Khi robot làm báo

Gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng vào nhiều mặt đời sống, từ phần mềm dịch thuật trong chiếc điện thoại của chúng ta đến robot lắp ráp xe hơi, robot làm báo. Liệu trí tuệ nhân tạo có thể thay người trong lĩnh vực truyền thông?


"Người dẫn chương trình ảo" sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) được hãng thống tấn Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đưa vào thử nghiệm cuối năm 2018

Deepfake là một phần mềm có khả năng thay đổi khuôn mặt của ai đó trong một video gốc bằng khuôn mặt của người khác. Cơ chế hoạt động của phần mềm này là phân tích hình ảnh của một cá nhân nào đó (thường là gương mặt) bằng các công nghệ trí tuệ nhân tạo để gán vào hình ảnh một người khác. Phần mềm này không chỉ tạo được sự biểu cảm cho khuôn mặt giả mà còn tạo âm thanh giả rất giống. 

Từ Deepfake đến VoCo

Ban đầu, Deepfake được dùng để tạo ra các video sex giả bằng cách chèn khuôn mặt của những người nổi tiếng vào video khiêu dâm có sẵn. Nhưng sau đó Deepfake còn dùng trong nhiều clip nhắm đến các nhân vật chính trị.

Và đó là lý do hiện nay, các công ty giải trí lớn trên thế giới, nhiều chính phủ, trong đó có chính phủ Mỹ tuyên chiến mạnh với việc khai thác phần mềm này vào việc sản xuất thông tin giả.

Thực ra việc chỉnh sửa phim kỹ thuật số bằng công nghệ 3D cũng đã được Hollywood khai thác từ lâu nhưng rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Khi trí tuệ nhân tạo được áp dụng, bài toán chỉnh sửa này được giải quyết dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, phần mềm này có thể rò rỉ chứ không được khai thác đại trà và giá thành cho việc sản xuất đoạn video clip giả cũng vẫn chưa phù hợp với túi tiền của số đông.


Phần mềm Deepfake có thể tạo ra video giả gương mặt bằng thuật toán trí tuệ nhân tạo hiện gây nên nỗi lo cho nhiều quốc gia

Tương tự với Deepfake là VoCo - một phần mềm hỗ trợ làm… hàng giả hiện cũng đang bị phản ứng nặng nề. Cụ thể là: Cuối năm 2016, Tập đoàn phần mềm nổi tiếng Adobe công bố một dự án mới Adobe VoCo. Adobe VoCo là một ứng dụng can thiệp âm thanh: chỉnh sửa được giọng nói con người. Hiểu nôm na, tính năng của phần mềm này là dựa vào mẫu giọng nói của một người cụ thể, máy có thể đọc các văn bản mình gán vào bằng chính giọng của người ấy để tạo ra các file âm thanh.

Ví dụ: tôi thu một đoạn lời nói của một người đẹp nào đó và một đoạn lời nói của anh chàng nào đó, đưa vào “dạy” cho máy hiểu. Sau đó tôi chế ra một cuộc hội thoại tỏ tình chẳng hạn, chỉ bằng văn bản thôi, và bắt nó đọc. VoCo sẽ tạo ra một audio clip như thật.

Khi nói tới Adobe, hầu như ai cũng biết đến phần mềm xử lý ảnh, chỉnh sửa ảnh Photoshop nổi tiếng (bên cạnh các phần mềm design, dựng phim…). Dự án Adobe VoCo này được BBC gọi là "Photoshop of speech", "Photoshop for voice" (Photoshop lời nói, photoshop giọng nói). 

May mắn là ngay lúc Adobe công bố ý tưởng này, rất nhiều người bày tỏ lo ngại về chuyện ứng dụng ấy sẽ tác động tới an ninh, tới tin tức giả vốn đã làm đau đầu cộng đồng mạng những năm gần đây và hãng này đã tạm dừng dự án.

Robot không có tâm hồn

Chúng ta đang đi vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trí tuệ nhân tạo và mạng internet đã và đang hỗ trợ cho nhiều mặt đời sống. Báo chí – truyền thông cũng không thoát khỏi quỹ đạo khai thác thế mạnh của trí tuệ nhân tạo. Các dự án dịch thuật lớn, các phần mềm nhận dạng giọng nói, chữ viết hỗ trợ khá tốt cho nghề báo những năm qua. 


Hình ảnh đồ họa của báo The  New York  Times có tính chất biểu trưng cho phóng viên robot hỗ trợ công việc làm báo

Rất nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã dùng robot để viết tin thay cho người, đặc biệt là trong các sự kiện thể thao. Người máy cũng đã có thể làm MC ở phim trường để trình bày tin tức. 

Hiện nay, các trận bóng đá ở những giải lớn, dữ liệu đo đạc như sức gió, thời gian khống chế bóng, các bàn thắng, các đường chuyền thành bàn, những lần phạt góc, phạt đền ném biên, số thẻ vàng thẻ đỏ… đều được thiết bị đo đạc khá chính xác, và số liệu ấy ngay lập tức được trí tuệ nhân tạo xử lý để cung cấp cho công chúng báo chí những thông tin có ý nghĩa phân tích qua các hình thức trực quan như đồ thị, đồ họa, infographic…

Cũng như nhiều ngành khác, nghề báo trong thời công nghiệp 4.0 sẽ đối mặt với khả năng thất nghiệp cao do robot có thể làm báo. Tuy nhiên, Robot có thể làm nhanh hàng triệu các thao tác do con người “dạy” nó, nhưng không ai truyền cho robot tâm hồn và lý tưởng được cả. Trí tuệ nhân tạo - vì thế - không thể là mối đe dọa cho nghề báo chí - truyền thông. 

Và khi có robot giúp các tòa soạn trong thu thập, xử lý dữ kiện; thì công việc của nhà báo hiện đại là phải sáng tạo, phải đào sâu vấn đề, phải tư duy phản biện, phải bộc lộ cảm xúc chân thành, phải biết phê bình sắc sảo…
Phan Văn Tú