Đòi hỏi tất cả các sản phẩm báo chí đều phải chính xác, chân thực, hoàn toàn khách quan, có thể là một điều không tưởng. Nhưng ít nhất, ở cấp độ thu thập chất liệu, người làm báo phải tôn trọng công chúng bằng cách tác nghiệp trung thực, đúng nguyên tắc.
Tác nghiệp báo chí trước áp lực thời sự khó tránh khỏi sơ sót nhưng lý tưởng của nhà báo, nguyên tắc đạo đức của người làm báo là phải trung thực, khách quan
Từ đóng vai đến gợi ý
Cách đây mấy năm, có một nhóm sinh viên làm bài tập môn phóng sự truyền hình về hiện tượng hút thuốc lá nơi công cộng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Để thực hiện bài tập, nhóm sinh viên chủ yếu phải dùng phương pháp quay lén hiện tượng hút thuốc lá trong khuôn viên các bệnh viện, công viên, bến xe…
Trong phóng sự này có một đoạn phỏng vấn (quay qua vai) một thanh niên hút thuốc lá trong công viên Lê Văn Tám, quận 1. Khi nghe đoạn phỏng vấn này, người viết rất ngạc nhiên, vì dù được quay và thu âm ở một nơi có rất đông trẻ con đang vui chơi, lại nằm giữa 3 trục đường sầm uất, tấp nập xe cộ đi lại, nhưng âm thanh nền lại… trong veo. Đặc biệt, khi nghe kỹ, trong nền âm thanh còn có cả tiếng ếch nhái kêu. Một chi tiết khác là giọng nói khá cứng so với tuổi của chàng thanh niên trong đoạn video.
Sau khi hỏi chuyện nhiều lần với nhóm làm phóng sự, người viết biết được thông tin: Nhóm tác giả đã thu âm lại đoạn phỏng vấn này và người phát ngôn dùm là người thân của một thành viên trong nhóm. Đó là một người lớn tuổi, vì thế giọng nói đã có độ trầm và rè nhất định. Đoạn âm thanh được thu ở miền quê trong một buổi tối, nên có tạp âm là tiếng côn trùng ếch nhái.
Sở dĩ nhóm thực hiện phóng sự phải làm việc “khuất tất” này là vì file âm thanh thu được từ người thanh niên trong công viên quá xấu, nhiều tiếng ồn, không nghe rõ. Sau đó, nhóm tác giả phải bỏ ngay đoạn phỏng vấn giả, dùng lại âm thanh file phỏng vấn gốc và làm thêm phụ đề. Điều đáng nói là, nếu như không được phát hiện kịp thời thì phóng sự này vẫn sẽ được công bố với một chi tiết sai với hiện thực – dù đây là tác phẩm bài tập, chỉ công bố trong phạm vi hẹp, trên website nội bộ.
Các phần mềm dựng phim ngày càng phong phú và nhiều tính năng kỹ thuật. Người làm sản phẩm truyền thông đa phương tiện dễ dàng lạm dụng để cắt ghép hình ảnh và âm thanh. Nhưng những sự cắt ghép sai sự thật không bao giờ được chấp nhận
Một trường hợp khác, đồng nghiệp ở một đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh mới đây kể cho tôi nghe về hiện tượng, có phóng viên mới vào nghề đã làm những sản phẩm trên sóng phát thanh với phần phỏng vấn không phải của các nhân vật mà là giọng nói của chính phóng viên này. Tệ hơn, không chỉ giả giọng để trả lời phỏng vấn chính mình một lần mà có khi tới ba lần với ba giọng khác nhau. Đây là lỗi nghiệp vụ cố tình và không thể chấp nhận được với một người làm báo.
Hàng ngày, trên thị trường báo chí truyền thông của chúng ta, không biết có bao nhiêu những sản phẩm với những chất liệu giả như vậy được phát hành. Và thiệt thòi thuộc về khán thính giả, thuộc về người đọc, những người phải bỏ tiền ra để mua sản phẩm truyền thông.
Cũng ở một đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh tôi được các bạn phóng viên chia sẻ rằng, lãnh đạo đài luôn yêu cầu phóng viên phải trình kịch bản chi tiết trước khi đi làm một sản phẩm và trong kịch bản chi tiết này, phóng viên cần phải ghi rõ nội dung phần trả lời phỏng vấn của các nhân vật. Và khi mang sản phẩm về, nếu các nhân vật không trả lời đúng với kịch bản được trình trước đó, thì sản phẩm báo chí ấy sẽ không được sử dụng.
Tôi thắc mắc là, làm thế nào để các nhân vật có thể trả lời đúng được y như kịch bản dự kiến? Câu trả lời là, phóng viên buộc phải “gợi ý” cho các nhân vật / các nguồn tin của mình!
Bơi ngược…
Giữa những năm 1990, trong khuôn khổ dự án “nâng cao năng lực cho báo chí địa phương”, các chuyên gia Thụy Điển khi vào Việt Nam làm việc với các đài phát thanh truyền hình, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của họ đối với các phóng viên phát thanh truyền hình, đó là sự trung thực trong việc tiếp xúc với các nguồn tin và thu thập thông tin từ các nguồn tin. Trong bài tập thu âm cơ bản, có bước phân biệt giữa tiết tấu của một phần âm thanh được nhân vật nói với phần âm thanh được nhân vật đọc. Cũng như vậy các chuyên gia báo chí phương Tây còn chỉ dẫn cách thức phỏng vấn sao cho đạt được tính đại diện trong phạm vi hiện thực mà nhà báo đang khảo sát.
Ví dụ khi phỏng vấn về tác động của một hệ thống thủy lợi mới được hình thành trên địa bàn xã A, thì đối tượng được phỏng vấn phải được chọn lựa từ những người dân có đất canh tác dọc tuyến thủy lợi đó chứ không được tập trung phỏng vấn những người gieo trồng đầu nguồn nước, cũng không được chỉ tập trung phỏng vấn những người cuối nguồn nước. Việc chọn đối tượng phỏng vấn như vậy sẽ đảm bảo tính khách quan và cân bằng tương đối khi muốn có nhận xét về hiệu quả của hệ thống thủy lợi này.
Lý do phải chọn lựa các đối tượng kỹ càng như vậy bởi nếu chỉ tập trung vào những hộ canh tác ở đầu nguồn thì nhiều khả năng những nhận xét thu được sẽ là đánh giá tốt do cường độ nước đầu nguồn thường mạnh. Ngược lại nếu chỉ tập trung vào những hộ canh tác ở cuối nguồn nước, thì khả năng công trình thủy lợi bị đánh giá thấp là rất cao. Với tất cả các đề tài khác cũng vậy.
Và không chờ đến dự án nâng cao chất lượng báo chí gần đây, mà từ khởi thủy, tôn chỉ mục đích của nghề báo là khách quan, là sự thật.
Ngày nay, với sự trợ giúp của công cụ trí tuệ nhân tạo, báo chí dữ liệu giúp cho công chúng có cái nhìn sâu hơn về các sự kiện. Báo chí dữ liệu có thể phân tích số liệu tìm ra quy luật để cung cấp thông tin khoa học hơn. Nhìn từ góc độ lý luận, một sản phẩm báo chí thực ra có sự tương đồng rất cao với một sản phẩm khoa học. Bởi cả hai loại sản phẩm này đều cần phải đảm bảo tính khách quan trung thực, tất nhiên ở những mức độ khác nhau
Người làm khoa học không thể làm giả các con số thống kê, không thể chọn mẫu một cách tùy tiện. Người làm báo cũng không thể ăn không nói có hoặc bóp méo hiện thực theo ý mình bằng cách làm giả các chất liệu, các chi tiết, cũng như gợi ý nhân vật nói theo ý mình.
Người ta thường nói, người làm báo là người viết sử lần thứ nhất. Người viết sử cũng là người làm khoa học, cần phải trung thực với hiện thực.
Cù Thị Thanh Huyền