Hát mãi ước mơ

Những khúc hát lan tỏa yêu thương

Tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau là một truyền thống đẹp trong văn hóa Việt. Nét đẹp đó một lần nữa được lan tỏa trong "Hát mãi ước mơ", với những khúc hát yêu thương và nhiều câu chuyện cảm động.

Tỏa sáng nhờ tình người ấm áp

Lên sóng tập đầu tiên vào ngày 26/4/2017, có thể nói, "Hát mãi ước mơ" là một trong những game show nhận được sự quan tâm nhiều nhất của khán giả bởi tính nhân văn và sự gần gữi, đời thường của nó. Cứ vào mỗi thứ tư hàng tuần, khán giả lại được chứng kiến những câu chuyện xúc động của các thí sinh đến từ mọi miền đất nước. Mỗi câu chuyện đều mang đến cho khán giả những bài học sâu sắc về sự tương thân tương ái, về tình người, mà dù thời gian có qua đi, những câu chuyện đó vẫn sẽ còn đọng mãi trong ký ức.



Khán giả Nguyễn Văn Tuấn, quận Tân Phú chia sẻ: "Những người chơi đến với chương trình chẳng cần màu mè, cũng chẳng chiêu trò gây chú ý. Những gì tôi thấy được ở họ là sự mộc mạc, chân thành và trên hết là tình người ấm áp. Họ đâu dư giả gì, bữa ăn hàng ngày còn đang chật vật nhưng vẫn biết quan tâm đến người khác. Những việc làm của họ tuy bình dị nhưng có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng".

Mỗi khi nhắc đến "Hát mãi ước mơ", có lẽ nhiều khán giả sẽ nhớ đến người đàn ông đi thi hát để chữa bệnh cho bạn, chưa kịp thi thì bạn mất, câu chuyện đã lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả. Hay câu chuyện về chú Dương Văn Gấm, 67 tuổi đến từ Vĩnh Long với ước mơ chữa bệnh tim cho em gái. Chú Gấm hàng ngày làm công quả ở chùa bữa kiếm bữa cơm chay qua ngày. Em gái của chú là cô Dương Thị Ngọc Phương, ngày ngày đẩy chiếc xe cũ đi bán xôi, vất vả là thế nhưng khi chiếc xe hư hỏng nặng, cô cũng chẳng có tiền sửa. Hoàn cảnh khốn khó là thế, nhưng trên sân khấu, chú Gấm vẫn chia sẻ một cách nhẹ nhàng, từ tốn khiến bất cứ ai nghe thấy cũng cảm thấy nhói lòng. 



Một câu chuyện khác cũng đã đưa người xem trải qua nhiều cung bậc cảm xúc là câu chuyện của cô Nguyễn Thị Mẫn – một người mẹ gần 70 tuổi bị khiếm thị, ngồi xe lăn thi hát với mong muốn kiếm tiền làm của hồi môn cho con gái. Tuy mù lòa nhưng cô vẫn không ngại khó, một thân một mình lên thành phố kiếm tiền gửi về quê nuôi con. Bất hạnh lại ập tới khi cách đây vài năm, một bên chân của cô bị hoại tử, phải cưa bỏ. Tuy nhiên, cô đến với Hát mãi ước mơ chẳng phải để hát kiếm tiền cho bản thân mà cô hát cho đứa con gái yêu thương. Tình cảm của hai mẹ con khiến mọi người ở trường quay rơi nước mắt. Và còn rất nhiều câu chuyện cảm động khác…

Tấm lòng người trong cuộc  

Điểm lại chặng đường đồng hành cùng chương trình Hát mãi ước mơ, MC Ốc Thanh Vân, giám khảo Cẩm Ly, Trấn Thành và các khách mời không ít lần rớt nước mắt giúp đỡ các trường hợp khó khăn. Giám khảo Cẩm cho rằng, qua chương trình này, cô có cơ hội nhìn lại nhiều điều trong cuộc sống. Cẩm Ly nhiều lần xúc động giúp đỡ các nhân vật như cô Thanh Lan -  với số tiền 5 triệu đồng giúp cô phẫu thuật lấy miếng sắt cố định ra. Hay tặng 10 triệu đồng cho chàng trai khiếm thị Nguyễn Văn Thọ, 24 tuổi để cải thiện cuộc sống.


Khi biết chú Dương Văn Gấm, 67 tuổi, hàng ngày đi chở thàng thuê với mức lương 50 nghìn đồng/ngày, chú đi thi hát để giúp cô em gái được mổ tim, Trấn Thành đã không ngần ngại tặng số tiền 14 triệu 400 ngàn đồng để cô chú có thể mua xe mới, phục vụ cho công việc mưu sinh. Hay ở tập 5, cô Nguyễn Thị Thanh Lan tuổi ngoài 60 vẫn hàng ngày lái xe ôm khắp mọi nẻo đường để nuôi 3 đứa cháu ăn học, căn nhà nhỏ dột chưa có điều kiện sửa sang, thậm chí miếng sắt cố định khi phẫu thuật khuỷu tay sau tai nạn xe cộ vẫn chưa được lấy ra. Cảm thương cho số phận người bà đến tuổi đó vẫn chưa được nghỉ ngơi, Trấn Thành tặng thêm cô 4 triệu 900 ngàn đồng để làm tròn số tiền thưởng của cô thành 20 triệu đồng. 


Bên cạnh đó, những giám khảo khách mời cũng nêu cao tinh thần "lá lành đùm lá rách", họ tham gia chương trình với mong muốn sẻ chia. Nghệ sĩ Cát Phượng đã tặng cô Nguyễn Thị Mẫn khiếm thị, ngồi xe lăn với số tiền 14 triệu 400 ngàn đồng. Cô ca sĩ có giọng hát ngọt ngào Bích Phương cũng không ngần ngại tặng 3 người chơi ở tập 12 mỗi người 5 triệu đồng. Ca sĩ Ngô Kiến Huy cùng Trấn Thành tặng chị Trương Thị Gấm tổng cộng 5 triệu đồng để chị Gấm chữa bệnh và mua xe đạp cho con gái. Ở tập cuối, ca sĩ Dương Triệu Vũ cũng rộng tay giúp đỡ chú Tăng Văn Mui với số tiền 20 triệu đồng. Ngoài ra, những khách mời khác như ca sĩ Bảo Anh vui vẻ tài trợ cho cô Nguyễn Thị Lan – người phụ nữ đã xa quê nhiều năm một vé máy bay khứ hồi về quê thăm cháu. Chưa kể đến rất nhiều Mạnh Thường Quân âm thầm giúp đỡ các nhân vật xuất hiện trong chương trình để họ vơi đi những khó khăn.



Có thể nói, sau "Hát mãi ước mơ", điều mà các giám khảo nhận được nhiều nhất chính là tình cảm của khán giả. Họ thấy được cái tâm của những người làm chương trình đối với các thí sinh. Cái họ mang theo chính là sự sẻ chia, sự đồng cảm, sự cảm thông khó có thể tìm thấy ở một chương trình nào khác.

Gần 4 tháng kể từ khi lên sóng, "Hát mãi ước mơ" đã tạo được hiệu ứng đáng mơ ước. Từ "cơn bão" chia sẻ từ mạng xã hội đến hàng trăm bình luận trên các trang báo, khán giả đều thể hiện sự đồng cảm, xót thương với những câu chuyện xuất hiện trong chương trình cũng như hạnh phúc vì những ước mơ nhỏ nhoi, giản đơn của những người chơi được trở thành hiện thực. Có thể nói, trong trái tim mỗi người, "Hát mãi ước mơ" đã không còn là một game show nữa, mà là một câu chuyện về tình người, với những thông điệp tuyệt vời về nghị lực và tình yêu thương.
Nguyễn Thảo