Giật tít “câu view” - con dao nhiều lưỡi

Làm báo in, báo điện tử (và cả trong truyền hình hiện đại), ai cũng đều biết rằng “tít” (hay tiêu đề) là thành tố quan trọng nhất trong tác phẩm, sản phẩm báo chí. Và vì thế, việc rút tít cho bài báo được xem là nghệ thuật…

Vai trò của tít

Tít là thành tố “quan trọng nhất” vì nó có ý nghĩa quyết định “số phận” của tin, bài hay sản phẩm báo chí. Nói cụ thể hơn, vì tít thu hút sự chú ý của độc giả vào tin bài. Tít cung cấp thông tin chính trong một cái liếc mắt, khiến công chúng muốn đọc, muốn khám phá. Tít là yếu tố chính ở mức độ đọc đầu tiên, ở lớp thông tin thứ nhất. Một bài báo được tác giả bỏ công hàng tháng trời thực hiện và thể hiện nội dung rất hay, nhưng cái tít quá dở có thể là nguyên nhân chính khiến công chúng không tiếp cận tác phẩm. 

Ngày nay, với việc phát hành nội dung báo chí trên môi trường internet - đặc biệt là qua các thiết bị cầm tay có màn hình cảm ứng diện tích nhỏ - tít càng có ý nghĩa quan trọng khi nó là yếu tố đầu tiên quyết định sự lựa chọn của người đọc: click hay không click. Và chính vì thế, trong quá trình giành thị phần, giành công chúng truyền thông, các nhà báo, các cơ quan báo chí luôn ý thức viết tít thật hay, thật hấp dẫn để thu hút sự quan tâm và khao khát khám phá của bạn đọc.

Giữa chuyện viết, biên tập tít vừa hay, vừa hấp dẫn, vừa chính xác, vừa khách quan, cân bằng, công bằng không phải lúc nào cũng là một sự kết hợp hoàn hảo. Áp lực thời sự và nhiều “áp lực khác” - trong một số trường hợp - đã làm các nhà báo chọn lựa kiểu giật tít thiếu khách quan, công tâm, thiện chí, thậm chí có dấu hiệu lừa dối, nhẫn tâm… Đây cũng là một biểu vi phạm đạo đức báo chí cần được các cơ quan quản lý chỉ ra và chấn chỉnh.

Khai thác yếu tố nhân thân có màu sắc định kiến

Hôm 3/6 rồi, tiền đạo Nguyễn Công Phượng tổ chức đám hỏi cùng cô gái xinh đẹp, tài giỏi Tô Ngọc Viên Minh. Những sự kiện liên quan đến đời tư người nổi tiếng, rất nhiều báo quan tâm là chuyện dễ hiểu. Nhưng, điều làm cho công chúng khó chịu đến phản ứng là cái tít bài tường thuật trên một tờ báo lớn về sự kiện này: Công Phượng và sự nghiệp đá… “bank”


Bài báo giật tít kiểu chơi chữ - vô tình hay cố ý - tạo nội dung mỉa mai danh thủ Công Phượng 

Cần giải thích ngay rằng vợ sắp cưới của Công Phượng là con gái của ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Tác giả bài báo sử dụng thủ pháp chơi chữ dựa vỏ âm thanh của “đá banh” và “đá bank” na ná nhau để bóng gió “Công Phượng đào mỏ”. Nhưng tác giả đã quá nhầm, Công Phượng là cầu thủ chuyên nghiệp, anh kiếm tiền chính đáng từ tài năng và sức lao động của mình. Ngoài bóng đá anh còn làm quảng cáo, đại diện thương hiệu. Số tiền anh thu nhập rất cao. Chuyện cầu thủ nổi tiếng lấy vợ con nhà “gia thế” (chưa ai biết có giàu không) là bình thường, xuất phát từ tình yêu chân chính. Cho nên, cách đặt tít như vậy là sự xúc phạm đến nhân vật và độc giả.

Một ví dụ khác, cách đây không lâu, một tờ báo lớn có cái tít Xem xét vụ án vợ bí thư xã giết người. Nội dung bài báo thông tin việc TAND Tối cao đang xem xét lại vụ án bà Lê Thị Hường (42 tuổi, ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Vấn đề đáng nói ở đây là việc tác giả chọn lựa đưa yếu tố nhân thân “vợ bí thư xã” vào tít (và cả trong bài). Bà Lê Thị Hường đúng là vợ của bí thư xã. Về mặt pháp lý, thông tin nhân thân ghi trong tít như thế là không sai, nhưng ở góc độ đạo đức, có thể thấy rằng, cách giật tít như thế có phần định kiến với một nhóm xã hội nhất định mà cụ thể ở đây là cán bộ - đảng viên.

Những ví dụ tương tự như vậy rất nhiều:

- Bắt gã đồng tính giả giọng sếp lớn, lừa đảo doanh nghiệp.
- Vợ chồng đại tá công an chết cháy trong nhà vệ sinh.
- Hành khách Trung Quốc trộm hơn 400 triệu đồng trên máy bay.
- Kỷ luật nữ sinh Thanh Hóa đánh nhau vì mâu thuẫn trên Facebook.

- Điều tra vụ con trai Phó chủ tịch UBND huyện đánh người yêu nhập viện.

Có thể nhà báo khi viết tít không hề có định kiến, nhưng việc chọn chi tiết nhân thân trong những thông tin tiêu cực vô tình tác động tới quan điểm của số đông. Bản thân nhà báo và cơ quan báo chí phải đi đầu trong việc xóa bỏ những dạng định kiến như thế để khích lệ xã hội cùng thay đổi.

Ở một đất nước có nhiều sắc tộc anh em chung sống bình đẳng với sự đa dạng văn hóa, tôn giáo; ở một xã hội có nhiều tầng lớp, vùng miền với các vấn đề lịch sử; ở một giai đoạn mà chúng ta chủ trương hội nhập với toàn cầu … vấn đề chống định kiến cần phải được đặt ra và hết sức cẩn trọng trong truyền thông.


Chỉ cần vào Google, có thể tìm thấy hàng trăm bài viết chỉ ra kỹ thuật giật tít câu view. Nhưng rất nhiều bài trong số này thiên về thủ thuật, bất chấp yếu tố đạo đức báo chí - truyền thông

Chọn chi tiết có tính mạ lỵ, bất nhẫn

Xin đưa ra vài ví dụ, đêm 10/3/2015, một vụ tai nạn đường sắt thảm khốc xảy ra tại xã Hải Thượng (Hải Lăng, Quảng Trị): tàu SE5 đâm vào ôtô tải đang băng qua đường ngang dân sinh khiến 3 toa tàu bị lật khỏi đường ray, xe tải đứt đôi, lái tàu tử vong, tài xế xe tải bị thương nặng, đường sắt Bắc Nam bị tê liệt một ngày đêm. Một ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, một tờ báo có bài bình luận với cái tít: Tai nạn tàu hỏa thảm khốc: Lái xe ben mới là kẻ đáng chết. Cần nói ngay rằng khi bài báo này ra đời, cơ quan điều tra chưa có kết luận chính thức nào về vụ việc nhưng tác giả bài báo đã tự cho mình cái quyền kết tội - mà là tội chết - cho người khác.

Những cái tít đầy tính mạ lỵ và nhẫn tâm như thế không khó để tìm thấy trên nhiều trang báo mạng hiện nay. Giữa quyền tự do báo chí và quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội là một vấn đề tế nhị, song người làm báo không được phép cho mình đóng vai quan tòa!

Nhiều cái tít có chi tiết về nhân thân một người cũng khai thác yếu tố hành vi tai tiếng trong quá khứ. Nhiều cái tít câu khách bằng chi tiết lập lờ để đánh lừa độc giả nhưng lại quên rằng hành vi ấy xúc phạm đến những con người cụ thể.

Khi viết bài giới thiệu cuốn hồi ký của nghệ sĩ Thương Tín, một tờ báo giật tít: Thương Tín tiết lộ cuộc tình sóng gió với ca sĩ Hồng Nhung. Nội dung bài báo này điểm qua những mối tình được Thương Tín kể trong hồi ký, trong đó, đúng là có mối tình với cô ca sĩ tên Hồng Nhung. Nhưng cô ca sĩ này không phải là “Hồng Nhung diva”, cô chỉ là ca sĩ chuyên hát nhạc ở các phòng trà, đám cưới. Đọc xong bài báo, độc giả nhận ra mình bị lừa vì cái tít. Về mặt pháp lý, thì người giật tít “không sai” nhưng ở góc độ đạo đức, chiêu “đánh lừa” thông minh này có phần bất nhẫn.


Bài báo điểm sách Hồi ký Thương Tín có cái tít lập lờ để lừa độc giả

***

Tít dù có dung lượng ngắn nhưng đó là sản phẩm lao động nặng nề. Viết tít nói riêng và làm báo nói chung, nếu xuất phát từ cái tâm trong sáng, từ tinh thần phục vụ công chúng, xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc, sẽ khó xảy ra sai phạm.
Phan Văn Tú