Người dân Đông Nam Á ngày càng chuộng học tiếng Đức

11/1/2024, 20:11

Tiếng Đức ngày càng được quan tâm trên khắp Đông Nam Á, trong bối cảnh chính phủ Đức tăng nhu cầu với lao động lành nghề trong khu vực để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của nước này.

Viện phó Viện Goethe tại Thành phố Hồ Chí Minh Arik Jahn chia sẻ với kênh DW (Đức) rằng đam mê học tiếng Đức đã tăng vọt ở Việt Nam. Số lượng người dự thi tiếng Đức tại Viện Goethe Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng hơn 150% kể từ năm 2019 và có thể sớm tăng gấp ba lần.

Đức đang rơi vào tình cảnh thiếu hụt lao động và cần thêm khoảng 150.000 y tá. Theo kế hoạch mới, Đức thúc đẩy tuyển dụng nhiều hơn từ Việt Nam, Indonesia và Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ước tính có khoảng 14.000 người ở Việt Nam đang học tiếng Đức, ở Malaysia là 15.000 người và Thái Lan là hơn 17.000 người.

Người dân Đông Nam Á ngày càng chuộng học tiếng Đức

Người phát ngôn này xác nhận với DW: “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Đức ở nước ngoài từ lâu đã là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Berlin về lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Bằng cách thúc đẩy việc học tiếng Đức, sinh viên ngôn ngữ sẽ hiểu biết hơn về nước Đức, con người và văn hóa nước này. Nhưng chúng tôi cũng mang đến cơ hội tiếp cận nền kinh tế lớn nhất châu Âu với các trường đại học xuất sắc và mạng lưới khoa học, học thuật tiên tiến”.

Tháng 8/2023, Bộ Giáo dục Singapore đã thí điểm chương trình cho 120 học sinh từ 21 trường trung học cơ sở học tiếng Pháp hoặc tiếng Đức như ngôn ngữ thứ ba. Hơn 1.500 học sinh đăng ký tham gia thí điểm chương trình này. Bộ Giáo dục Singapore cho biết họ sẽ tăng số lượng trong đợt tuyển sinh năm 2024.

Lý do chính khiến người dân Đông Nam Á muốn học tiếng Đức dường như là vì cơ hội việc làm. Ông Arik Jahn thuộc Viện Goethe Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Sự gia tăng quan tâm này được thúc đẩy bởi Đạo luật nhập cư mới dành cho người lao động có tay nghề của Đức”. Đức thông qua đạo luật này vào tháng 11/2023 với nội dung hạ các rào cản gia nhập đối với người lao động có tay nghề từ bên ngoài EU. Những thay đổi này loại bỏ hoặc giảm yêu cầu về tiếng Đức mặc dù những người muốn thị thực ở trong thời gian dài vẫn cần chứng chỉ nâng cao về tiếng Đức.

Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil vào đầu năm 2023 cho biết rằng đến năm 2035, nước này sẽ thiếu khoảng 7 triệu lao động nếu không hành động để tăng tỷ lệ di cư. Ông Jahn nhận định: “Mọi người thấy rằng cơ hội tham gia thị trường lao động Đức của họ cao hơn bao giờ hết và việc có kiến thức tốt về tiếng Đức là chìa khóa cho triển vọng dài hạn ở đất nước này”.

Người dân Đông Nam Á ngày càng chuộng học tiếng Đức. Nguồn ảnh: Bp.Guide

Ngoài ra, nước Áo vốn sử dụng tiếng Đức cũng đang cần tuyển dụng rất nhiều y tá và điều dưỡng khác từ châu Á, đặc biệt là Philippines. Trong một kế hoạch do chính phủ tài trợ, những y tá người Philippines sẽ được Áo trả tiền để học tiếng Đức khi họ đến nước này, với kỳ vọng họ sẽ làm việc ở đó trong vài năm.

Vào tháng 9/2023, Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) đã báo cáo rằng hơn 370.000 sinh viên trao đổi quốc tế đã theo học tại các trường đại học Đức trong học kỳ mùa Đông vừa qua, kỷ lục mới đối với quốc gia này và đưa Đức đứng thứ ba trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Điều quan trọng là một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy Đức và Canada là những quốc gia giữ chân sinh viên quốc tế tốt nhất sau khi kết thúc chương trình học, với hơn 60% sinh viên nhận được thị thực du học vào năm 2015 vẫn còn ở Đức vào năm 2020.

Nguồn: Báo Tin tức

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chuyển đổi công nghiệp không còn là một sự lựa chọn, mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với các nền kinh tế.
(HTV) - Hàng ngàn người đã đổ về thành phố Munich của Đức vào 21/9 để tham dự lễ hội Oktoberfest, sự kiện lớn nhất trong năm của những người yêu thích món bia.
(HTV) - Liên quan cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, các điểm bỏ phiếu tại 3 bang của Mỹ gồm Virginia, Minnesota và South Dakota đã mở cửa vào ngày 20/9 theo giờ địa phương, cho phép các cử tri bỏ phiếu sớm gần 7 tuần.
(HTV) - Ngày 21/9, Nhật Bản sơ tán hàng chục ngàn người dân tỉnh Ishikawa do mưa lũ khiến nước 12 con sông tràn bờ. Trong khi đó mưa lớn cũng gây thiệt hại tại nước láng giềng Hàn Quốc.
Quá trình trục vớt phương tiện rơi xuống sông Hồng trong vụ sập cầu Phong Châu, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ phát hiện 01 thi thể trong cabin xe đầu kéo.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, bão số 3 đã khiến 329 người chết, mất tích; tổng thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hơn 32.787 tỉ đồng.
Tâm bão đi thẳng vào vùng biển và đất liền tỉnh Quảng Ninh, do đó dù đã nắm bắt và chủ động ứng phó song địa phương vẫn phải hứng chịu thiệt hại rất nặng nề, bằng 1/2 thiệt hại của cả nước.