Trong những ngày tháng năm, khi cả nước hân hoan đón mừng 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019), những người con đất Việt lại nhắc đến Bác bằng cả tình cảm thiêng liêng, lòng biết ơn vô hạn.
Trong đó, tấm lòng của những người con phương Nam luôn hướng về Hà Nội, tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu trong vô vàn yêu thương.
Đến với Miền ký ức tháng Năm, chúng ta sẽ được ôn lại những ký ức đẹp về Bác Hồ kính yêu qua các mục "Giở lại ký ức truyền hình”, “Ký ức thành phố trẻ”, nhắc nhớ những kỷ niệm gắn bó với thành phố mang tên Bác, và với “Từ ký ức đến hôm nay” để thấy được lòng kính yêu của thế hệ 7x trở về sau dành cho Người dù chưa từng được gặp mặt.
Tất cả nội dung ý nghĩa sâu xa ấy, được thể hiện qua chủ đề “Mặt trời đỏ trên Lăng” với những khúc hát: Viếng Lăng Bác (Nhạc: Hoàng Hiệp - Thơ: Viễn Phương), Những bông hoa trong vườn Bác (Sáng tác: Văn Dung), Miền Nam nhớ mãi ơn Người (Nhạc: Lưu Cầu - Thơ: Trần Nhật Lam), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Sáng tác: Huy Thục), Lời Bác dặn trước lúc đi xa (Sáng tác: Trần Hoàn), Nhớ ơn Bác (Sáng tác: Phan Huỳnh Ðiểu), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Sáng tác: Phạm Tuyên)… được thể hiện bởi các giọng ca trẻ: Hồ Trung Dũng, Ðăng Quân, Ðông Triều, Lệ Ngọc, Duyên Quỳnh, Dương Linh Tuyết, Tố Ny, Nhóm The Wings và Tốp ca Nhà thiếu nhi Thành phố.
Viếng Lăng Bác
Bài hát Viếng Lăng Bác được quần chúng yêu thích vì các tác giả Viễn Phương và Hoàng Hiệp đã diễn tả đúng được cảm xúc, tình cảm của mình đối với vị lãnh tụ kính yêu. Lời lẽ thật giản dị nhưng chắt lọc với những liên tưởng thật phong phú bằng những hình tượng độc đáo, lại được chuyên chở bằng một giai điệu giàu sức biểu hiện. Bài hát dạt dào xúc động, càng nghe càng thấm thía, càng thương nhớ Bác Hồ khôn nguôi.
Giọng ca trẻ Hồ Trung Dũng tiếp nối việc thể hiện bài hát "Viếng Lăng Bác"
Bài hát Viếng Lăng Bác trong thời gian đầu mới sáng tác được thể hiện ấn tượng bởi giọng ca đầy xúc động và tự hào của ca sĩ Ngọc Lan. Ðây cũng chính là một trong những bài hát vang bóng một thời trên làn sóng HTV thập niên 1990. Có thể nói bài hát Viếng Lăng Bác với tiếng hát Ngọc Lan đã trở thành một phần của ký ức truyền hình trong mỗi chúng ta.
Trong chương trình, ca sĩ Ngọc Lan hội ngộ không phải với tư cách là người thể hiện bài hát mà chị mang đến một câu chuyện kể đong đầy cảm xúc và niềm tự hào về một thời gắn bó giọng ca của mình với Viếng Lăng Bác.
Những bông hoa trong vườn Bác
"Những bông hoa trong vườn Bác/ Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người/ Mỗi mùa hoa một mùa quê hương/ Mỗi màu hoa một màu yêu thương gợi nhớ về bao nhiêu kỷ niệm.
Em ơi nghe chăng mùa xuân đến/Trong muôn tươi xanh hay trong cánh chim/ Trong muôn tiếng ca ngọt ngào tình quê hương/ Say muôn sắc hoa dịu dàng trong nắng xuân…”.
Nhóm The Wings thể hiện ca khúc "Những bông hoa trong vườn Bác"
Những giai điệu mượt mà ấm áp cùng lời ca thanh cao đầy chất thơ của ca khúc từ lâu đã chiếm được trọn vẹn tình cảm yêu mến của người yêu nhạc cả nước. Nhạc sĩ Văn Dung viết ca khúc này năm 1977 trong một nguồn cảm hứng bất chợt tuôn trào với ý nghĩa: Bài hát tựa như một lời nhắc nhở chúng ta: mỗi người hãy sống tốt, sống đẹp, sống giản dị, vì nước, vì dân như tư tưởng và đạo đức của Người. Mỗi người hãy trân trọng mọi cái hay, cái đẹp. Mỗi người, mỗi miền quê hãy là một bông hoa đẹp trong vườn hoa đất nước.
Miền Nam nhớ mãi ơn Người
Miền Nam nhớ mãi ơn Người đã được nhạc sĩ Lưu Cầu hoàn thành chỉ khoảng một tuần sau ngày Bác mất. Bài hát chính là nỗi lòng thương nhớ khắc khoải miền Nam của Bác, hay đó cũng là tình cảm thiết tha mà những người con miền Nam muốn gửi trọn đến Người. Từng lời hát vang lên như chính nỗi lòng của Bác, làm cho người nghe không khỏi bồi hồi xúc động. Tình cảm ấy không gì so sánh được, luôn khắc sâu trong tim của Người.
Nữ ca sĩ trẻ Tố Ny thể hiện ca khúc "Miền Nam nhớ mãi ơn Người"
Bác đang cùng chúng cháu hành quân
Những kỷ niệm về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn là ký ức không thể nào phai trong cuộc đời của nhạc sĩ Huy Thục. Tình cảm đối với Người chính là nguồn cảm hứng bất tận để ông viết nên những bài ca đi cùng năm tháng, trong đó đặc biệt có Bác đang cùng chúng cháu hành quân.
Hơn 40 năm trước, khi hay tin Bác mất, nhạc sĩ Huy Thục đã cùng những nhạc sĩ quân đội khác có mặt tại Hà Nội để viếng Người. Sau đó, các ông nhanh chóng trở lại chiến trường để cùng chia buồn với những người đồng đội, đồng bào các dân tộc và cũng là để cảm nhận sâu hơn về nỗi đau của những người lính đang trực tiếp chiến đấu trên mặt trận ngày ấy. Bao trùm là không khí thương tiếc Bác, nhưng luôn nhớ lời dạy của Người và ông đã trăn trở, suy nghĩ để viết nên hợp xướng ca khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân.
Từ khi ra đời, bài hành khúc đã chiếm trọn cảm tình của đông đảo chiến sĩ và nhân dân. Thời gian càng trôi đi, giá trị của bài hát càng được khẳng định. Không khí hào hùng của hành khúc này một lần nữa được các ca sĩ Ðăng Quân, Ðông Triều, Lệ Ngọc, Duyên Quỳnh làm sống dậy trên sân khấu Miền ký ức.
Lời Bác dặn trước lúc đi xa
Trong muôn vàn câu chuyện kể về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, câu chuyện chân thực kể lại giây phút cuối cùng trong cuộc đời của Bác Hồ về tình yêu dành cho đất nước, dành cho những khúc hát dân ca khiến nhiều người không khỏi xúc động. Câu chuyện giàu tính nhân văn này đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Trần Hoàn chắp bút sáng tác nên ca khúc Lời Bác dặn trước lúc đi xa đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Người. Bài hát ra đời đã lập tức làm rung động trái tim của những người con nước Việt. Có rất nhiều ca sĩ đã thể hiện thành công ca khúc này, như NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa, NSƯT Thái Bảo… mỗi bản thể hiện đều mang đến nhiều cảm xúc cho người nghe.
Nữ ca sĩ Dương Tuyết Linh trình bày ca khúc "Lời Bác dặn trước lúc đi xa"
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
30 tháng 4 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gợi nhớ những bài hát của một thời chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, nhưng cũng hào hùng, oanh liệt. Một trong những tác phẩm tiêu biểu đi cùng năm tháng gắn với ngày này là Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ðến nay, đã 44 năm trôi qua nhưng mỗi lần giai điệu của ca khúc ngân lên, thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc lại sống dậy như sự kiện trọng đại này đang diễn ra vậy.
Nói về bài hát của mình, Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng chia sẻ: Ðêm 28/4/1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ 30 phút tối đến 11 giờ ông đã viết xong bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu ông mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là ông thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó.
Với giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích, cả nhan đề và lời chưa đến 60 từ. Vì vậy, bài hát được phổ biến một cách rộng rãi ở Việt Nam, được rất nhiều người dân biết đến và hát trong những ngày lễ, kỷ niệm lớn hay trong những dịp đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng.
Qua chủ đề “Mặt trời đỏ trên Lăng”, những giai điệu hoan ca của Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng sẽ được ngân vang bằng niềm tự hào của các cháu thiếu nhi thuộc Nhà Thiếu nhi Thành phố.
Đón xem chương trình ca nhạc "Miền ký ức" với chủ đề "Mặt trời đỏ trên Lăng" phát sóng lúc 9g ngày 19/5 trên kênh HTV9.
Thiên Hương