Sau khi thanh toán lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến. Đây là những điều thí sinh cần làm để tránh xảy ra sai sót.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Nguồn ảnh: Trang Hà
Ngày 6/8 là hạn cuối cùng để thí sinh nộp lệ phí đăng ký xét tuyển trực tuyến. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ tổ chức lọc ảo 6 lần.
Điểm chuẩn các trường đại học sẽ được được công bố trước 17 giờ ngày 22/8. Từ 17 giờ ngày 22/8, các trường thông báo điểm chuẩn, danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Trước 17 giờ ngày 6/9, tất cả thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Nếu thí sinh không xác nhận nhập học sẽ phải đợi xét tuyển bổ sung vào các đợt xét tuyển tiếp theo của các trường đại học.
Đối với thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ ngày 5/7 đến 17 giờ ngày 15/8, thí sinh có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.
Từ ngày 7/9 và kéo dài tới tháng 12, các trường đại học xét tuyển bổ sung nếu thiếu chỉ tiêu.
So với năm 2022, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển là 1 tháng, năm 2023 rút ngắn chỉ còn trong 20 ngày. Ngoài ra, thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn 3 tuần so với mốc 17/9 và 30/9 của năm ngoái.
Mới đây, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trên cơ sở thuận lợi, thành công năm 2022, năm 2023, Bộ GD-ĐT không điều chỉnh cơ chế tuyển sinh mà chỉ sửa đổi một số phần kỹ thuật để thuận lợi hơn cho thí sinh.
Trong đó, có một số điểm mới quan trọng như đã tích hợp vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh thêm dữ liệu phục vụ xét tuyển, từ kết quả thi THPT cho đến kết quả học tập THPT, học bạ, dữ liệu thi, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học hay đại học quốc gia.
Thí sinh chỉ cần chọn ngành, chọn trường, còn việc xét theo nguyện vọng nào, phương thức nào thì phần mềm tự làm để tối ưu hoá, tìm ra tổ hợp nào tối ưu nhất cho thí sinh thì chọn.