Điện toán đám mây (cloud computing) còn biết đến với tên gọi “Điện toán máy chủ ảo” phát triển khá mạnh trong hơn một thập niên qua đã tác động mạnh đến đời sống truyền thông thế hệ mới, trong đó, có sự thay đổi mô thức giáo dục.
Có thể hiểu một cách đơn giản: Điện toán đám mây là mô hình máy tính dựa trên nền tảng phát triển của internet. Tài nguyên, dữ liệu, phần mềm và các thông tin liên quan đều được chứa trên các server. Ứng dụng điện toán đám mây chính là những ứng dụng trực tuyến cực rẻ. Trong bối cảnh công nghệ ấy, những “ngôi trường số” ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành như một kênh giáo dục hiện đại.
Những “ngôi trường trên mây” luôn rộng mở cho mọi đối tượng cần học tập (không chỉ là học sinh, sinh viên chính quy). Đây là một môi trường mạng hữu ích cho các bạn trẻ
Giáo dục trực tuyến giờ đây không còn xa lạ trong đời sống giáo dục. Những năm qua, các cơ sở giáo dục và các nhà giáo tâm huyết đã bắt tay vào việc việc xây dựng website, ứng dụng trên thiết bị cầm tay, blog, trang mạng xã hội để chia sẻ kiến thức trao đổi với học sinh. Lúc ban đầu, đây chỉ là không gian dạy và học dành cho một nhóm nhất định và còn đơn giản. Về sau, do đặc điểm “vượt biên giới quốc gia” của không gian trực tuyến và do cơ chế tương tác mạnh, nhiều “ngôi trường ảo” với các tính năng giáo dục trực tuyến ra đời và đã trở thành sân chơi lớn thu hút các thành viên ở nhiều nơi.
Những “lớp học ảo” hấp dẫn
Khó có thể kể hết những “lớp học số” của Việt Nam đã xuất hiện trên mạng. Điểm qua một số địa chỉ “hot” trên mạng, có thể thấy, việc học trực tuyến (e-learning) ở tại Việt Nam cũng đã bắt đầu rầm rộ với các website như hocmai.vn, thaytro.vn, truongtructuyen.vn, vietnamlearning.vn, smartcom.vn, edu.goonline.vn…
Nhà giáo Nguyễn Đức Hiệp, giáo viên vật lý của trường song ngữ quốc tế Wellspring Sài Gòn, người từng xây dựng một website học vật lý trên mạng và được giải thưởng “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” của tạp chí E-chip cho biết: “Giáo dục trực tuyến có chi phí thấp mà hiệu quả cao. Chi phí mà học viên phải đăng ký cho một khóa học trên mạng rẻ hơn nhiều so với hình thức học truyền thống. Chưa kể đến việc tiết kiệm đáng kể chi phí đi lại, thời gian di chuyển. Học trực tuyến giúp học viên là cá nhân và công ty không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn đáp ứng đúng với nhu cầu của mình”.
Cũng theo nhà giáo Nguyễn Đức Hiệp, với việc học trực tuyến, người học có thể tự định hướng và tự điều chỉnh như có thể chọn khóa học, chọn giảng viên phù hợp đối với trình độ, sở thích, mục tiêu của bản thân. Người học có thể chủ động thời gian học do mình tự sắp xếp.
Ngày nay, không chỉ có các bạn học sinh, sinh viên mới coi internet là một kênh học tập, trao đổi, chia sẻ, tranh luận mà hầu hết các giới, đặc biệt là công chức, doanh nhân, nhà báo đã và đang học tiếng Anh, học kinh doanh, học nghề, học các kỹ năng khác… từ các “ngôi trường số”. Có thể nói, internet đã trở thành bà đỡ khá mát tay cho chủ trương xây dựng một xã hội học tập ở Việt Nam những năm qua.
Giao diện một trang web dạy học trực tuyến cho doanh nhân của Việt Nam
Mảnh đất mới vỡ hoang
Có thể xem giảng dạy và học tập qua mạng là mảnh đất vừa khai hoang rất màu mỡ. Thực thể giáo dục mới này vẫn đang chờ các nhà lý luận bắt tay vào tổng kết kinh nghiệm.
Đã có người nói đến tính đồng bộ, tính linh hoạt của học trực tuyến. Ví dụ giáo trình và tài liệu của các khóa học này có tính đồng bộ cao vì các hầu hết học trình cùng tài liệu được soạn thảo và đưa vào chương trình dạy được xem xét và đưa lên mạng từ ban đầu. Học viên không bị gò bó bởi thời gian và không gian lớp học. Dù đi công tác nước ngoài, đang ở trong rừng sâu, người học với một cái USB 3G vẫn có thể vào được lớp học “ảo”!
Thế mạnh lớn của học trực tuyến chính là khả năng tương tác và hợp tác với biên độ rộng. Người học có thể giao lưu và tương tác với nhiều người cùng lúc. Những người này có thể trải rộng trên khắp hành tinh. Người học cũng có thể hợp tác với bạn bè trong nhóm để thảo luận và làm bài tập thông qua forum, blog, mạng xã hội…
Học trực tuyến dễ tiếp cận và thuận tiện vì dựa trên nền internet. Một học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa, nếu tiếp cận được internet và trang bị những công cụ thích hợp vẫn có thể bình đẳng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với những học sinh khác trên khắp hành tinh này dễ dàng… Nhưng nói như vậy không có nghĩa là những ngôi trường số có thể thay thế được cách giảng dạy - học tập truyền thống.
Một ánh mắt của người thầy trong lớp học, một lời trách móc của giáo viên trong giảng đường có thể theo người học suốt đời. Với ngôi trường số, người học không thể giao tiếp trực tiếp với giáo viên. Biên độ tương tác rộng nhưng tính chất tương tác số thông qua các ký hiệu như văn bản, âm thanh, video clip có thể làm hạn chế sự tiếp nhận người học với giáo viên. Đa phần, việc giải đáp thắc mắc khó có thể diễn ra một cách tức thời như ở lớp học truyền thống. Ở những nơi đường truyền internet chậm, không ổn định, thông tin sẽ không đáp ứng được theo yêu cầu của người học, làm mất thời gian đối với người học, đặc biệt là khi xem hoặc tải các bài giảng dưới dạng video, tài liệu học có dung lượng lớn. Các hình thức thanh toán chi phí học tập online ở Việt Namvẫn còn hạn chế, chưa thông dụng…
Với thiết bị cầm tay như i-Phone, có khá nhiều ứng dụng học tiếng Anh có thể chat với người bản xứ và nghe phát âm chuẩn (hoàn toàn miễn phí) như HelloTalk, HiNative, Mindsnack, Busuu, Memrise…
Ước mơ về những ngôi trường số
Học tập qua internet giờ đây đã trở thành xu thế. Nhưng ở nước ta, kênh học hành này chưa thực sự phát triển mạnh và vai trò của nó trong việc dạy và học chưa được đánh giá đúng mức. Việc dạy - học qua internet đối với nhiều người vẫn chỉ là một kênh “phụ” bên cạnh việc các kênh “truyền thống”. Đôi chỗ, hình thức dạy và học này được xây dựng theo phong trào, không khai thác được các tiện ích trực tuyến, đặc biệt là khả năng tương tác nên hiệu quả không cao hoặc dẫn đến cách hiểu sai về một phương thức mới.
Người học ở Việt Nam còn có tâm lý trọng bằng cấp nên chưa muốn đến các “ngôi trường ảo” trừ những người hiện có nhu cầu trang bị kiến thức thực sự mà không có thời gian đi tới các lớp chính quy. Các hình thức học tiếng Anh hiện nay là một ví dụ. Cũng cần nói thêm: Hiện nay, những nhà giáo giỏi và những nhà cung cấp dịch vụ dạy học chưa thực sự gặp nhau trong nghiên cứu phát triển những “ngôi trường số” vốn cần hàng loạt những kiến thức liên ngành. Vì thế, ở Việt Nam hiện chưa cho một “ngôi trường số” phù hợp với tâm lý và nhu cầu nhiều đối tượng học viên và áp dụng công nghệ tiên tiến nhất trong đào tạo trực tuyến.
Nhưng, với sự phát triển của điện toán đám mây, rồi đây những ngôi trường trên mây - ngôi trường ảo - tiên tiến sẽ ra đời đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập của những người Việt Nam đang trên hải trình ra biển lớn hội nhập. Đó không còn là mơ ước mà những nỗ lực thời gian qua đã cho phép chúng ta có quyền tin tưởng.
Thuật ngữ “đám mây” (trong khái niệm điện toán đám mây) là lối nói ẩn dụ chỉ mạng Internet và như một liên tưởng về độ phức tạp của các cơ sở hạ tầng chứa trong nó. Ở mô hình điện toán này, mọi khả năng liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng các “dịch vụ”, cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó “trong đám mây” mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ đó, cũng như không cần quan tâm đến các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó.
Phan Văn Tú