Một lỗi phát ngôn do vô ý, một lỗi chính tả trên văn bản hành chính, một bức ảnh cá nhân trên mạng để lộ những thông tin ngoài ý muốn của chủ nhân, một bài báo sai sót về số liệu… tất cả đều có thể bị “bóc phốt”!
Hiện tượng các cư dân mạng xã hội hiện nay săm soi quá kỹ những sai sót của cá nhân, tập thể trên báo chí - truyền thông bằng một thái độ không hoàn toàn trên tinh thần xây dựng được gọi bằng một từ có tính chất mỉa mai: “thánh soi”! Đây là một hiện tượng truyền thông mang tính hai mặt.
Mạng xã hội với cơ chế tương tác đa không gian đang trở thành một kênh thông tin ý kiến khá rộng mở, nhưng việc lạm dụng diễn đàn này để xúc phạm danh dự cá nhân bằng hình thức “thánh soi”, “ném đá” cũng đang là lời cảnh báo
Quá giới hạn
Thực ra, từ “thánh soi” ban đầu không có nét nghĩa xấu, thậm chí có ý khen ngợi về khả năng phân tích, phát hiện, nhưng tính chất phê bình của môi trường mạng xã hội đã dẫn đến hiện tượng cực đoan. Và từ “thánh soi” mang nét nghĩa mới: săm soi quá đáng, soi mói không cần thiết!
“Thánh soi” là hiện tượng vượt qua ranh giới mong manh giữa phê bình và góp ý trở thành một cách nói chua chát, hài hước về một hiện tượng bất bình thường trên mạng xã hội hiện nay, đó chính là sự ác ý trong chê trách. Chê để tấn công đối tượng!
Một người nổi tiếng đôi lúc đôi chỗ trong phát ngôn có khi cũng gặp sơ sót do lơ đãng, do quên kiến thức. Một giáo viên chuyên về ngành học A có thể bị bí trong câu hỏi về lĩnh vực sở đoản khi tham gia trò chơi trên truyền hình. Một tấm ảnh chụp vội trong sinh hoạt, kỷ niệm, họp mặt… của chúng ta đôi lúc vô tình lọt vào những chi tiết lẽ ra cần phải cắt trước khi đưa lên mạng xã hội…
Nếu nhìn những sơ sót, sai sót ấy bằng cặp mắt cảm thông, chia sẻ, góp ý thì mọi chuyện “soi” cũng trở nên thú vị. Ngược lại, tình trạng săm soi, soi mói để thể hiện năng lực phân tích sắc sảo trong quan sát các sự việc, hiện tượng đời sống mà mục đích là tìm ra sơ hở, khiếm khuyết để chê bai, đả kích… gây nên cảm xúc tiêu cực nơi người tiếp nhận, người bị phê bình!
Tất nhiên, không phải lúc nào chuyện “soi” cũng đúng. Có người quá mê ham soi mói kẻ khác đến mức ráng tìm kính hiển vi để xét đoán chuyện ứng xử, kiến thức, học thuật của những người nổi tiếng, có uy tín xã hội, và đặc biệt là người trong hệ thống công quyền nhưng nội dung xét đoán này lại quá đà hoặc sai. Những kiểu quá giới hạn như thế cũng là một hình thức mà các “thánh soi” thích làm nhằm tạo sự chú ý. Nhân vật bị soi càng nổi tiếng, cương vị càng cao, sự kiện càng lớn thì càng tạo ra sức hút… để họ soi. Và đó là sự quá giới hạn!
Nếu “soi” chỉ để xây dựng
Cũng cần thấy rằng, chuyện góp ý phê bình, “soi” một nhân vật, một vấn đề nào đó ở khía cạnh chung là xu thế tích cực. Đây là một hình thức giám sát, phản biện xã hội. Ở khía cạnh này, mạng xã hội hay dư luận nói chung, có tác động giúp cho các thành viên trong xã hội biết thận trọng trong phát ngôn ứng xử, biết làm tròn trách nhiệm, biết chừng mực và tử tế, thậm chí, biết… sợ để rèn luyện, phấn đấu.
Những lời phê bình thiếu thiện chí kiểu soi mói trên mạng có thể dẫn đến hậu quả khó lường, làm tổn thương người khác
Không ai có thể tránh được sơ sót, sai sót, khuyết điểm. Vì thế, sự góp ý giúp chúng ta hoàn thiện. Ngay cả một thầy giáo đứng trên bục giảng cũng cần được chính các học sinh của mình góp ý để có thể truyền đạt tốt hơn.
Tuy nhiên, “soi” những khuyết điểm của người khác nếu trên tinh thần xây dựng như thế thì quá tốt, quá hay. Đằng này, trong đời sống mạng xã hội, những “thánh soi” mà chúng ta đang nói tới như một hiện tượng có xu hướng cố tình hạ thấp uy tín cá nhân, cộng đồng, nhóm xã hội nào đó trong quá trình… “soi” theo kiểu bé xé ra lớn, lái yếu tố lợi ích, tầm vóc của vấn đề để số đông hiểu sai bản chất.
Một nhà khoa học có khi trích dẫn sai nguồn, một chính khách có thể đọc sai câu thơ, một nhà báo có thể sai trong chú thích ảnh… Những cái sai sót ấy nếu chỉ dừng lại ở sự phê phán, nhắc nhở thì rất cần thiết. Nhưng nếu sử dụng môi trường mạng như một “phiên tòa” để xỏ xiên, quy kết một cách thiếu thiện chí thì đó chính là hành vi thiếu văn hóa.
“Thánh soi” - vì thế - là mặt trái của hiện tượng mạng xã hội. Hiện tượng lợi dụng diễn đàn dân chủ trong không gian mở của truyền thông để mạt sát, thể hiện bức xúc, và thậm chí, quy kết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, xúc phạm cộng đồng, tổ chức, đơn vị…
***
Bình thường, không ai trong chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận sự “phê bình” thẳng thẳn của người khác, dù đó là sự phê bình dựa trên tinh thần xây dựng. Chính vì thế khi dùng các thủ pháp “thánh soi”, những kẻ phê bình đã làm chạnh lòng, làm tổn thương và thậm chí, gây sốc cho người khác trên không gian công cộng (mạng xã hội). Đây là một hình thức lạm dụng đời sống truyền thông mở. Và đến một mức nào đó, hình thức này là hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật.
“Lời nói đọi máu”, từ xưa ông bà ta đã nói thế. Ở đời, bất cứ lúc nào và ở đâu, người ta cũng rất ghét chuyện “soi mói”. Ai cũng muốn có một không gian riêng tư, một hoàn cảnh đặc biệt. Không ai trong chúng ta cho phép người khác vi phạm không gian cá nhân, hoàn cảnh riêng tư của mình một cách thiếu tôn trọng. Hiện tượng “thánh soi” đang lan tràn trong xã hội mạng như một căn bệnh đi kèm với hiện tượng “ném đá” mà Tạp chí HTV đã có dịp bàn đến. Động cơ của những chuyện “thánh soi” để “ném đá” này là thỏa mãn cái tôi cá nhân của kẻ soi, câu “like”, câu view để bán hàng và nặng nề hơn, là xúc phạm cá nhân và tập thể.
Chính vì thế, khi tham gia ứng xử trên môi trường truyền thông mạng, chúng ta luôn tuân thủ nguyên tắc tôn trọng đời tư của mỗi cá nhân, thận trọng trong việc tham gia các hoạt động phê bình, phản biện để tránh quá đà rơi vào cực đoan của hiện tượng “thánh soi”.
Phú Trang