(HTV) - Nhân Ngày Quốc tế Người Khuyết Tật (03/12), Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đã tổ chức Hội nghị "Kỷ niệm 25 năm thành lập dịch vụ phục vụ người khiếm thị" và Hội thảo "Nâng cao chất lượng phục vụ người khiếm thị trong thời đại số".
Suốt 25 năm qua, dịch vụ này đã không chỉ giúp người khiếm thị ở TP.HCM mà còn tại các tỉnh lân cận tiếp cận tri thức, mở ra những cơ hội học hỏi, phát triển bản thân và tham gia vào xã hội.
Nhờ có dịch vụ này mà giấc mơ được đọc sách của người khiếm thị trở thành sự thật
Khi ước mơ đọc sách của người khiếm thị trở thành hiện thực
Ông Trần Bá Thiện, một người khiếm thị, chia sẻ: "Khi còn sáng mắt, tôi đã mơ ước được vào thư viện để đọc sách, nhưng một tai nạn đã lấy đi đôi mắt của tôi khi tôi mới 20 tuổi. Tất cả ước mơ của tôi như đóng lại. Tuy nhiên, từ khi có dịch vụ này, tôi lại có cơ hội tiếp cận tri thức theo cách riêng của mình. Điều này thực sự khiến tôi hạnh phúc."
Ông Trần Bá Thiện nghẹn ngào khi chia sẻ về niềm đam mê được đọc sách của mình ngày nhỏ giờ đây đã trở thành sự thật nhờ thư viện sách và dịch vụ phục vụ cho người khiếm thị
Bà Nguyễn Thị Bắc - nguyên Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, tâm sự về hành trình mở ra dịch vụ này: "Chúng tôi nhận ra rằng người khiếm thị cũng cần được tiếp cận tri thức. Vì thế, chúng tôi đã nỗ lực mang đến dịch vụ này, dịch sách sang ngôn ngữ ký hiệu và làm sách chữ nổi để giúp người khiếm thị học hỏi và phát triển."
Với trái tim đầy tâm huyết, bà Nguyễn Thị Bắc đã ấp ủ và hiện thực hóa giấc mơ về một thư viện đặc biệt, mở ra cánh cửa tri thức cho người khiếm thị
Với sự sáng tạo và tâm huyết, năm 1999, bà Nguyễn Thị Bắc tiên phong thành lập phòng đọc dành cho người khiếm thị tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Đây là bước ngoặt quan trọng trong công tác phục vụ người khiếm thị trong hệ thống thư viện công cộng Việt Nam. Dịch vụ này từ đó đến nay đã không ngừng phát triển, trở thành điểm tựa vững chắc giúp người khiếm thị tiếp cận tri thức, học tập, giải trí và phát triển tinh thần.
Ông Nguyễn Quốc Phong, một người khiếm thị, đã chia sẻ rằng ông rất vui và hạnh phúc khi có một dịch vụ đặc biệt dành riêng cho người khiếm thị.
Ông Nguyễn Quốc Phong bày tỏ niềm vui khi bây giờ đây đã có nhiều trang thiết bị và các dịch vụ hỗ trợ khiến cuộc sống của người khiếm thị trở nên dễ dàng hơn
Em Nguyễn Thành Quang - học sinh khiếm thị, bày tỏ: "Con đã đọc được nhiều cuốn sách bổ ích, nhờ đó con trở thành người có ích cho xã hội."
Dịch vụ đọc sách dành cho người khiếm thính còn là nơi chắp cánh ước mơ học tập cho các em nhỏ
Tiến sĩ Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ Học Tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, cho biết về công việc của mình trong việc chuyển thể giáo trình cho người khiếm thị: "Với người bình thường, thế giới đầy màu sắc, nhưng với người khiếm thị, mọi thứ chỉ có một màu đen. Vì vậy, tôi đã chuyển thể toàn bộ giáo trình ngoại ngữ cho người khiếm thị. Ngành ngoại ngữ rất phù hợp với họ và chúng tôi đang nghiên cứu các ứng dụng mới để hỗ trợ tốt hơn cho họ."
Tiến sĩ Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ Học Tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM
Sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng đã giúp người khiếm thị không chỉ có cơ hội học tập mà còn được giải trí, nâng cao đời sống tinh thần và nhận thức xã hội.
Mở lối tri thức cho người khiếm thị
Ông Nguyễn Đình Kiên - Chủ tịch Hội Người Mù TP.HCM, chia sẻ: "Chúng tôi đã được tạo điều kiện học tập, tìm kiếm việc làm, từ đó có thể tiếp cận các phương tiện và nâng cao kiến thức."
Ông Nguyễn Đình Kiên - Chủ tịch Hội Người Mù TP.HCM
Ông Trần Bá Thiện kết lại: "Từ khi có dịch vụ này, tôi lại có thể bước chân vào thư viện yêu thích, tiếp cận tri thức theo cách riêng của mình. Tôi đã mở lớp học cho người khiếm thị, mang ánh sáng tri thức đến cho họ, giúp họ phát triển và hòa nhập cộng đồng."
Dịch vụ phục vụ người khiếm thị không chỉ là cầu nối tri thức mà còn là ngọn lửa thắp sáng hy vọng, mang đến niềm tin và cơ hội cho những người khiếm thị, giúp họ vượt qua thử thách, hòa nhập xã hội và tiếp tục ước mơ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9