Hiện tượng “Bà Tân Vlog” nhìn từ công nghệ truyền thông

Mới đây, kênh “Bà Tân Vlog” trên YouTube thành hiện tượng truyền thông kỳ lạ. Chưa đầy 1 tháng kể từ ngày phát clip đầu tiên, “Bà Tân Vlog” đã thu hút trên 1,8 triệu người theo dõi, và các video của bà đạt trên 90 triệu lượt thích.

Trong khi giới YouTuber chuyên nghiệp tốn nhiều công sức, tiền bạc và thời gian nhưng hiệu quả không cao, “Bà Tân Vlog” chỉ cần 25 ngày xuất hiện đã có thể dành được nút vàng Youtube. Bà là ai?

Khi nông dân làm truyền thông

Nhân vật chính của kênh “Bà Tân Vlog” chính là bà Nguyễn Thị Tân (58 tuổi), một nông dân ở thôn Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Dòng giới thiệu về bà trên kênh YouTube cho biết, bà "cao 1,1 m, nặng 32 kg". Theo thông tin từ báo chí, bà Tân có hai người con trai, chồng bà đã mất vì bệnh hiểm nghèo – một người con trai của bà tên Hưng cũng có kênh YouTube khá hot.


Bà Nguyễn Thị Tân, nhân vật chính trong các clip của kênh “Bà Tân Vlog” đình đám trên mạng YouTube hơn một tháng qua(Ảnh: Internet)

Bà Tân làm video như thế nào?

Theo dõi kênh “Bà Tân Vlog”, dễ nhận ra hầu hết các clip chủ yếu trong đó chuyên về ẩm thực, cụ thể là clip nấu ăn, chế biến đồ uống những món phổ biến, dễ làm. 

Bà Tân đảm nhiệm việc chế biến, làm “nhân vật đồng hành” kiêm MC trong clip. Bà có giọng nói sang sảng, phát âm còn bị lỗi n/l vùng miền, diễn đạt xoay quanh vài cấu trúc quen thuộc. Dụng cụ nấu ăn của bà cực kỳ thô sơ. Các clip ghi hình đơn giản, một góc máy và bối cảnh hết sức thô sơ: sân nhà, bếp nhà không dọn dẹp kỹ.

Nếu vậy thì kênh “Bà Tân Vlog” cũng có gì đặc biệt đâu nếu biết rằng trên mạng YouTube, có hàng trăm kênh chuyên về ẩm thực hết sức chuyên nghiệp? Điều làm nên khác biệt về nội dung kênh “Bà Tân Vlog” chính là các món ăn đều làm ở dạng "siêu to khổng lồ", “siêu cay”. 

Ví dụ: thau hoa quả dầm khổng lồ; nướng 200 xúc xích; đĩa trâu xào rau muống khổng lồ; nia xoài dầm khô gà lá chanh siêu cay khổng lồ; nướng 100 đùi gà cay; pha bình trà sữa 60 lít hay làm nồi lẩu siêu cay khổng lồ.

Đến nay, kênh “Bà Tân Vlog” có hơn 20 video nhưng đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục (nhiều lần nằm trong top 3 kênh tăng trưởng lượt theo dõi cao nhất thế giới). Theo nhà báo Đặng Sinh, trước khi có kênh “Bà Tân Vlog”, bà Tân từng tham gia với vai trò là diễn viên phụ cho nhiều video trên kênh Hưng Vlog (do anh Nguyễn Văn Hưng, con trai của bà làm quản lý. Kênh Hưng Vlog cũng là một kênh YouTube cá nhân tương đối lớn ở Việt Nam, tính đến ngày 28.5 kênh này đã đăng tải 233 video, đạt hơn 164 triệu lượt xem và hơn 1,2 triệu lượt theo dõi. Trên kênh Hưng Vlog, bà Tân xuất hiện với vai trò diễn viên trong các video: nhặt được 1 tỉ thử lòng mẹ, giả vờ say ngủ ngoài đường thử lòng mẹ, đòi lấy vợ hơn mẹ 1 tuổi xem phản ứng của mẹ... và một số video khác.


Trang chủ của kênh “Bà Tân Vlog” trên mạng YouTube

Lý giải hiện tượng “Bà Tân Vlog”

Một kênh YouTube khá đơn giản như “Bà Tân Vlog” mà giành nút vàng sau 3 tuần hoạt động quả là hiện tượng "gây sốt". Không “choáng” sao được khi nhiều nhân vật showbiz đình đám, nhiều nhóm - đơn vị đầu tư nguồn lực lớn, nhân sự có nghề và thậm chí là nhiều cơ quan báo chí có ưu thế về thông tin sự kiện… vẫn phải chật vật trong việc tăng lượng người theo dõi các kênh YouTube trong khi một người phụ nữ nông dân (có đằng sau là một êkíp trẻ do con trai bà tổ chức) có thể đạt thành công bất ngờ như thế!

Báo chí vào cuộc để tìm lời giải thông qua các chuyên gia. Có người cho rằng sự tăng trưởng nhanh của “Bà Tân Vlog” nhờ ê kíp thực hiện đã biết nhắm vào thị hiếu của đa số công chúng Việt. Tâm lý chung là thấy cái gì lạ sẽ thi nhau vào xem. Tuổi tác cân nặng của bà Tân cũng là một yếu tố lạ khiến người ta tò mò. Những món ăn "siêu to", "khổng lồ" cũng là cái lạ nhưng không mới. Cái mới là lần đầu tiên có một người cao tuổi làm kênh YouTube. 

Thực ra thị hiếu của công chúng rất khó lý giải nhưng không ai phủ nhận cư dân mạng đổ xô đến kênh “Bà Tân Vlog” ban đầu vì sự hiếu kỳ và những thước phim giản dị, hồn nhiên của bà Tân đã gây thích thú cho nhiều người khi họ đã quá ngán những clip được dàn dựng công phu cẩn thận (hiện tượng Lệ Rơi hát nhạc chênh mấy năm trước đây cũng tương tự như vậy).

Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận sự tò mò hay thị hiếu, nhưng nếu lý giải hiện tượng “Bà Tân Vlog” như vậy là chưa thuyết phục. Rất nhiều YouTuber hiện nay tổ chức nội dung chạy theo thị hiếu, khai thác sự tò mò cũng khá tốt nhưng không đạt tốc độ người theo dõi kỳ lạ như thế.

Nhìn ở góc độ truyền thông hiện đại, cần thấy rằng đây là một sự kiện thao túng truyền thông xuất phát từ những lực lượng “ẩn mình” nhằm phục vụ cho những ý đồ nhất định. Các nhà cung cấp dịch vụ nắm được dữ liệu lớn về thói quen, hành vi của người tiêu dùng thông tin. Tất cả “dấu vết số” chúng ta để lại trên mạng đều trở thành dữ liệu mà các robot, thuật toán thông minh dùng để xử lý.

Bạn thường lướt những trang web nào? Thường xem video clip loại gì? Thường tìm kiếm những gì trên Google, thường like hay share nội dung nào… Bạn gửi email, bạn chat với ai trên các dịch vụ, bạn mua hàng bằng thẻ gì đến chuyện bạn thường gọi điện cho số nào... tất cả đều có robot lưu giữ và xử lý. Không chỉ YouTube, Facebook mà nhiều dịch vụ miễn phí khác - hàng loạt “ông lớn” công nghệ thông tin - lâu nay đã âm thầm làm chuyện đó.

Dữ liệu lớn được cá nhân hóa để “phục vụ” cho những mục đích nhất định. Đằng sau chiến dịch tranh cử của Trump trên mạng, và đằng sau chiến dịch ủng hộ Brexit là cùng một công ty chuyên nghiên cứu Big Data: Cambridge Analytica (vụ bê bối này mới đây trở thành sự cố lớn của facebook). Công ty này phát triển một thuật toán dựa trên kết quả nghiên cứu tâm lý học gọi lại psychometrics (đôi khi gọi là psychography), là một phương pháp đo nhân cách. Từ phương pháp đo nhân cách ấy, các công ty có thể dùng những dữ liệu của big data để có số đo về từng thành viên trong cộng đồng mạng, có thể hiểu chính xác chúng ta là ai, chúng ta có mong muốn, mối quan tâm, nỗi sợ hãi nào, chúng ta sẽ hành xử thế nào... Những kết quả phân tích đo lường ấy sẽ là cơ sở để xây dựng các chiến dịch truyền thông tác động trực tiếp đến đối tượng. Những chiến dịch truyền thông ấy hiệu quả đến mức nhiều đối tượng trước đó, ghét ông Donald Trump, ủng hộ bà Hillary Clinton nhưng đã quay 180 độ khi gần đến ngày bầu cử!

Và những clip trong “bà Tân Vlog” nằm trong chuỗi nội dung phù hợp để các nhà cung cấp dịch vụ có thể đẩy (push) cho bạn thấy, hiển thị cho hàng triệu người có cơ hội tiếp cận vì những mục đích nào đó (quảng cáo sản phẩm và dịch vụ chẳng hạn). Không thể có những video clip trên YouTube thành công nếu nền tảng mạng xã hội này không can thiệp ưu tiên cho người tiêu dùng tin tức chọn lựa. Tất nhiên, các robot sẽ làm chuyện này tinh vi nhanh nhạy “phục vụ” từng đối tượng. Và đó là lý do nhiều YouTuber nổi lên đình đám trong một thời gian ngắn. Còn vì sao thuật toán lại chọn những nội dung ấy lại là vấn đề khác, cần phân tích thấu đáo qua nghiên cứu dữ liệu.

Thời của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đặt cho người sử dụng truyền thông vào cần biết khai thác công nghệ một cách thông minh hơn.
Phan Văn Tú