Hiệu ứng hình ảnh (Visual Effect - VFX hay kỹ xảo hình ảnh) rất phổ biến trong các tác phẩm điện ảnh thế giới và đang ngày càng được ứng dụng trong điện ảnh Việt Nam. Thế còn kỹ xảo trong phim truyền hình?
Kỹ xảo làm phim giàu cảm xúc, thăng hoa hơn
Kỹ xảo hình ảnh là một thuật ngữ được dùng trong ngành công nghiệp điện ảnh thế giới. Có nhiều cách thực hiện kỹ xảo, đơn cử như: SFX - liên quan đến những hiệu ứng vật lý; CGI - công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính; VFX - những hiệu ứng khó có thể thực thi được bằng quay phim vật lý. Nhờ có kỹ xảo hình ảnh, chúng ta đã có được rất nhiều những nhân vật ảo, nhân vật có khả năng phi thường, bối cảnh ảo trong các phim, các hiệu ứng hình ảnh trong đại cảnh chiến trận, cảnh quay mô hình siêu nhỏ, hình ảnh lịch sử, cháy nổ, khói lửa…
Công việc liên quan đến kỹ xảo hình ảnh gồm nhiều giai đoạn: từ tạo mô hình nhân vật, dựng bối cảnh phim đến các phần mềm phù hợp sử dụng trong hậu kỳ; từ xử lý hình ảnh, sử dụng hiệu ứng, đến tạo các phân cảnh viễn tưởng, vẽ những đại cảnh khó tạo ra trong thực tế… Các phim truyền hình Việt Nam hiện nay ít nhiều đã sử dụng các kỹ xảo hình ảnh, với nhiều mức độ sơ khai đến tỉ mỉ, nhưng chủ yếu chiếm thời lượng khá ít ỏi trong một bộ phim dài.
Dù vậy, không thể phủ nhận hiệu quả của việc sử dụng kỹ xảo đúng lúc đúng chỗ trong các thước phim. Sê-ri phim “Harry Potter” sẽ ra sao nếu không có các kĩ xảo? Những phân đoạn dùng pháp thuật, những sinh vật huyền bí… sẽ được thể hiện như thế nào? Thế giới của các siêu anh hùng với Người sắt (Ironman), Người dơi (Batman), Siêu nhân (Superman), Người nhện (Spiderman)... sẽ ra sao? Hay gần hơn, phim tài liệu “Ra biển lớn” (TFS) sẽ kể lại câu chuyện lịch sử từ hành trình tìm về xà bông cô Ba hơn 100 trước đến cảnh sầm uất, buôn bán tấp nập trên bến Bình Đông như thế nào? Cảnh cháy rừng, bom rơi, đạn nổ sẽ thế hiện ra sao? có thể nhận định, kỹ xảo hình ảnh giúp cho bộ phim trở nên giàu cảm xúc hơn, thăng hoa hơn, giúp khán giả dễ dàng hình dung và nắm bắt gần nhất với ý đồ của người sản xuất.
Ứng dụng kỹ xảo trong phim truyền hình Việt
Hiện nay, nền phim ảnh Việt Nam đang thiếu thốn nhân lực có tay nghề cao về kỹ xảo, chưa có nhiều kinh nghiệm trong dàn dựng bối cảnh, các máy móc thiết bị và phần mềm dựng chuyên dụng còn hạn chế. Trong điều kiện đó, nếu muốn thực hiện các cảnh kỹ xảo để gia tăng cảm xúc cho người xem, các đoàn làm phim sẽ phải có những tính toán rất tỉ mỉ, dày công và tốn kém. Đạo diễn Xuân Hiệp (Hãng phim Cửu Long) của phim “Cây nước mắt” chia sẻ về cảnh cháy rừng trong đồn điền cao su - một cảnh đinh có ý nghĩa quan trọng trong mạch cảm xúc phim: Đoàn làm phim “Cây nước mắt” mất khoảng 60 ngày hậu kỳ cho một phân cảnh cháy rừng để có thể tỉ mỉ cắt gọt, vẽ lửa, trau chuốt và làm mượt cho từng frame hình. Trước đó, để thực hiện những thước phim này, cả ê-kip phải bỏ nhiều công sức để dàn dựng bối cảnh bằng việc cắm những cây cao su giả (cây đã chết) ở tiền cảnh, dùng phông xanh cao khoảng 4m đủ để bao quát cảnh như dụng ý… Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải tính toán kĩ lưỡng ánh sáng ở hiện trường, kiểm soát khi đốt lửa thật… Và tất cả những việc này đều khá tốn kém.
Đạo diễn Mỹ Khanh (Hãng phim TFS) cũng đã đầu tư thời gian ba năm cùng rất nhiều công sức cho bộ phim “Lục lạc huyền bí”, với 2.500 phân đoạn ứng dụng kỹ xảo - vẽ 3D. Dù đã phát hành từ năm 2011 nhưng thời điểm hiện tại, “Lục lạc huyền bí” - đang được phát lại trên Youtube - vẫn đem lại sự thích thú cho người xem và nhận được nhiều khen ngợi. Tất nhiên, ngành kỹ xảo ngày một hiện đại hơn, nhất là trong xu hướng mới với sự dẫn đầu của công nghệ trong mọi mặt của đời sống, các kỹ xảo được ứng dụng trong “Lục lạc huyền bí” đã trở nên cũ kĩ và mang nét sơ khai. Song không thể phủ nhận, ở thời điểm phim ra mắt, đây là một trong những dấu ấn đáng nhớ đối với không chỉ người thưởng thức phim, mà cả với ê-kip sản xuất. Được biết, trước đó, nữ đạo diễn cũng đã sử dụng kỹ xảo trong “Xóm cào cào” - một phim lẻ rất thành công lúc bấy giờ.
Tất nhiên, tùy thuộc vào nội dung kịch bản mà mỗi phim có sử dụng kỹ xảo hay không và với thời lượng như thế nào, song không thể phủ nhận việc xuất hiện các phân cảnh có kỹ xảo trong phim sẽ giúp gia tăng cảm xúc cho người xem và làm bộ phim đầy đặn hơn. Trong thời đại 4.0, nơi công nghệ trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống, việc ứng dụng kỹ xảo trong phim trở thành cuộc phiêu lưu hình ảnh và cảm xúc đầy độc đáo và thú vị cho không chỉ các nhà làm phim mà còn cả những người thụ hưởng chúng. Phim truyền hình Việt Nam càng sớm nhuần nhuyễn trong sân chơi “kỹ xảo” sẽ càng sớm ứng dụng chúng một cách hợp lý và sáng tạo, để từ đó tạo ra những giá trị phim ảnh không có giới hạn!
Xem thêm: Kỹ xảo hình ảnh và những bộ phim ấn tượng của HTV
Thiên Bình