Hội sách trực tuyến toàn quốc 2020 khai mạc hôm 19/4 và hiện còn đang diễn ra tưng bừng trên... mạng! Đây là lần đầu tiên, một hội sách rời không gian vật chất để đến với thế giới số.
Không còn cảnh chen vai nô nức chọn sách trong các gian hàng, với hội sách trực tuyến, mọi hoạt động đều diễn ra trên bàn phím hay trên màn hình cảm ứng. Dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ, trong đó, có thói quen đến nhà sách.
Giao diện trang chủ Hội sách online toàn quốc 2020 lần đầu tổ chức
Doanh thu online đang tăng
Hội sách trực tuyến toàn quốc 2020 thu hút 50 đơn vị xuất bản với 10 nghìn đầu sách tham gia. Các nhà làm sách đã đổ công sức để kịp thời chọn sách, chụp ảnh bìa, viết lời giới thiệu... để đưa lên sàn giao dịch. Các hoạt động giao lưu, tọa đàm tại Hội sách cũng hoàn toàn online.
So với hội sách bình thường, quy mô Hội sách online đầu tiên này chưa lớn, nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng. Trước đó chỉ có những hội sách online do các đơn vị nhỏ tổ chức. Đây là lần đầu tiên Cục Xuất bản (Bộ Thông tin - Truyền thông) tổ chức một hội sách online quy mô lớn.
Và điều thú vị là từ khi giãn cách xã hội, toàn bộ hệ thống bán hàng sách phải đóng cửa, các đơn vị kinh doanh sách chỉ còn một cách là xoay sang các kênh bán hàng online (các trang web, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội). Doanh thu trên các kênh online tăng trung bình 30 đến 40%.
Những hội sách truyền thống trong tương lai có thể được thay đổi hình thức
Nếu bán sách truyền thống tốn chi phí thuê mặt bằng, xây dựng, nhân viên bán hàng... thì bán sách online có lợi thế đưa cửa hàng, hiệu sách đến mọi nhà chỉ một lần đầu tư làm nền tảng số.
Doanh thu sách online của Việt Nam đã có những sự thay đổi ngoạn mục. Tuy nhiên so với các nền xuất bản khác sách online ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng doanh thu rất thấp so với bản đồ ngành công nghiệp xuất bản thế giới. Chúng ta nằm ngoài top 80 trên thế giới về xuất bản sách online. Vì sao?
Vì thực sự chúng ta mới bán sách giấy trên môi trường online chứ chưa làm sách điện tử (e-book), chưa xuất bản trực truyến trong khi nước ta được xem là một nước có tốc độ phát triển internet thuộc loại cao trên thế giới.
Dịch Covid-19 đã giúp cho nhiều nhà xuất bản nhiều đơn vị làm sâch nhận ra rằng đây là cơ hội phải bắt tay ngay vào tiến hành làm sách trực tuyến.
Từ sách giấy đến e-book
Từ nhiều năm nay, chúng ta đã biết rằng, một chiếc điện thoại thông minh có thể chứa hàng chục nghìn cuốn sách. Giới trẻ Việt Nam đã biết sử dụng các thiết bị đọc e-book khi làn sóng sách điện tử tràn vào nước ta.
Đã có hàng ngàn đầu sách Việt Nam xuất bản dưới dạng e-book. Đã có nhiều đơn vị xuất bản e-book ra đời... Thế nhưng đến nay, sách điện tử ở Việt Nam ngày càng “teo dần”, đi ngược lại với xu thế của thế giới. Nếu năm 2015 có trên 1.000 đầu sách thì năm 2016 chỉ còn hơn 600, đến năm 2017 còn 137 và năm 2018 chỉ còn 86 đầu sách.
Trên thế giới, xu hướng xuất bản sách in đang giảm ngày càng mạnh để nhường cho thị trường sách điện tử. Ở các nước phát triển tỷ lệ doanh thu sách giấy truyền thống và sách điện tử ngang nhau nhưng cần biết rằng sách giấy ở nước ngoài giá rất cao.
Lý giải cho thực trạng này, nhiều người cho rằng do tâm lý thích sách giấy của người Việt (người Việt ít đọc sách nơi công cộng như trên tàu xe, khu du lịch). Có người cho rằng nạn sao chép lậu và vấn đề bảo vệ bản quyền ở nước ta chưa đảm bảo cho nền xuất bản số. Những ý kiến trên không sai nhưng chưa đầy đủ. Có rất nhiều lý do nhưng tựu trung xoay quanh 2 vấn đề cốt lõi: rào cản kỹ thuật và rào cản quản lý.
Ebook không phải là phiên bản số của sách giấy. Đó là sách xuất bản trên môi trường số, có thể đọc bằng các thiết bị chuyên dụng hoặc các thiết bị phổ biến như máy tính bảng, điện thoại thông minh
Những nước trên thế giới hiện nay phát triển sách điện tử tốt là những nơi có cơ sở hạ tầng, có nền tảng và thậm chí, có sản xuất thiết bị. Kỹ thuật có thể chuyển giao nhưng hành lang pháp lý thì từng nước phải tự xây dựng.
Từ nhiều năm trước, nhiều đơn vị ở Việt Nam đã hồ hởi làm e-book nhưng rồi tất cả đều thất bại. Khi Bộ Thông tin - Truyền thông siết lại các quy định về xuất bản sách điện tử, nhiều đơn vị làm sách này đã tự rút lui. Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho việc xuất bản điện tử, kinh doanh xuất bản sách điện tử.
***
Gần đây Chính phủ đã thay đổi một số chính sách về công nghệ thông tin, trong đó, có việc cho phép cơ quan nhà nước thuê các dịch vụ công nghệ thông tin. Như vậy, các đơn vị xuất bản hiện nay không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều tiền bạc làm hạ tầng kỹ thuật cho e-book.
Chúng ta đều biết không phải ngày một ngày hai là có thể xây dựng được nền xuất bản số. Hành lang pháp lý trở có thể thông thoáng hơn nhưng việc xử lý những vấn đề sách lậu, vi phạm bản quyền, việc đào tạo đội ngũ… phải cần nhiều thời gian. Bên cạnh đó, còn phải có các chương trình quảng bá, kích cầu, những chủ trương sử dụng e-book trong học tập, nghiên cứu.
Thách thức là vậy song số hóa sẽ là xu thế tất yếu. Số hóa ngành xuất bản không phải để làm giàu cho những người làm sách mà là để góp phần nâng cao dân trí, định vị tầm vóc của cả một dân tộc. Đó chính là sứ mệnh của xuất bản - một ngành vừa là kinh tế vừa là ngành văn hóa tư tưởng.
Thanh Huyền