Sân khấu kịch và cải lương năm 2017 gặp nhiều khó khăn, số lượng các chương trình, vở diễn mới ngày một thưa dần người xem. Năm nào cũng vậy, kịch Tết trụ được qua tháng Giêng mới là điều mà người trong nghề xem là thước đo cho khả năng tái sản xuất sau việc đầu tư nặng vốn. Có thể nói, thực trạng sân khấu xã hội hóa năm 2017 vẫn bộn bề cần sự điều chỉnh.
Cải lương còn lắm gian nan
Trước thực tế này, nhiều nghệ sĩ tâm huyết cho rằng, thành phố thiếu sàn diễn đúng nghĩa là một thánh đường để diễn viên thỏa lòng sáng tạo. Chặng đường 12 năm phát triển của giải "Chuông vàng vọng cổ" (CVVC) do HTV tổ chức đã khẳng định giới trẻ quan tâm đến nghệ thuật cải lương chính là yêu thích hình thức biểu diễn mới, dung nạp nhiều sáng tạo qua từng chương trình biểu diễn được phát sóng trực tiếp. Nội lực của bài vọng cổ và phía sau nó là bề dày truyền thống của quá trình hình thành, phát triển nghệ thuật cải lương, đã là một kho tàng quý giá để cuộc thi khai thác. Tiềm năng kế tiếp chính là lực lượng thí sinh hùng hậu, bày tỏ niềm đam mê bài ca cổ để hành trình của cuộc thi luôn hướng về phía trước.
Các diễn viên trong vở nhạc kịch "Tiên Nga"
Theo NSƯT Ca Lê Hồng: “Qui tụ lực lượng hùng hậu là một việc cần thiết để cứu sàn diễn. HTV đã làm được việc này khi qua 12 năm tổ chức CVVC đã qui tụ nhiều ngôi sao sân khấu tham gia, hỗ trợ cho thí sinh. Từ đó, sau khi đoạt giải, họ vươn tới con đường chuyên nghiệp. Thông qua chương trình Ngân mãi chuông vàng, họ thêm một lần nữa có được cơ hội hóa thân, làm tốt vai trò sáng tạo”.
Với NSND - đạo diễn Huỳnh Nga, thì ông cho rằng, sân khấu gặp khó như hiện nay nghệ sĩ có lỗi rất lớn. Những năm qua, nhiều nghệ sĩ thiếu cơ sở học vấn, lại còn thiếu tâm huyết với nghề. Gameshow truyền hình tràn ngập diễn viên, khán giả có nhiều lựa chọn, nên họ không đến rạp. Tuy nhiên, từ cuộc thi CVVC, các thí sinh đoạt giải tham gia biểu diễn nhiều vở mới đã thu hút sự quan tâm của đông khán giả, đó là hiệu ứng từ một cuộc thi được đầu tư nghiêm túc.
NSND - đạo diễn Huỳnh Nga dẫn chứng: “Vở Bên cầu dệt lụa tôi dựng cho Thanh Minh, Thanh Nga, tập ròng rã mấy tháng trời. Bà bầu Thơ rất kỹ, nếu như chiều hôm trước nghệ sĩ tập sai, ngày hôm sau họ phải tập lại đến khi bà ưng ý mới thôi. Còn với đạo diễn, tôi chỉ yêu cầu nghệ sĩ diễn đúng khi tập, muốn sáng tạo gì thêm thì khi thăng hoa trên sàn diễn. Quá trình tập họ phải chịu khó tìm tòi, rèn luyện câu ca, lời thoại.Còn bây giờ, nếu nghệ sĩ tập sai thì khi lên sàn diễn vẫn thấy cái sai đó. Chưa kể, không ít người mải mê chạy show, ít chịu học tuồng, khi ra sân khấu thì một tai nghe nhắc tuồng, một tai nghe nhạc, thử hỏi, ca diễn như thế làm sao hay được”.
Còn một nguyên nhân khiến sàn diễn vắng khán giả là việc không tôn trọng hai người thầy, là thầy tuồng và thầy đờn.Ông chứng minh: “Trước đây, sàn diễn cải lương dù có rất nhiều ngôi sao, nhưng khi thầy tuồng viết kịch bản, giao vai diễn, thì nghệ sĩ không dám sửa. Bây giờ, nghệ sĩ sửa văn phong của thầy tuồng, tự ý viết thêm để ca hơi dài. Và ông thầy nhạc, thì cứ bị giảm quân, từ dàn nhạc cổ có 12 nhạc công, bị xuống còn 4, có khi còn xài đĩa thu nhạc sẵn, rồi ca theo, nhạc công thất nghiệp, làm sao gọi là chuẩn mực để ca diễn cho đúng, cho hay…”. Bên cạnh đó, theo NSND Thanh Hải, hiện nay những nhà quản lý gần như bất lực trước tình trạng chạy showcủa các nghệ sĩ ngôi sao. Khi làm việc, nếu không thể quản lý được con người – nhân tố sáng tạo chính, thì khó mà tạo nên những tác phẩm hay, thu hút khán giả.
Diễn viên Lê Khánh và Lê Phương trong vở "Tiên Nga"
Nói như tác giả Lê Duy Hạnh, với cải lương, thầy tuồng, thầy đờn như hai đôi bờ, còn nghệ sĩ là dòng chảy ở trong đó, cho nên rất cần thiết khôi phục lại tôn ti trật tự, tạo dựng lại hai đôi bờ vững chắc thì nghệ sĩ mới mong được xuôi dòng và ngược lại.
Cũng cần phải nhìn nhận, đã một thời gian dài, những người làm cải lương quên mất việc hoạch định chiến lược đào tạo đội ngũ kế thừa, từ tác giả, đạo diễn, cho đến diễn viên, nhạc sĩ – đàn. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã được TP.HCM chấp thuận cấp kinh phí để cùng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. HCM tổ chức khóa đào tạo, nhưng mới chỉ đào tạo diễn viên. NSND Thanh Hải chia sẻ: “Việc đào tạo đội ngũ kế thừa phải được làm đồng bộ và thường xuyên, nếu không mai này cải lương vẫn khó tránh khỏi tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.
Kịch nói, cần đổi mới tư duy
Sàn kịch nở ra rồi lại co cụm, việc này dẫn đến hậu quả khán giả quay lưng khi kịch bản không có gì mới. Năm qua thiếu nguồn kịch bản, nên một vài sàn diễn dựng lại vở cũ như sân khấu Hoàng Thái Thanh dựng vở "Chuyện tình Lan và Điệp", IDECAF dựng lại kịch "Tấm Cám", "Ngôi nhà không có đàn ông"…Tuy nhiên, đến gần cuối năm 2017, cú hích của nhạc kịch Tiên Nga (do NSƯT Thành Lộc dàn dựng) và Ngọc Lan trong gió (NSND Hồng Vân dàn dựng) đã phần nào bù đắp sự mong đợi của công chúng đối với tác phẩm đỉnh cao.
Theo NSƯT Trần Minh Ngọc, kịch nói năm 2018 phải tập trung vào sự ổn định nguồn diễn viên, việc chạy show quá mức khiến cho sàn diễn nguội lạnh, bởi họ quay về biểu diễn với tư thế mệt mỏi, “làm sao có được sự thăng hoa sáng tạo” – ông nhấn mạnh.
NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sân khấu cũng được xem là “thị trường” nên sự ăn khách được đặt lên hành đầu. Các sân khấu đua nhau dựng hài, chạy theo thị trường mà quên đi trách nhiệm của sân khấu là định hướng thẩm mĩ, giáo dục. Một khi các sân khấu không chăm chút cho mình những tác phẩm đỉnh cao thì hậu quả là đời sống sân khấu sản xuất ra quá nhiều kịch bản nhạt nhẽo, mất phương hướng.Tôi cho rằng, nếu vẫn xem sân khấu với những mô hình xã hội hoá là mẫu mực của sân khấu kịch thì sẽ khó có tác phẩm đỉnh cao trong năm 2018.Bởi, tư nhân bao giờ cũng đảm bảo lợi nhuận cho họ.Nhà nước phải nhìn thấy trách nhiệm trong việc đầu tư, bao cấp những tác phẩm sân khấu giá trị, mới mong có được những vở diễn để đời”.
Cảnh trong vở "Hồi xưa biển ngọt"
Về việc đào tạo nguồn diễn viên hiện nay, theo NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng: “Tôi cho rằng, không khí đào tạo diễn viên không như xưa. Các em đã quen với việc chạy sô, làm cách nào đó để mau nổi tiếng, kiếm tiền.Việc dàn dựng một tác phẩm ba tháng như thời chúng tôi, hoặc có khi 6 tháng đến một năm đã lạc hậu”.Nhìn chung, kịch bản ngày nay tập chỉ với một đến ba tuần là đã nghe các diễn viên kêu than. Mà một khi người làm sân khấu theo công nghệ với qui trình hàng hoá thị trường như thế thì không thể có tác phẩm đỉnh cao. Tiêu chuẩn một vở diễn trong năm 2018 không thể bị “đẻ non” mãi, không đủ độ chuẩn và mất dần tính chuyên nghiệp.
Thiết nghĩ sân khấu kịch 2018 nếu không có sự nghiên cứu để đẩy mạnh những tác phẩm có giá trị, thì sẽ chỉ là những vở diễn kém chất lượng, chính người làm nghệ tự hạ tính chuyên nghiệp của họ khiến sàn diễn lâm vào bế tắc. Thật vậy, trong những ngày đầu năm mới 2018, các ông bầu sân khấu không thể cứ tư duy theo kiểu nhận tác phẩm với tiêu chí cũ: phải có cười, đùa, hình sự, kinh dị, ma quỷ, đồng tính…mà phải hướng đến những giá trị nhân văn của con người.
Thanh Hiệp