Khó khăn tuyển sinh ngành khoa học cơ bản

THANH TUYỀN - QUỐC SỬ - THIỆN TOÀN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/5/2023, 21:17

(HTV) - Trong những năm gần đây, ngành Khoa học sự sống và Khoa học tự nhiên đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Ngay cả ở những trường đại học hàng đầu thì kết quả tuyển sinh những ngành này cũng không khả quan.

Ngành địa chất được xem là ngành đóng góp rất lớn vào GDP của quốc gia với mức đóng góp hiện tại khoảng 13% bởi đằng sau ngành này là cả một nền công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tại trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, số lượng sinh viên theo học ngành địa chất giảm từ 100 xuống còn 50, thậm chí chỉ 30 sinh viên/năm với mức điểm trúng tuyển đại học bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 17 - 18 điểm.

Cần có thêm các chính sách ưu đãi để sinh viên theo học ngành khoa học cơ bản

Theo Tiến sĩ Nông Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, "Địa chất là ngành đi thực địa, làm công việc hiện trường vất vả trong khi giới trẻ có xu hướng chọn ngành ít đi lại, không làm công việc tay chân vất vả. Thứ hai là mức đãi ngộ ngành nghề thấp nên ngành địa chất ít thu hút thí sinh vào học".

Tiến sĩ Nông Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM

Là đơn vị có tiềm lực nghiên cứu khoa học mạnh của Trường Đại học Quốc tế và của cả Đại học Quốc gia TPHCM, tuy nhiên, khoa Công nghệ sinh học cũng chỉ tuyển được 130 sinh viên trên tổng số 200 chỉ tiêu mỗi năm.

Chia sẻ nguyên nhân khiến ngành học này không tuyển đủ chỉ tiêu, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường đại học Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia TP.HCM cho biết: "Khi ra trường thì các em kiếm việc làm khó khăn do ngành công nghệ sinh học ở nước ta chưa phát triển. Các em ra trường chủ yếu làm những công ty bán thuốc, trang thiết bị thì cũng không đúng chuyên môn".

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường đại học Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia TP.HCM

Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo, năm 2022, số sinh viên đại học được tuyển mới của khối ngành khoa học cơ bản chỉ chiếm xấp xỉ 1,3% tổng số sinh viên tất cả các ngành.

Thực trạng khối ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh và mức điểm trúng tuyển đại học không cao được dự báo sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao cho đất nước trong tương lai.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao cho đất nước trong tương lai

Tiến sĩ Nông Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng khoa Địa chất, trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định: "Trong 10 - 20 năm nữa, đất nước cần nhà địa chất là không còn. Lúc đó đào tạo thì đã muộn. Vì vậy, cần phải duy trì ngành khoa học cơ bản, có sinh viên ra trường để đóng góp nguồn nhân lực, giữ mức cân bằng vị trí lao động trong xã hội."

Khoa học cơ bản là nền tảng của các lĩnh vực, công nghệ mới. Không có nghiên cứu cơ bản thì không có sản phẩm công nghệ cao, nền kinh tế sẽ đánh mất năng lực cạnh tranh. Vì vậy, Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng rất cần hệ thống giải pháp đồng bộ từ cả 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và trường đại học. Trong đó, Nhà nước xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển. Thứ hai là chính sách đặt hàng các trường đại học đào tạo các ngành khoa học cơ bản, khoa học sự sống. Đối với doanh nghiệp, cần chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở các trung tâm nghiên cứu R& D, tức là trung tâm nghiên cứu phát triển đặt tại doanh nghiệp hoặc các trường đại học. Các trường đại học phải đổi mới chương trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản, khoa học sự sống sát thực tiễn để thu hút nhiều thí sinh hơn".

Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM

Đảng và Nhà nước ta đã xác định nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học - công nghệ là một trong ba đột phá chiến lược. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đột phá để hỗ trợ, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, trong đó có các ngành khoa học cơ bản phải đi trước một bước.

>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV9

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Giá vàng toàn cầu đã tăng mạnh vào tuần này, đánh dấu mức tăng hàng tuần tốt nhất trong 20 tháng do nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn. Giá xăng dầu thế giới tuần này bật tăng hơn 5%, lấy lại được gần hết những “mất mát” từ đầu tháng.
(HTV) - Mới đây, các nhà khoa học tại Austrailia và Thụy Sĩ đã tìm ra được bằng chứng lâu đời nhất về hoạt động của nước nóng trên sao Hỏa. Phát hiện này sẽ bổ sung dữ liệu hiện có về việc, hành tinh này có thể đã từng có sự sống trong quá khứ.
(HTV) - Trong ngày 23/11, quân đội Israel đã không kích hàng loạt vào nhiều địa điểm tại Liban, khiến hàng chục người thương vong.
(HTV) - Đại diện các nước tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP29, diễn ra ở Baku, Azerbaijan, đã đàm phán về một dự thảo mới liên quan tới ngân sách cho các nước đang phát triển, để hạn chế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
(HTV) - Thành phố đã bắt đầu triển khai đề án phát triển hệ sinh thái du lịch theo trục "TP.HCM - Long Thành"; trong đó lấy việc "vận chuyển đường thủy" làm chủ đạo được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm và đang theo đuổi phát triển.
(HTV) - Giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 đã chọn ra 27 ứng viên xuất sắc nhất để vinh danh. Đây là các nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia marketing, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc đã đóng góp cho sự phát triển bền vững.
(HTV) - Thương hiệu dẫn dắt bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tận dụng sức mạnh của thương hiệu để thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.