệ mới... đang tạo điều kiện cho truyền hình truyền thống chuyển đổi. Nhờ nắm bắt các xu hướng này, các nhà đài sẽ có cơ sở đề điều chỉnh chiến lược phát triển trong thời đại mới.


KHÁN GIẢ ĐANG THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?

Theo eMarketer, thời gian xem TV truyền thống đang giảm với tốc độ nhanh hơn so với dự đoán. Năm 2019, thời gian xem TV trung bình là 4g10’ mỗi ngày, đến năm 2021, con số này sẽ chỉ còn 3g37’. Năm 2019 còn chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thói quen của khán giả, với những bước nhảy vọt khi tiếp cận nội dung trên các kênh kỹ thuật số. Thế hệ trẻ đang xem nội dung TV trên các hình thức trực tuyến nhiều hơn hẳn TV truyền thống, qua các ứng dụng phát trực tuyến trên thiết bị di động. Trong khi đó, dựa vào số liệu của Nielsen, phần lớn khán giả thế hệ Y (thuộc độ tuổi 18 - 34, tức sinh trong khoảng đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) nhận tin tức của họ từ cả hai nguồn: TV và các nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, có tới 36% khán giả thế hệ Y chỉ nhận tin tức từ một nguồn duy nhất là nền tảng kỹ thuật số, trong khi con số nhận tin chỉ từ TV khiêm tốn hơn nhiều, chỉ chiếm 8% số khán giả này. 

Bên cạnh đó, những nội dung khác nhau sẽ được gợi ý khác nhau cho mỗi khán giả. Điều này xuất phát từ câu chuyện cá nhân hóa, người xem được trải nghiệm theo yêu cầu, dẫn đến việc phân phối nội dung theo từng cá nhân. Khán giả thế hệ mới còn có xu hướng binge watching - cách xem phim truyền hình mà khán giả có thể xem  từ 2 đến 3 tập liên tiếp, trong thời gian liên tục; họ cũng lựa chọn và yêu thích những nội dung có tính chất bản địa, vùng miền với độ chi tiết và thiết thực cao... Chúng ta đang chứng kiến một thế hệ khán giả có thói quen hoàn toàn khác biệt so với trước đó. Và để thích ứng với những thay đổi này, các nhà đài buộc phải chuyển đổi, để có thể trụ vững và phát triển. Việc xác định các xu hướng chính trong ngành sẽ giúp họ xác định được cách điều chỉnh chiến lược, xây dựng chiến thuật mới và làm thế nào để có những bước chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.

MỞ RỘNG HỆ THỐNG PHÂN PHỐI OTT

OTT (Over-The-Top - ứng dụng xem đa dạng các kiểu nội dung từ nhiều nhà sản xuất khác nhau trên nền tảng internet) đang trở thành “miếng bánh” gắn liền với tên tuổi của những “ông lớn” toàn cầu như: YouTube, Netflit, Amazon Prime, HULU, Now TV... và những tên tuổi nói riêng tại Việt Nam như: FPT play, Zing TV, BHD, Galaxy, K+... Dường như, đang có một “cuộc đua” trong việc cung cấp các sản phẩm OTT và những cái tên kể trên - dù ở sân chơi nào - cũng đang ở trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt, dù thị trường tiềm năng vẫn còn rất lớn. Tất nhiên, các đài truyền hình trên thế giới như: ABC News, New Channel 5, KBS... cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động của họ trên các hệ thống phân phối OTT. Tại Việt Nam, các đài truyền hình thương hiệu cũng đang chiếm một phần vị thế trong “cuộc chơi” này vì có sẵn nội dung tốt. Theo Unisphere Research, các dịch vụ truyền hình OTT ngày càng thu hút được nhiều thuê bao. Đơn cử như Netflix, năm 2015, họ chỉ có 17,4 triệu thuê bao. Nhưng con số này đã lên đến 75 triệu vào năm 2016, và năm 2018, số lượng thuê bao toàn cầu của Netflix đã lên đến 93,8 triệu. Hiện ước tính, Netflix có hơn 151 triệu thuê bao trả phí từ hơn 190 quốc gia. Tốc độ gia tăng chóng mặt này nói lên điều gì? 

OTT phát triển mạnh mẽ, trước hết vì nó đáp ứng được nhu cầu mới trong thời cuộc mới, của người xem. Khán giả được xem những gì họ muốn, nhờ dịch vụ VoD (Video on Demand - xem video theo yêu cầu) nổi bật của OTT. Hơn thế nữa, khán giả có thể xem mọi lúc, mọi nơi, không giới hạn số tập mỗi lần xem, không giới hạn thiết bị... Chưa kể, số tiền chi cho hoạt động quảng cáo cũng đang có sự dịch chuyển khi đổ vào truyền hình OTT ngày một tăng lên. Sự chuyển đổi của các nhà quảng cáo cho thấy họ đã nhận ra, OTT là một phương thức marketing hiệu quả. Truyền hình OTT là con đường buộc phải đi của các nhà đài, bởi như đã nói, thói quen người xem thay đổi, thói quen chi tiền của các nhà quảng cáo thay đổi... Các nhà đài buộc phải chuyển đổi là một chuyện, chuyển đổi thành công lại là chuyện khác. Bởi lẽ đang có một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt, khi trên thị trường nội địa không chỉ có dịch vụ truyền hình OTT của các doanh nghiệp trong nước (FPT, Zing...) mà còn có sự xuất hiện của những ông lớn toàn cầu, đáng kể có Netflix - đã có mặt tại Việt Nam từ 2016 - với không chỉ nội dung mà dịch vụ cũng vô cùng hấp dẫn. Để thành công trong công cuộc mở rộng phạm vi trên hệ thống OTT, các nhà đài phải làm gì?

CHẤT LƯỢNG NỘI DUNG VÀ TẬN DỤNG LỢI THẾ CÔNG NGHỆ

Khán giả đang ở trong một không gian nơi có sẵn rất nhiều tin tức, lại dễ dàng tiếp cận. Các nhà đài muốn giành được vị thế tốt phải có trong tay những nội dung chất lượng, được cung ứng một cách nhanh chóng, kịp thời. Như đã nói, khán giả ngày nay có xu hướng tiếp cận nội dung có tính chất bản địa, vùng miền với độ chi tiết và thiết thực, và câu chuyện của đài truyền hình là làm thế nào để tạo nên được những sản phẩm như thế và có kết nối tốt với khán giả. Chẳng hạn, việc dự báo thời tiết trong khoảng nhiều giờ, trên một khu vực rộng lớn đã không còn phù hợp. Và CBSN - dịch vụ tin tức phát trực tuyến 24g - đã có những thay đổi để nội dung giá trị hơn. Đơn cử như việc tận dụng công nghệ thời tiết, mô hình hóa chúng, cung cấp đúng từng điểm nhỏ mà người xem mong đợi. Một số nhà đài còn chắt lọc thông tin thời tiết một cách tường tận đến mức có thể trả lời câu hỏi: Tôi phải chạy điều hòa bao lâu trong những ngày tới? Cuối tuần có nhiều muỗi hay không? Sáng mai không khí có đủ trong lành để chạy bộ bên ngoài?...

Không chỉ giải bài toán về chất lượng nội dung, cách kết nối với khán giả, các nhà đài còn cần tận dụng những lợi thế to lớn do sự hội tụ lớn của những công nghệ mới mang lại: AI, thiết bị sản xuất, công nghệ phân phối... Trong giới hạn bài viết này, người viết chỉ đề cập qua AI (trí tuệ nhân tạo). Theo phân tích ở trên, các đài truyền hình buộc phải chuyển đổi, để chuyển đổi hiệu quả thì yếu tố nội dung vô cùng quan trọng. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh, các đài truyền hình không thể thuê thêm nhân lực để sản xuất nội dung, kết nối truyền hình truyền thống và truyền hình số. 

Vậy làm thế nào để các nhà đài có thể phục vụ tốt, với nguồn lực hạn chế? AI chính là câu trả lời. AI có thể đưa ra các nội dung tự động, mà khán giả không thể nhận ra chúng có sự can thiệp “máy móc”. Điều này xuất phát từ khả năng “đọc vị” được nhu cầu của người xem, từ đó biết họ yêu thích nội dung gì. Với AI, các nhà đài có thể dựa vào dữ liệu lớn (Big data) để phân loại khán giả vào các nhóm khác nhau, dựa trên thói quen sử dụng Internet của họ: lịch sử duyệt web trực tuyến, nội dung từng xem, thông tin nhân khẩu học... Từ đó tạo ra những sản phẩm phù hợp, đề xuất hợp lý đến từng khán giả khác nhau.

Thiên Bình