Trong vòng một tháng qua, cơ quan chức năng đã xử lý, xử phạt hàng chục trường hợp tung tin giả về dịch viêm phổi cấp Vũ Hán (2109 nCoV) lên mạng xã hội. Trong số những người bị xử lý, có cả những nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng trong cộng đồng…
Công an Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với Trần Văn Tùng (áo trắng) về việc tung tin giả trên mạng xã hội (ảnh của báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
Gieo rắc hoang mang
Ngày 26/1 tại Hải Phòng, một facebook cá nhân đăng thông tin: “Hải Phòng đã có 1 ca nghi ngờ mắc corona gây viêm phổi Vũ Hán đang được cách ly tại khoa Lây, Bệnh viện Việt Tiệp...”. Đến 22 giờ cùng ngày, tin này được gỡ bỏ. Ngay sau đó, công an thành phố Hải Phòng phối hợp Sở Y tế Hải Phòng vào cuộc xác minh. Kết quả cho thấy tại Bệnh viện Việt Tiệp hiện không có trường hợp nào nghi nhiễm virus Corona. Công an thành phố Hải Phòng đã vào cuộc xác minh các vấn đề liên quan đến tin đăng trên facebook cá nhân này để có hướng xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tối 27/1 tại Quảng Ninh, tài khoản facebook “Nhii Anhh” chia sẻ thông tin việc 2 khách du lịch Trung Quốc bị mắc virus Corona tại một khách sạn nằm ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để cách ly. Thông tin trên đã thu hút gần 400 lượt chia sẻ và gần 100 bình luận. Thông tin trên làm người dân nơi đây cảm thấy hoang mang. Sáng ngày 28/1, Sở Y tế Quảng Ninh cho biết thông tin đang chia sẻ, phát tán trên mạng xã hội là tin đồn thất thiệt, không có thật. Công an tỉnh Quảng Ninh đang vào cuộc xác minh để xác định những người liên quan và mời lên làm việc.
Ngày 29/1, Trần Thị Thu Thủy (sinh năm 1997, trú tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) đã đăng tải thông tin sai sự thật về việc một người chết do nhiễm virus corona tại địa phương. Tại cơ quan công an, Thủy nói mục đích đưa thông tin sai sự thật nhằm câu like, gây sự chú ý của cộng đồng mạng. Thủy bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng.
Trần Thị Thu Thủy tại cơ quan điều tra
Ngày 30/1, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh triệu tập Nguyễn Thu Trang (chủ tài khoản Facebook Nguyễn Trang) để lập biên bản vi phạm hành chính khi tung tin sai sự thật về việc khách Trung Quốc nhiễm virus corona nhập viện tại Quảng Ninh. Cùng ngày, công an TP Hải Phòng ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với V.T.N.T. (trú quận Ngô Quyền) do đăng thông tin sai sự thật một người nghi nhiễm virus corona nhập viện tại Khoa Lây, bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng.
…
Tình trạng thông tin giả về dịch viêm phổi cấp tràn ngập mạng xã hội đã gây hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của cuộc sống.
Xoáy vào nỗi lo là truyền thông bẩn
Thực ra những thông tin giả về dịch viêm cấp phổi Corona không chỉ có ở môi trường mạng xã hội Việt. Nhiều tin tức dưới dạng video đã liên tục được tung ra trên mạng Twitter, Instagram, Facebook và đặc biệt là YouTube thời gian qua.
Ví dụ thông tin giả về chuyện người dân đổ gục khi đang đi trên đường ở Vũ Hán, chuyện chôn người chết vì bị dịch ở Vũ Hán, hoặc thông tin cho rằng loại vi rút này được tạo ra tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và các nhà khoa học đã được cấp bằng sáng chế vào năm 2015 cho nghiên cứu này; thông tin sai sự thật về việc chính quyền Trung Quốc che đậy số người chết, nhiều người tìm cách đào thoát khỏi khu cách ly...
Virus 2019- nCoV có tốc độ lây lan khá nhanh ở Trung Quốc. Việt Nam công bố dịch này vào chiều 1/2/2020
Ở góc độ truyền thông, khi xuất hiện những nỗi lo, cộng đồng dân cư rất nhạy cảm đối với những tin đồn. Nỗi sợ - một bản năng sinh tồn khi có những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng - như một thứ vũ khí nó tấn công vào môi trường truyền thông, và nhiều người do chưa đủ bản lĩnh đã vô tình tiếp tay cho tin giả để gieo rắc hoang mang.
Thế nhưng có không ít kẻ xấu đã lợi dụng tâm lý cộng đồng này để tung tin giả nhằm những mục đích cá nhân, mục đích xấu, kể cả kinh doanh. Truyền thông dựa trên nỗi sợ của cộng đồng là truyền thông bẩn. Nhưng đó là kiểu làm truyền thông hiện vẫn còn khai thác rất nhiều.
Trên Facebook hiện nay, nhiều quảng cáo các khóa tập yoga cải thiện vóc dáng, tăng cường sinh lý, lớp học tình yêu để trở thành “gái hư với chồng”... khai thác mô-típ cá nhân hóa: Câu chuyện bắt đầu là chị kia mập ra, xấu đi, bị chồng chán, chị đau khổ nghi ngờ chồng có người khác. Hoặc câu chuyện khác là chị kia bị chồng bỏ, chị đã trả thù bằng cách biến hóa cho đẹp lên và bây giờ chồng cũ vô cùng hối tiếc... Những quảng cáo kiểu này cũng đánh vào nỗi sợ hãi, đồng thời tạo ra sự ngộ nhận về giá trị hôn nhân mà không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra.
Nhà báo Barry Glassner nói rằng: “Lúc tốt nhất, mạng xã hội đem lại tiếng nói cho những người yếm thế, đưa bất công ra ánh sáng; còn lúc tệ nhất, nó là vũ khí huỷ diệt thanh danh hàng loạt, khuếch đại những phỉ báng, bắt nạt sự ngu ngốc vô tình của con người. Mạng xã hội là một con dao hai lưỡi. Chọn cách kiểm soát và sử dụng nó như một người đầy tớ tốt hay chấp nhận nó chi phối như một ông chủ xấu của chính ta, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự sáng suốt của mỗi cư dân mạng”
Người dân cần phải tỉnh táo trước các thông tin lan tràn trên mạng xã hội, nên làm theo các khuyến cáo từ những trang web uy tín của các cơ quan chức năng chính thống
Chính vì thế, khi tâm lý hoang mang của người dân đang bị kẻ xấu lợi dụng để để tăng tương tác bằng tin giả mạo, người dân nên tìm đến các nguồn thông tin chính thống như báo chí nhà nước, hoặc vào truy cập vào website của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, tránh trường hợp nghe theo tin giả dẫn đến cách phòng bệnh sai cách. Bên cạnh đó, người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao trách nhiệm với những thông tin do mình đăng tải, chia sẻ lên môi trường mạng; cảnh giác, chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; tiếp cận và chia sẻ thông tin từ các nguồn tin chính thống.
Phú Trang