Khi ai cũng có thể “truyền hình trực tiếp”

Giờ đây, khi tham gia buổi họp mặt lớp cũ, khi dự một buổi tiệc, đi hát ở phòng trà hay tham gia một hội nghị, bạn có thể dùng smartphone để chia sẻ video trực tiếp sự kiện cho bạn bè, người thân…

Tính năng live video trên các nền tảng mạng xã hội thực ra cũng không phải là quá mới. Từ năm 2013, YouTube đã bắt đầu cho phép những tài khoản có trên 100 người theo dõi có thể “phát sóng” trực tiếp video. 

Trước đó, Google cũng tung ra dịch vụ Hangouts cho phép người dùng truyền trực tiếp video qua webcam. Tuy nhiên, Hangouts chỉ truyền tải trong một nhóm người dùng nhất định, còn Youtube thì hạn chế về thiết bị truyền dẫn và các điều kiện đối với người sử dụng. 

Những năm gần đây, Facebook - mạng xã hội có số người dùng đông nhất hành tinh - đã triển khai tính năng truyền video trực tiếp cho tất cả người dùng sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng.

Mỗi người có một kênh truyền

Với tính năng livestream, Facebook cho phép bất cứ người dùng nào cũng có thể làm truyền hình trực tiếp và “phát sóng” toàn thế giới. Chỉ cần bấm vào vị trí cập nhật trạng thái mới, sau đó chọn nút “Live Video” ở đó, viết thêm một số nội dung giới thiệu về sự kiện hoặc nhân vật sẽ truyền video trực tiếp và quyết định chia sẻ video ấy tới những ai rồi bấm máy ghi hình, ta sẽ có một đoạn video được truyền trực tiếp. Người xem có thể bình luận, bàn bạc, thể hiện thái độ qua các biểu tượng của facebook về đoạn video ấy… 

Chỉ cần một chiếc điện thoại di động, ai cũng có thể “truyền hình trực tiếp”

Khi tính năng live video này phổ biến ở Việt Nam thời gian gần đây, giới báo chí, giới showbiz rất hồ hởi khai thác.

Một vụ cháy, một vụ tai nạn, một sự kiện có tính chất thời sự như khánh thành cây cầu mới, ra mắt bộ phim, album v.v… có thể dễ dàng đưa tin, thậm chí độc quyền tin tức trên facebook và dẫn lại trên các trang báo trực tuyến.

Livestream show thực hiện trên facebook (fanpage) của ca sĩ, diễn viên thường thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi và hàng ngàn lượt bình luận. Giới ca sĩ thường “truyền hình trực tiếp” bằng điện thoại di động trước giờ diễn qua tính năng của facebook để thu hút fan. Những live video này kéo theo hàng ngàn bình luận và hàng trăm ngàn lượt người xem, tương tác - con số cao gấp mười lần số vé bán ra cho một đêm diễn.

Những người bán hàng online tận dụng ưu thế “truyền hình trực tiếp” miễn phí này để giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, giải đáp thắc mắc về sản phẩm, cung cách phục vụ…

Ai cũng có thể làm trực tiếp truyền hình nhưng không phải ai cũng thu hút được đông đảo người xem, tùy mức độ nổi tiếng của người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, có thể thấy, với tính chất đại chúng của facebook, nhiều sự kiện được những facebooker bình thường truyền video trực tiếp trên mạng vẫn được đông đảo người xem và chia sẻ. Điển hình như hình ảnh trục vớt chiếc xe tải dưới lòng sông trong sự cố sập cầu Tân Nghĩa ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) tháng 5/2019, hình ảnh biểu tình dân Hồng Kông phản đối một dự luật của chính quyền mới đây…

Tính năng live video này cũng đang hứa hẹn được khai thác ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: học tập từ xa, chẩn đoán bệnh hỗ trợ điều trị ở các cơ sở y tế vùng sâu… và đặc biệt: làm báo. Nhiều cơ quan báo chí đã không bỏ qua dịch vụ mới này của facebook. 

Gần đây, hàng loạt sự kiện đã được trực tiếp truyền hình. Các buổi họp báo, các sự kiện được nhiều người quan tâm, các chương trình truyền hình cần tăng cường lượng khán giả trên các nền tảng khác… Công nghệ livestream thời gian qua đã góp thêm một cánh tay hỗ trợ cho hoạt động báo chí cũng như yêu cầu về tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề báo được nâng cao hơn.

Truyền thông xã hội không phải là báo chí

Và có một câu hỏi lớn được đặt ra: Khi ai cũng có thể đưa tin video trực tiếp từ hiện trường, liệu báo chí truyền hình có bị truyền thông xã hội lấn át không? Khi Internet có thêm hàng trăm, hàng ngàn "đài truyền hình" cá nhân, liệu các đài truyền hình nhà nước có bị lấn sân không?

Tính năng livestream của một số mạng xã hội hiện nay cho phép bất cứ ai, ở bất cứ không gian nào trên thế giới (miễn là có kết nối internet) đều có thể tường thuật video sự kiện trực tiếp vượt qua mọi rào cản địa lý, thậm chí quy định pháp lý. Đó là một phát minh công nghệ tiếp tục cung cấp thêm cơ hội để ai cũng có thể “làm báo” và truyền thông xã hội dần trở thành một lực lượng sản xuất với thế mạnh tập hợp số đông, thúc đẩy tự do cá nhân và tinh thần dân chủ. Đó cũng là một phát minh công nghệ thách thức báo chí truyền hình truyền thống. Công chúng truyền thông hôm nay có thể được biết đến nhanh hơn các sự kiện diễn ra ở nhiều ngóc ngách đời sống mà báo chí chuyên nghiệp có khi chưa tiếp cận được. 


Đám tang của một nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều người đến tổ chức livestream ồn ào như một cuộc họp báo (Ảnh: giadinh.net.vn)

Nhưng điều đó không đồng nghĩa với chuyện ranh giới giữa báo chí chính thống và mạng xã hội ngày càng xóa nhòa. Vì sao ư? Truyền thông xã hội vốn là mô thức truyền thông liên cá nhân nhằm chia sẻ ý tưởng, sự kiện; chủ thể thông tin là các cá nhân - thậm chí là các nguồn ẩn danh, hoàn toàn không chịu trách nhiệm trước cộng đồng, thông tin trên môi trường truyền thông xã hội đa phần có tính cá nhân, không được kiểm chứng bằng các thủ pháp báo chí chuyên nghiệp, không chịu trách nhiệm về giá trị thông tin, độ tin cậy của thông tin.

Một đám tang của nghệ sĩ, một tai nạn bi thương, một vụ cãi nhau nơi công cộng với nhân viên dịch vụ… cũng bị cư dân mạng livestream vô tội vạ với các góc máy thiếu chuẩn mực, vi phạm các nguyên tắc đạo đức, vi phạm pháp luật về hình ảnh nhân thân. Có người dùng tính năng livestream để “thuyết giảng”, tuyên truyền điều sai trái… 

Đó là những việc làm khó chấp nhận. Bản thân các nhà cung cấp dịch vụ cũng đề ra tiêu chuẩn cộng đồng để loại trừ những nội dung xấu, sai trái, phản cảm nhưng khó có thể dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn ngừa hết. Các nước trên thế giới đang có xu hướng siết chặt pháp luật xung quanh hoạt động “truyền hình trực tiếp” (livestream) hình ảnh từ thiết bị lên các nền tảng web, mạng xã hội.

Tính năng livestream của mạng xã hội có thể ứng dụng để hỗ trợ cho việc học tập từ xa, cho các sinh hoạt tập thể, sinh hoạt gia đình, hoạt động nghiên cứu, hoạt động khoa học, “làm báo”. Và người dùng cá nhân đa phần không thể có thiết bị và năng lực ghi hình chuyên nghiệp để có thể làm tốt việc đưa tin. Đừng tưởng video được truyền trực tiếp là thông tin có độ tin cậy. Góc máy, bố cục không bao giờ là khách quan trước một sự kiện mà truyền thông xã hội vốn thể hiện cảm xúc, bình luận có tính cá nhân; có khi tự nhiên, hồn nhiên, và thậm chí, phá cách, lệch chuẩn. Đừng tưởng chuyện ghi hình đưa lên mạng là “phản ánh sự thật” bởi đó là hành vi cần được cân nhắc nhiều khía cạnh pháp lý và đạo đức.

Phan Văn Tú