Ngoài những trò chơi như cà kheo, đua ghe, múa lân... hiện vẫn còn được tái hiện trong dịp Tết nguyên đán và xuất hiện trên truyền thông, nhiều trò chơi dân gian thú vị khác khi mùa xuân về hiện không còn tồn tại trong sinh hoạt của người Nam bộ hôm nay.
Cà kheo là hình thức trò chơi Tết cổ truyền còn được nhiều địa phương tái hiện lại trong các dịp vui xuân hiện nay
Lặn dài, lặn sâu, lặn lâu
Vùng Nam bộ vốn nhiều sông rạch, cù lao, bãi cát nên đa số người dân từ thời mở cõi đã giỏi nghề lội, bơi, chèo thuyền. Từ việc giỏi nghề dẫn đến các cuộc thi tài. Nghề đóng đăng, đóng đáy trên sông cần nhiều người lặn giỏi và từ đó, các cuộc thi lặn dịp Tết ra đời.
Có các kiểu thi: Lặn dài, lặn sâu, lặn lâu. Lặn dài lấy độ dài một khúc sông nào đó, ai lặn dài hơn sẽ thắng cuộc. Lặn lâu tính bằng thời gian. Những người dự thi cùng ngụp xuống nước, ai ngoi lên trước là thua cuộc; cũng có thể lần lượt từng người lặn, mỗi người ứng với một cây nhang đốt cháy, cây nhang nào cháy nhiều hơn người đó sẽ thắng cuộc. Khó nhất là thi lặn sâu. Mỗi người bám một cây sào dài, tụt xuống tận đáy sông nắm lên một nắm bùn (để chứng tỏ là lặn đến đáy) đo lại ngấn nước và độ dài của cây sào, biết ai là người lặn sâu hơn.
Dân đóng đăng quen lặn sâu, có khả năng lặn đến 25 mét nước, trường hợp lặn sâu ngang nhau, thước đo lại tính bằng thời gian xem ai lặn lâu hơn. Các cuộc thi lặn thường tự phát, không có luật lệ chặt chẽ, tính tổ chức không cao, thường là do ngẫu hứng trong sinh hoạt, vui chơi, nhưng rất hào hứng và sôi nổi trong đối tượng thanh niên vùng sông nước.
Bắt vịt
Bắt vịt cũng là trò chơi dân gian xuất phát từ vùng sông nước Nam bộ. Những ngày Tết, dân làng thường bày trò thả vịt để nhiều người bắt. Một khúc sông êm nước hoặc một ao hồ nào đó được chọn làm "sân chơi". Từng đợt vịt (mỗi đợt khoảng 5 - 10 con) được thả ra sông, hồ, ao. Sau hiệu lệnh bằng tiếng trống hoặc tiếng hô của chủ trò, các thanh niên nhảy ùm xuống nước, ra tài bơi, lặn đuổi bắt vịt, chỉ được bắt bằng tay, không được dùng dụng cụ gì khác. Vịt được thả là loại vật cỏ, vịt bầu rất giỏi bơi lội, việc bắt được vịt không phải là chuyện dễ.
Có rất nhiều cách chơi, mỗi cuộc thi được công bố qui ước riêng. Có khi vịt do các “mạnh thường quân" mua thả để các tay bơi đuổi bắt cho vui, lúc ấy, cuộc bơi lặn bắt vịt tự do, ai bắt được con nào được quyền sở hữu con ấy. Có khi, hội đình, hội làng xuất quỹ, đứng ra tổ chức cuộc thi; hoặc thi nhiều vòng chọn thứ hạng; hoặc chia nhóm để tranh tài tập thể. Có khi vật được sơn màu, đeo dây trên cổ, mỗi con vịt ấn định thứ hạng hoặc ý nghĩa riêng để người dự thi xác định mục tiêu đuổi bắt, phần thưởng là vịt bắt được hoặc miếng thịt cung đình; nhiều khi được dân làng thưởng tiền hoặc hiện vật tùy tâm.
Đua ghe là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng vẫn còn phổ biến ở Nam bộ trong các dịp tết lễ hiện nay
Thi ăn, uống
Ăn nhiều, uống nhiều được xem là biểu hiện của sức khỏe tốt, lao động giỏi. Người Nam bộ xưa hay đánh cuộc với nhau đọ sức ăn uống. Trong cùng một thời gian (hoặc không phân thời gian), ai ăn, uống nhanh, nhiều hơn sẽ thắng cuộc, sẽ được tiếng tăm về sức khỏe. Món ăn, uống đem thi tài là những món ăn thông thường, bất kể thức gì đang có, thường là những món khó ăn, uống được nhiều.
Đánh đu
Theo chân những người đi mở cõi, trò chơi đánh đu từ hơn hai trăm năm trước khá phổ biến ở vùng Đồng Nai - Gia Định, nhất là ở các thị tứ đông dân, trong dịp lễ Tết nguyên đán. Dân gian còn gọi là xích đu. Trịnh Hoài Đức cũng ghi chép trong sách “Gia Định Thành thông chí” khá chi tiết. Trụ của đu làm bằng cột tre già, bên trái và phải đều trông 3 cây một chỗ theo vòng tròn, ở giữa treo giá đu đưa qua lại; hai bên và trước sau chia thành 4 trụ tre cách rộng ra, đầu tre buộc túm lại thật chặt, một cây gỗ tròn gác ngang giữa, 2 ròng rọc được xâu tiếp liền với 2 cán tre dài gần đến đất (ước chừng vừa để người leo lên); đầu dưới 2 cán tre gác ngang một miếng ván làm chỗ đứng.
Người chơi đu leo đứng lên miếng ván, hai tay vịn 2 cán tre hai bên, uốn mình nhún xuống đứng lên để đu đưa qua lại. Người gan dạ và khỏe mạnh đu nhanh, mạnh, có thể đánh cao đến hết đà đu, Có khi treo thưởng bằng vật gì đó ở điểm cao; ai đánh đu đến điểm cao ấy, nhanh tay chộp lấy phần thưởng. Phần thưởng ít giá trị những niềm vui lớn vì được khẳng định là tay đu giỏi. Hai ba người có thể cùng đu một lượt, nhưng xưa, trai gái không đu chung.
Có kiểu đánh đu khác gọi là vân xa thu thiên, còn gọi là đu tiên. Hai trụ gỗ trống hai bên, một cái trục bằng gỗ xoay động được gác ngang, khoét lỗ bánh xe bằng vẫn luôn vô trục như bánh xe guống nước. Ngoài vành bánh xe có 8 ròng rọc bằng ván để làm chỗ ngồi; 8 phụ nữ trang sức đẹp đẽ, y phục lộng lẫy lên ngồi ở 8 miếng ván ấy. Đầu tiên nhờ người đẩy bánh xe quay tròn, tiếp theo mỗi người ngồi trên bánh xe khi lượt mình đến ngang mặt đất lấy chân đạp để có đà quay tiếp; đà quay càng nhanh càng vui, y phục phất phơ trông như tiên nữ bay múa du xuân, rất đẹp mắt.
Một trò đu khác gọi là đu rút; gồm 2 cây trụ tre hoặc gỗ trồng cứng, trên gác ngang một cây tròn, một sợi dây dẻo chắc vắt qua cây tròn ấy, một đầu dây buộc một cây ngắn, đầu kia thả thòng xuống. Người chơi đứng trên đoạn cây ngắn, nắm mối dây rút mạnh, nâng mình lên cao dần, rồi thả cho rơi xuống; cứ lên lên, xuống xuống, nhanh - chậm, cao - thấp tùy theo sức kéo thả.
Đu dàng xoay (xay) ít phổ biến hơn nhưng cũng là trò chơi vui thú thời xưa. Một trụ ngắn bề cao khoảng đến rốn, đầu trên chuốt nhọn như búp măng, dùng một thanh cây dài khoảng 2 sải tay, đường kính hơn một nắm tay, giữa khoét lỗ vừa khít ráp vào đầu trụ tạo cân bằng hai bên; hai trai tráng ngồi hai đầu cân nhau, dùng chân nảy lên, dùng lực đè xuống (như trò bập bênh) hoặc đạp chân cho xoay vòng, cốt để đối phương nghiêng ngửa; nhiều khi để tìm cách đoạt giải thưởng được đặt trong lỗ đào sẵn dưới đất. Trò chơi dễ gây té ngã, rất nguy hiểm nên không được khuyến khích.
Ngày nay, có nhiều hình thức vui xuân hiện đại, nhưng những nét đẹp truyền thống luôn được người dân Nam bộ coi trọng
Quá trình công nghiệp hóa cùng với sự du nhập các trò chơi, các môn thể thao hiện đại đã làm mai một những trò chơi dân gian này. Việc “phục dựng” các trò chơi ấy theo phong trào hay “sân khấu hóa” chưa thể là nỗ lực bảo vệ các giá trị cha ông. Các hình thức vui khỏe của người xưa, tinh thần thể thao của thế hệ trước chỉ có thể sống lại, tồn tại trong đời sống hôm nay từ chính những sinh hoạt cộng đồng thực sự...
Phú Trang