(HTV) - Nhiều trường đại học liên tiếp mở ngành mới, đáp ứng xu hướng đào tạo đa ngành và thu hút sinh viên. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng đào tạo và đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp là thách thức lớn.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo, số ngành các trường mở từ năm 2019 - tháng 8/2023 là gần 1.200 ngành. Việc các trường đại học liên tiếp mở ngành, chương trình mới được cho là theo xu thế đào tạo đa ngành, cũng như thu hút sinh viên, song các trường duy trì được điều kiện, năng lực đào tạo thế nào là vấn đề được nhiều người quan tâm.
2 ngành mới được Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mở thêm là thiết kế vi mạch và tâm lý học
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm nay mở 2 ngành mới là thiết kế vi mạch và tâm lý học. Với hơn 20 năm đào tạo lĩnh vực điện, điện tử, việc mở ngành thiết kế vi mạch là ngành mà trường đã có kinh nghiệm và uy tín, nhưng với ngành tâm lý học thuộc khối xã hội, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị thấu đáo.
Xu hướng mở ngành mới ở các trường đại học
Trong 4 ngành mới năm nay thuộc khối kỹ thuật, có một ngành kinh tế xây dựng mà theo Đại học Bách Khoa TP.HCM là hơi khác hơn so với các ngành trước nay của trường. Tuy nhiên, đây vẫn là ngành nằm trong hệ sinh thái xây dựng mà trường đang đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng mở thêm 4 ngành mới, trong đó có ngành công nghệ giáo dục.
Trong thời đại số hiện nay, xu hướng liên ngành, đa ngành sẽ ngày càng rõ nét. Đó là lý do dần dần các trường kỹ thuật, công nghệ sẽ đào tạo thêm lĩnh vực kinh tế, xã hội và ngược lại. Theo các trường, việc mở nhiều ngành sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức. Không chỉ thách thức về cơ sở vật chất mà còn cần cả những đội ngũ chuyên nghiệp để giảng dạy.
PGS.TS. Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết ngành vi mạch Bách Khoa đã có thế mạnh nhưng chúng ta vẫn cần người chuyên nghiệp, hay như ngành kinh tế xây dựng cần những người chuyên tâm vào lĩnh vực này để đào tạo tốt hơn.
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng mở thêm 4 ngành mới, trong đó có ngành công nghệ giáo dục. Vì là đơn vị đầu tiên ở phía Nam mở khối ngành này, nhà trường đã phải chuẩn bị và xây dựng đội ngũ, chương trình đào tạo từ rất lâu, bởi nếu chất lượng đào tạo không đảm bảo, không xây dựng được thương hiệu để có thể cạnh tranh, sẽ dẫn đến không đủ sinh viên theo học, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của cả nhà trường lẫn người học.
Xu hướng mở ngành là một tín hiệu tốt, song cũng có nhiều thách thức và hệ lụy nếu như không có sự chuẩn bị kỹ càng
Xu hướng mở ngành mới là tín hiệu tốt, nhưng nếu chỉ mở ngành để thu hút sinh viên bởi bối cảnh học phí là nguồn thu chính của các trường thì chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ cũng như lãng phí trong đào tạo và nhanh chóng bão hòa thị trường nhân lực.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9