Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận, trong đó đề xuất bổ sung ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7 là ngày nghỉ lễ đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung nghỉ lễ dịp 27/7
Đề xuất nghỉ lễ "ngày tri ân" 27/7, đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đây là ngày để tưởng nhớ những người có công với đất nước. Mặt khác, số ngày nghỉ lễ ở Việt Nam còn đang thấp hơn so với nhiều nước. Khoảng thời gian từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 đến 2/9 tương đối dài nên bộ này đã chọn ngày 27/7.
Tại diễn đàn Quốc hội cũng như tổng hợp từ các nguồn truyền thông, báo chí, đang nổi lên hai luồng ý kiến trái ngược nhau về đề xuất này của Bộ LĐ-TB&XH. Luồng ý kiến đồng tình với quan điểm này, cho rằng: Khi bổ sung ngày nghỉ 27/7, mục đích là giúp nhân dân có một ngày nghỉ, có thời gian thực hiện những hoạt động tri ân người có công với cách mạng, với đất nước và từ đây có thể lan tỏa việc tri ân tổ tiên, cha mẹ trong toàn xã hội.
Ngày 27/7 hàng năm là ngày Thương binh - Liệt sĩ
Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh với hàng triệu người con hy sinh, nhiều người còn đang mang thương tật, ngày 27/7 đã trở thành biểu tượng văn hóa về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Nhiều nước cũng cho người dân nghỉ một ngày để tưởng niệm những người hy sinh cho tổ quốc với phương châm tưởng nhớ, đoàn kết và khoan dung. Điều đó cho thấy đề xuất của dự thảo Bộ luật lao động là phù hợp, mang ý nghĩa nhân văn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, số ngày nghỉ lễ, tết mỗi năm của người lao động Việt Nam hiện chỉ là 10, thấp hơn các quốc gia trong khu vực, như: Campuchia 28 ngày, Brunei 15 ngày, Indonesia 16 ngày, Malaysia 12 ngày, Myanma 14 ngày... Việc bổ sung ngày nghỉ lễ để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Số ngày nghỉ lễ của một số quốc gia trên thế giới cao hơn so với Việt Nam
Việc chọn ngày 27/7 nghỉ lễ cũng là tương đồng với cách lựa chọn ngày nghỉ lễ của nhiều quốc gia. Chẳng hạn như Canada, Pháp chọn ngày 11/11 hằng năm để tưởng niệm tất cả những người hy sinh vì tổ quốc với phương châm tưởng nhớ, đoàn kết và khoan dung. Mỹ chọn ngày thứ hai cuối cùng của tháng 5 là ngày tưởng niệm liệt sĩ. Nga chọn ngày 9/5 là ngày nghỉ lễ mừng chiến thắng phát xít Đức, trong lễ mừng có tưởng nhớ đến những người hy sinh. Hàn Quốc từ năm 1956 chọn ngày 6/6 là ngày tưởng niệm những người lính Hàn Quốc đã hy sinh. Indonesia chọn ngày 10/11 là ngày anh hùng...
Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến ủng hộ việc nên tăng thêm một ngày nghỉ lễ cho người lao động, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, cho rằng, việc nghỉ lễ dài, nhiều ngày sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Muốn nghỉ nhiều hay ít ngày còn phụ thuộc vào nền tảng kinh tế - xã hội của mỗi nước. Các nước họ có thể làm 40-45 giờ/tuần (ta làm 48 giờ/tuần) nhưng năng suất của họ cao. Khả năng kinh tế của họ mạnh rồi thì việc họ làm ít hơn, nghỉ nhiều hơn cũng là hợp lý. Với Việt Nam hiện nay, khi năng suất lao động chưa bằng các nước khác thì việc thêm một ngày nghỉ nên lùi lại một thời gian. Cần tính toán thêm, bởi số lượng ngày nghỉ của chúng ta tùy thuộc vào góc độ quan điểm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Việc nghỉ đó phải cân nhắc đến việc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, bởi nếu phân phối nghỉ không hợp lý sẽ tạo ra tâm lý không tốt...
Đoàn đại biểu TP. HCM do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM (Đồi không tên, quận 9) vào ngày 27/7/2018 (Ảnh: NLĐ)
Những quan điểm trên đây, tuy còn trái chiều, nhưng nhìn chung, đa số các ý kiến cho rằng, nên tăng thêm thời gian nghỉ, nhằm tái tạo sức lao động cho người lao động, đồng thời gắn với các hoạt động tri ân, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân ta luôn phải đương đầu với biết bao khó khăn, thử thách, thiên tai, địch họa để tồn tại và phát triển. Trong các cuộc đấu tranh đó, biết bao người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh cho xã tắc bình yên, cho người dân được ấm no, hạnh phúc. Để ghi ơn công lao to lớn của những người sẵn sàng xả thân vì nghiệp lớn, các triều đại phong kiến đã đề ra nhiều chính sách đãi ngộ và động viên toàn dân chăm lo bằng những việc làm thiết thực; trở thành nét sống đẹp trong đời sống của người dân Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử và đúc kết thành truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Sự thể hiện tình cảm đó, được gắn kết chặt chẽ giữa tập tục tín ngưỡng với lòng biết ơn sâu sắc, sự ngưỡng mộ, tôn vinh những người con ưu tú của đất nước.
Truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt qua các giai đoạn lịch sử và được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác Hồ được nuôi dưỡng và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, thương nòi, đau cùng nỗi đau của dân tộc, chia sẻ cùng mất mát, đau thương của những người đã hy sinh vì dân, vì nước. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với trọng trách là Chủ tịch nước, Người luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho các anh hùng liệt sĩ, những người đã cống hiến một phần xương máu của mình cho sự trường tồn của dân tộc. Bác nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ”. Tư tưởng của Người chính là phương châm hành động để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đề cao truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thường xuyên quan tâm, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh một cách tận tình, chu đáo.
Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Kbang, Gia Lai (Ảnh: CAND)
Nếu ngày 27/7 được Quốc hội thông qua, chọn làm ngày nghỉ lễ, thiết nghĩ, vào ngày này, mỗi chúng ta cần có những hành động cụ thể, thiết thực hơn nhằm tiếp nối truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đậm chất nhân văn của dân tộc Việt Nam. Chúng ta đang sống trong điều kiện đất nước hòa bình. Điều có ý nghĩa thiết thực nhất là mỗi người cần tiếp tục đề cao trách nhiệm hơn nữa trong việc thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công để truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ngày càng tỏa sáng. Để đạt được điều này, các tổ chức chính trị - xã hội nên chủ động tổ chức nhiều hơn nữa những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, sao cho ngày 27/7 thực sự là NGÀY LỄ TRI ÂN của dân tộc!
Văn Nguyễn