Những nghệ sĩ tâm huyết làm đẹp cho đời

Thời gian như những trang giấy trắng, để ta có thể tự do viết lên nó câu chuyện của chính mình bằng những gam màu của sự sáng tạo và đam mê.


Nghệ nhân tạo hình từ vỏ trứng – thầy Nguyễn Thành Tâm

Như thầy Nguyễn Thành Tâm, một cựu nhà giáo, bén duyên với nghệ thuật làm đồ chơi từ vỏ trứng từ những năm 60 của cuộc đời, thầy thổi hồn vào những vỏ trứng vô tri vô giác, bằng tất cả tâm huyết và niềm yêu thích của mình, tạo nên những mô hình tinh xảo được mọi người công nhận.

Theo lời chia sẻ của thầy Tâm, trong khoảng thời gian còn dạy học, thầy cảm thấy trăn trở khi không tìm thấy chất liệu để minh hoạ cho những giờ đứng lớp. Sau khi thử sức với rất nhiều loại vật liệu khác nhau nhưng cuối cùng, những chiếc vỏ trứng lại có thể giúp đỡ công việc nhiều nhất. 

Ban đầu, những công trình của thầy chỉ đơn giản được dùng với mục đích giáo dục. Đến khi nhận được kỉ lục Việt Nam về việc tạo hình bằng vỏ trứng, thầy dấn thân nhiều hơn vào bộ môn nghệ thuật này, biến những đạo cụ giáo dục thành hàng hoá như nhân vật hoạt hình, những linh vật của các giải đấu lớn để phục vụ nhu cầu của cộng đồng.

Thầy luôn kiếm tìm những chất liệu sáng tạo mới. Từng chút một, kiên nhẫn, tỉ mỉ theo đuổi đam mê của mình. Từ những vỏ trứng mà người ta quăng vào sọt rác, thầy Tâm đem nó gần hơn với đại chúng, để xã hội công nhận môn nghệ thuật này và truyền cảm hứng cho những tâm hồn nghệ thuật còn đang ấp ủ ước mơ.


Công việc hằng ngày của thầy Tâm

Những nghệ sĩ qua quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật tạo nên những sản phẩm làm đẹp cho cuộc đời, nhưng đôi khi, công sức của họ chưa được công nhận. Anh Bảo Toàn – một chuyên gia hoá trang tạo hình nhân vật cũng có những trăn trở ấy mặc dù Toàn vẫn luôn yêu nghề, gắn bó với nghề bằng tất cả khả năng của mình.

Được biết, ban đầu anh theo học ngành trang điểm. Vào một lần, khi được làm chung vở diễn với thầy của mình, anh cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ khi ở cái tuổi mà người ta đáng ra phải nghỉ ngơi, bậc thầy hoá trang vẫn có thể giữ ngọn lửa đam mê và ngọn lửa ấy đã thắp sáng trái tim của anh. 

Đến năm 2006, anh quyết định theo học khoá đầu tiên của Việt Nam trong chuyên ngành hoá trang tạo hình nhân vật ở Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM, sau đó tham dự 2 năm tu nghiệp ở nước ngoài, người thanh niên trẻ trở thành một trong số ít những chuyên viên hoá trang được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.

Trở về nước nhưng loay hoay mãi chưa tìm được được chỗ đứng, anh dừng mọi hoạt động trong hai năm. Cho đến khi kinh tế gia đình khó khăn buộc anh phải đứng lên gánh vác, nghệ thuật hóa trang cũng được sống lại dưới bàn tay anh.  


Chuyên viên hoá trang Bảo Toàn đang tạo hình nhân vật

Dẫu luôn phiền lòng, rằng nghệ thuật hoá trang chưa được trọng dụng tại Việt Nam, cộng đồng hay nhầm lẫn ngành hoá trang với việc trang điểm, và thù lao của công việc chưa xứng với công sức của nghệ sĩ, Bảo Toàn vẫn luôn kiên trì, cố gắng hết sức để tạo ra những tác phẩm có hồn, sống động, thể hiện được những nét đặc trưng của nhân vật mà tác phẩm điện ảnh yêu cầu, để xứng danh một nghệ sĩ tạo hình của làng nghề nghệ thuật.

Vật liệu sáng tạo của người nghệ sĩ vô cùng đa dạng, mỗi người đều có cá tính riêng, cách làm riêng. Nhưng, đặc biệt hơn hết, hoạ sĩ Văn Y, bằng bảng màu của mình đã vẽ lên cuộc sống một bức tranh tràn đầy tiếng cười từ các em nhỏ bị khuyết tật. Từ một khoảnh khắc tình cờ, anh đã thêm những màu sắc vào thế giới của hơn 20 em học viên Câu lạc bộ âm thanh & hội hoạ, giúp đỡ các em không ngừng đến tận bây giờ.


Tác phẩm của một học viên khuyết tật

Kể về khoảnh khắc cuộc đời mình với nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân, một ngày nọ, khi đi dạo trong công viên, anh bắt gặp một nhóm các em nhỏ tật nguyền dưới cái nắng chói chang, đang cố gắng dành dụm từng tờ tiền từ những người qua đường. Nhìn thấy khuôn mặt ngây thơ của các em sớm phải dầm mưa dãi nắng, anh thấy xúc động vô cùng, muốn làm gì đó để giúp đỡ các em. “Có ai thích vẽ không?” câu hỏi vừa cất lên thì tức khắc mọi cánh tay đều giơ lên tăm tắp. Thế là từ ấy, người hoạ sĩ ngày đêm tận tuỵ hướng dẫn cho các em từ những điều cơ bản nhất.


Họa sĩ văn Y- một trái tim rộng mở

Họa sĩ mong muốn các em có thể tự do vẽ lên cảm xúc của mình tại xưởng vẽ nho nhỏ này, nâng cao sức sáng tạo đồng thời có những kĩ năng cần thiết để hoà nhập cuộc sống một cách tự tin. 

Theo như anh chia sẻ, số tiền tranh bán được sẽ có 25% để làm từ thiện, điều này gây nên rất nhiều khúc mắc trong lòng các em. Nhưng, vì trên đời còn có những số phận khó khăn, những mảnh đời cần được sự giúp đỡ, nên sự chia sẻ là điều cần thiết nên làm. Họa sĩ Văn Y không chỉ dạy cho các em một cái nghề, mà còn dạy cho các em một nhân cách cao đẹp. Ấy chính là cái tâm của một người nghệ sĩ chân chính.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22h45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi