Tuần trước, kênh youtube với hơn 400 clip video của “ngôi sao” Khá Bảnh đã bị đánh sập. YouTube chỉ để lại một dòng thông báo: "Tài khoản này đã bị chấm dứt do vi phạm Điều khoản dịch vụ của YouTube"…
Trước khi bị bắt về tội đánh bạc cùng hoạt động tín dụng đen và bị đánh sập kênh cá nhân ấy, Khá Bảnh là một trong số những nhân vật gây sốt trên YouTube với hơn 2 triệu người đăng ký (và facebook cá nhân có hơn 600.000 người theo dõi). Anh ta tên thật là Ngô Bá Khá, sinh năm 1993 ở Bắc Ninh.
Khi cơ quan quản lý vào cuộc, kênh YouTube của Khá Bảnh đã bị nhà cung cấp dịch vụ đánh sập (ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ)
Vì sao anh ta “nổi tiếng” là câu hỏi không dễ lý giải ở góc độ tâm lý xã hội, góc độ truyền thông. Nhưng có thể để đạt số lượng người xem và theo dõi lớn như thế, Khá Bảnh đã sản xuất các dạng clip như đốt xe máy, dừng ô tô chụp ảnh dàn hàng ngang trên cao tốc, dạy dỗ đàn em trong giang hồ, hoặc livestream trên facebook nói tục, chửi thề và phát ngôn sốc.
Cùng với Khá Bảnh, hiện tượng mà giới trẻ gọi là “giang hồ mạng” này còn có các nhân vật khác: Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc… với cách tổ chức truyền thông quái đản của mình cũng gây sốt và thu hút hàng triệu người hiếu kỳ.
Dương Minh Tuyền còn được gọi bằng cái tên khác là "thánh chửi" (trước đây làm nghề đầu bếp cho một nhà hàng rồi chuyển sang làm nghề tự do ở Bắc Ninh). Youtuber này thường quay những video clip cởi trần khoe hình xăm, bình luận các sự kiện, nhân vật đang nổi trên mạng xã hội với lời lẽ chửi bới thô tục.
Tháng 4/2017, "thánh chửi" này từng nhận án 32 tháng tù giam về tội "gây rối trật tự công cộng" và tội "hủy hoại tài sản". Hiện trang YouTube của "thánh chửi" Dương Minh Tuyền cũng đã bị đánh sập sau sự kiện gây xôn xao dư luận khi anh ta đến nhà của nữ sinh bị 5 bạn cùng lớp đánh để trao 10 triệu đồng giúp đỡ.
Huấn Hoa Hồng (Bùi Xuân Huấn, sinh năm 1984 tại Yên Bái. Huấn sống tại TPHCM với công việc cho vay nặng lãi) hoặc Dũng Trọc (Nguyễn Văn Dũng, 45 tuổi, quê ở Hà Đông, Hà Nội từng bị Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên phạt 2 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng 2013)… cũng là những nhân vật nổi danh trên mạng xã hội bằng những hành vi truyền thông bất thường như lái siêu môtô không đội mũ bảo hiểm, tặng thẻ cào điện thoại cho người nào like và share fanpage của mình, chặt vàng để chứng minh mình đeo vàng thật, hoặc dựng clip bắt người khác quỳ lạy mình với nhiều phát ngôn gây sốc…
Một cảnh đóng trong video clip giang hồ của nhóm Phú Lê trên YouTube (Ảnh: internet)
Khi chúng tôi viết bài này, thông tin về một nhân vật “sao mạng” khác ở TP. Hồ Chí Minh (hay khoe đeo vàng số lượng lớn) là Phúc XO cũng vừa xộ khám vì dính đến buôn bán ma túy trong quán karaoke của mình.
Khi cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông vào cuộc, chỉ sau một cái nhấn nút, hàng loạt video clip đình đám sẽ bị xóa sạch. Nếu ai có dịp xem hình ảnh nhân vật Khá Bảnh khóc sướt mướt và xin lỗi trong đồn công an thì sẽ hiểu ra giá trị thật của cái gọi là “giang hồ mạng”.
Facebook, YouTube và các mạng xã hội vô tình tiếp tay cho sự ảo tưởng bằng các hình thức gây nổi tiếng. Đầu tiên phải nói đến công nghệ live-stream: Chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối mạng, “giang hồ” sẽ có mặt khắp nơi để tổ chức các buổi phát trực tiếp trên YouTube hoặc Facebook. Những cư dân mạng “theo dõi” họ sẽ được thông báo để xem. Giữa lúc nhiều sản phẩm video clip trên mạng đa phần là dàn dựng công phu nhưng vẫn theo lối mòn thì live-stream để kể chuyện, bình luận, tường thuật rất ngẫu hứng, gần gũi, tự nhiên không có kịch bản rất thu hút (đó là chưa kể công nghệ live stream còn có khả năng tương tác khá tốt qua phần bình luận).
Bên cạnh đó, cơ chế kiếm tiền từ các sản phẩm video clip trên mạng dựa trên lượt xem, số lượng theo dõi. Tâm lý số đông trong khi xem các sản phẩm giải trí trên mạng là thích yếu tố mới lạ, ngông, đột phá. Các thuật toán của mạng xã hội lại hỗ trợ quảng bá cho những video clip có cách tổ chức, cách tiếp cận nội dung bất thường, thậm chí có những sai lệch như thế. Và chính “cộng đồng mạng” với những thành viên trẻ tuổi nhận thức sai lệch đã có những tiếng vỗ tay bầy đàn, đã có hành vi (chia sẻ, bày tỏ thái độ thích thú) chưa đúng mực… là tác nhân tạo nên sự “nổi tiếng” xen lẫn tai tiếng cho các nhân vật này.
Kẻ đốt đền cũng có thể “nổi tiếng”. Những anh hùng bàn phím, những “giang hồ mạng”, “thánh chửi” sau khi có một lượng “fan” đông đảo, cuồng nhiệt theo dõi thì sẽ ảo tưởng sức mạnh, quyền lực mềm. Sự ảo tưởng này thường thể hiện qua những phát ngôn, hành động ngông cuồng.
Khá Bảnh khóc lóc và xin lỗi tại cơ quan điều tra sau khi bị bắt (ảnh cắt từ clip)
Nhưng thực tế cho thấy, các “ngôi sao mạng” từ Lệ Rơi, Bà Tưng trước đây đến những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Dũng trọc, Phú Lê, Huấn Hoa Hồng, Phúc XO… hay cả những người lợi dụng cơ sở tôn giáo, lợi dụng việc giúp dân nghèo hay kẻ cô thế… cũng đều sẽ bị chính cộng đồng quên rất nhanh, thậm chí, có người còn bị “lột mặt nạ”.
Cư dân mạng có thể đây đó, đôi lúc, bị kéo theo tâm lý đám đông trong hành xử (như vụ report các điểm kinh doanh có tên Aroma mới đây) nhưng nhìn toàn cục, cộng đồng mạng có năng lực tự điều chỉnh khá tốt. Vì thế, làm ngôi sao mạng phải thực sự có tài và bản lĩnh!
Phú Trang