Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn và những kỷ niệm làm phim về Bác Hồ (Phần 1)

24 năm làm việc ở Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV), rồi cả chục năm làm cộng tác viên sau khi về hưu, tôi đã có dịp tham gia vài đoàn làm phim về Bác Hồ. Giờ đây, đã ở tuổi 80, mỗi lần nghĩ lại lòng đều thấy bồi hồi.

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn (thứ 2 từ phải sang) cùng các thành viên trong đoàn làm phim về Bác Hồ

Trong suốt 45 năm tồn tại và phát triển, HTV đã đạt được không ít thành tựu rất đáng tự hào trong lĩnh vực làm phim tài liệu, trong đó có các phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với số lượng khá lớn, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm.

Phương châm làm phim về Bác của HTV rất rõ ràng: không thiên về ca ngợi, suy tôn, mà chủ yếu là thể hiện lòng mình, là bày tỏ tình cảm của hậu thế đối với Bác, trong đó có việc tìm hiểu kỹ thêm về cuộc đời, sự nghiệp và những bước thăng trầm trên con đường phụng sự dân tộc của Người, ở cả trong và ngoài nước.

Bản thân tôi được tham gia một số phim như: “Hành trình theo chân Bác”, “Bác Hồ sống mãi”… hoặc một số chương trình ca nhạc, trong đó có chương trình “Đất nước nghiêng mình” dài gần 2 giờ, được coi là thành công trước công chúng.


Lăng Bác phong phim tài liệu "Hồ Chí Minh - một hành trình". Ảnh: Lý Quang Trung

Người Việt Nam (có lẽ các dân tộc khác cũng thế) có một phẩm chất đáng quý, đáng kính, là luôn nặng lòng biết ơn đối với Tổ tiên, tiền bối, với những người có công với dân với nước, đặc biệt là trong sự nghiệp giữ gìn độc lập và giải phóng dân tộc.

Chúng ta là một dân tộc phong trần, một đất nước gian truân, đã nếm trải quá đủ điều cay đắng. Hạnh phúc và vinh quang mà chúng ta được hưởng là khi giành được tự do và độc lập giữa hai lần bị xâm lược, đô hộ. Hai lần vong quốc dài nhất tới một ngàn năm và một trăm năm, là những quãng đời trầm luân cay đắng nhất của lịch sử. Khát vọng khôi phục non sông, hưng thịnh dân tộc hoàn toàn tràn đầy huyết quản trong mọi thời đại, và là sức mạnh, là những đợt sóng ngầm âm ỉ không thể cản phá, chỉ chờ cơ hội để tràn bờ.

Nhân vật Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh góp mặt với đời đúng vào thời kỳ vận hạn lớn của đất nước, vì vậy khát vọng của Người cũng là khát vọng cháy bỏng, bức xúc nhất của dân tộc, của thời đại. Song song với điều vừa kể là một yếu tố song hành khác được coi là vô cùng quan trọng, là nguồn cảm hứng lớn cho những người làm phim. Đó chính là nhân cách lớn của Người: một vĩ nhân từ tâm, can đảm, sáng suốt, đầy nghị lực và ý chí. Trong lòng dân thì Người đúng nghĩa là một bậc đại trượng phu, một trang quân tử, một tấm lòng vàng. Các yếu tố vừa kể là những thuận lợi lớn cho người làm phim. Vấn đề còn lại chỉ là nghệ thuật và phương pháp khai thác. Đã có không ít tác phẩm điện ảnh của các đài truyền hình của Việt Nam thành công đáng kể. Nguyên nhân lớn nhất để đạt được hiệu quả chính là: phải rất thật với lòng mình, lòng dân, phải biết thả hồn theo cảm xúc một cách trí tuệ và phải thật trân trọng, chăm chút sản phẩm mà mình làm ra trước khi công chiếu. Nói vậy không có nghĩa các bộ phim, các chương trình về Bác mà chúng tôi làm đều là hoàn hảo, là chẳng có gì phải tiếc nuối. Mọi người luôn nghĩ rằng, hoàn toàn có thể làm tốt hơn ở những lần sau.

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đài (1975 – 2020) xin phép được kể lại đôi kỷ niệm về những chuyến đi làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiếc bàn sứt mẻ một góc

Khách sạn Omni Parker Houss là một nơi cực sang của thành phố Boston ở Đông Bắc nước Mỹ, cao cấp nhất vào đầu thế kỷ 20. Nơi đây, Tổng thống Kenedy đã có bài phát biểu đầu tiên, nhà văn Dickens đã từng ở đây 2 năm. Hiện đây vẫn là tòa nhà nổi tiếng thế giới với giá phòng cao tới 4.000 USD/đêm.

Bác Hồ đã từng làm bánh kem tại đây – loại bánh mà phu nhân tổng thống Roosevelt rất thích. Rất nhiều hình ảnh các nhân vật cự phách thượng đỉnh của nước Mỹ và thế giới đã tới đây. Tại phòng làm bánh tầng hầm có một chiếc bàn đá làm bánh rất cổ, sứt mẻ một miếng ở góc. Chị Trần Xuân Tươi, người Việt làm tại đây đã 10 năm nói rằng họ không có ý định hàn gắn góc bàn bể, bởi đó là hình ảnh cuối cùng mà Bác Hồ từng nhìn khi làm thợ bánh trước lúc rời Boston ra đi. Giờ đây nó đã trở thành hình bóng kỷ vật thiên thu của ký ức.

Đi tìm ngõ Conpoint

Địa danh Conpoint ở Paris có tới ba nơi, đó là Rue Angélique Conpoint, Nicen Conpoint và Vila Conpoint nên đi tìm rất vất vả. Hôm đó trời mưa rất lớn, tầm tã suốt buổi chiều, chiếc xe chở nhóm làm phim lao đi trong trận mưa khủng khiếp. Xe vượt sông Seine hàng chục lần trong màn nước dày đặc. Hình ảnh sông nước, những cây cầu, các lâu đài, cung điện, bảo tàng, cột tháp, nhà thờ, quảng trường lờ mờ như ảo ảnh. Chưa bao giờ chúng tôi được ngắm Paris đẹp và u huyền như thế, một kỷ niệm tình cờ để đời gắn liền với việc tìm kiếm ngõ Conpoint – nơi cư trú của Bác từ năm 1921 đến 1923.

Tòa nhà xưa tất nhiên đã có chủ mới, với bảng chữ “Nơi từng ở của người chiến sĩ vì độc lập tự do cho Việt Nam và các dân tộc bị áp bức từ 1921 – 1923. Người là Nguyễn Ái Quốc, còn được gọi là Hồ Chí Minh”. Đây là một con hẻm lớn, u tịch, nhà cửa hơi cổ, vắng tanh, là dấu ấn không phai mờ trong một khung cảnh chiều tà, cô tịch, sau trận mưa như trút nước phủ kín kinh thành Pháp quốc, một ngày cuối thu 2008, trên đường đi tìm dấu tích xa xưa của một vĩ nhân.

(còn tiếp)

Trần Đức Tuấn