Hội chứng hậu COVID-19 có thể gặp ở bất kỳ ai từng mắc COVID-19, bao gồm những người không có triệu chứng đến những người bệnh rất nặng phải điều trị trong các đơn vị hồi sức tích cực (ICU).
Những triệu chứng của hậu COVID-19
Hậu COVID-19 có rất nhiều triệu chứng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Trong đó, phổ biến nhất là mệt mỏi, hụt hơi, kiệt sức và sương mù não. Các triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn khi người bệnh gắng sức hoạt động thể chất hoặc tinh thần.
Các triệu chứng thường gặp khác có thể kể đến như: ho, đau ngực hoặc viêm dạ dày, đau đầu, đánh trống ngực, đau cơ khớp, tiêu chảy, sốt, chóng mặt khi đứng dậy... Người bệnh sau khi khỏi COVID-19 có thể xuất hiện những thay đổi về tâm trạng, vị giác, khứu giác, chu kỳ kinh nguyệt.
ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp - Bác sĩ Điều trị tại Phòng khám hậu COVID-19 Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết: “Trong khoảng 2 tuần triển khai, Phòng khám hậu COVID-19 đã tiếp nhận hơn 100 người bệnh. Trường hợp người bệnh có những triệu chứng nặng khá ít. Đa số người bệnh gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, đau đầu rụng tóc, hay lo lắng bất an... Người gặp phải các di chứng do COVID-19 để lại đa phần nằm trong độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có những người bệnh là trẻ em hoặc người già, có bệnh nền hoặc không”.
Làm gì khi gặp phải hội chứng hậu COVID-19?
Với SARS-CoV-2 cùng những nguy hiểm và sự tàn phá mà thế giới vẫn chưa hiểu hết, người nhiễm loại vi-rút này có thể đã rất hoang mang, lo sợ, thậm chí tạo nên sang chấn tâm lý dù đã khỏi bệnh.
Bác sĩ Hiệp chia sẻ: “Một số người sau khi khỏi bệnh dù cơ thể không có triệu chứng gì vẫn tìm đến phòng khám hậu COVID-19 vì quá lo lắng. Đây cũng là một việc tốt vì sau khi được bác sĩ tư vấn, thực hiện cận lâm sàng, họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu sức khỏe của mình vẫn ổn. Trong trường hợp COVID-19 thực sự có ảnh hưởng đến cơ thể, chủ động thăm khám cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của hậu COVID-19”.
Tuy nhiên, bác sĩ Hiệp cũng đưa ra lời khuyên rằng không phải tất cả F0 đều cần đi kiểm tra sức khỏe sau khi khỏi COVID-19.
Theo bác sĩ Hiệp, trường hợp nên đi khám hậu COVID-19 sớm là những người mắc bệnh nặng từng phải điều trị trong phòng hồi sức; Người bệnh thở máy nhiều, bị phụ thuộc máy thở; Những F0 đã âm tính nhưng vẫn bị khó thở, tức ngực, vận động kém; Người bị mất ngủ kéo dài, có dấu hiệu rối loạn tâm thần như hoảng loạn, bế tắc, nhạy cảm quá mức...
Đối với người bệnh sau khi khỏi COVID-19 nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như đau mỏi người, ho nhẹ, hồi hộp chỉ cần theo dõi, tập thở, tập luyện vận động tại nhà, bổ sung vitamin khoáng chất. Nếu những triệu chứng này khiến chất lượng cuộc sống giảm sút thì mới cần đi khám để tìm cách điều trị, cải thiện tình hình.